Gương điển hình

Một đời tận hiến cho Thánh nhạc

Cập nhật lúc 14:59 29/08/2017
“Thuở bé tôi đã có niềm say mê với âm nhạc, tới khi vào Tiểu Chủng viện, tình yêu đó lại lớn dần lên và theo tôi suốt cuộc đời”, linh mục - nhạc sĩ Vinhsơn Phạm Liên Hùng, nguyên Trưởng ban Thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc chia sẻ.
Một đời tận hiến cho Thánh nhạc
Một đời tận hiến cho Thánh nhạc

Ơn gọi đồng hành với âm nhạc

Đang nghỉ ngơi tại nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận Xuân Lộc, khi chúng tôi ghé thăm, cha khá bất ngờ. Thế nhưng, sự đôn hậu dễ mến nơi ngài giúp chúng tôi hết lo lắng. Phút ngập ngừng ban đầu tan biến, đối diện với vị linh mục, chúng tôi rất muốn khám phá tâm hồn người mục tử đã dùng cả đời mình tận hiến cho Chúa và phục vụ Ngài bằng lời ca tiếng hát.
Một đời tận hiến cho Thánh nhạc
 

Sinh năm 1942 tại giáo xứ Bùi Chu (Nam Định), hồi nhỏ xíu, cha sinh hoạt trong đội giúp lễ, ở nhà thì được bà nội khuyến khích động viên tham gia việc nhà đạo. Năm lên 10 tuổi, thi vào Tiểu Chủng viện ở Ninh Cường, địa phận Bùi Chu; khi chuyển vào Nam năm 1954, cha tu học ở Tiểu Chủng viện Phanxicô, gần nhà thờ Chợ Đũi. Có thể nói, đây chính là nơi hun đúc, rèn luyện cho tài năng âm nhạc của vị linh mục nhạc sĩ. “Trước khi vào Tiểu Chủng viện, tôi đã thích nhạc rồi, đến khi có cơ hội, tôi tìm mọi cách để học, có khi tự học, có khi nhờ nhạc sĩ hướng dẫn thêm”, cha Vinhsơn chia sẻ. Năm 1956, ngài học đàn với nhạc sĩ Ngô Duy Linh và học sáng tác đôi chút. Một năm sau, khi mới lên lớp 10, đang vào mùa Chay, Phạm Liên Hùng đã cho ra đời tác phẩm đầu tay “Ôi thánh giá”.

Năm 1960, chính thức bước vào Đại Chủng viện Sài Gòn, giai đoạn này khó khăn thử thách cũng không ít, nhưng tuổi trẻ lướt thắng mọi sự, cha quyết tâm vượt qua, bền đỗ với ơn gọi thánh hiến. Ngày 29.4.1967, trong niềm hân hoan, cha lãnh nhận thiên chức linh mục khi mới 25 tuổi. Sau khi thụ phong, nhờ năng khiếu và sự hiểu biết về thánh nhạc, linh mục Phạm Liên Hùng cộng tác với ĐCV Sài Gòn thực hiện hai tuyển tập “Chúc tụng Chúa 1, 2” rất phổ biến vào những năm 1968 -1969.

Cầu nguyện trước khi sáng tác

Nhiệm sở đầu tiên vị linh mục trẻ về phục vụ là giáo xứ Hà Nội (Hố Nai), trong vai trò cha phó, sau đó được bài sai về làm phó xứ Vũng Tàu. Đến năm 1970, cha Vinhsơn về giúp Tiểu Chủng viện Thánh Phaolô (Long Khánh), trở thành cha giáo dạy môn Việt Văn và âm nhạc. Cha Hùng nói: “Tôi luôn nhắc nhở học trò của mình nếu muốn theo con đường sáng tác âm nhạc thì phải chú trọng đến tính văn chương, có như vậy ca từ mình viết ra mới mượt mà, trơn tru và có chất thơ”. Những ngày không lên lớp, ngài lại về Sài Gòn học nâng cao về chuyên môn như hòa âm, phối khí, thánh nhạc, ca trưởng… 5 năm giúp chủng viện là 5 năm miệt mài vừa dạy vừa đi học, dù hết sức bận rộn nhưng cha sáng tác rất đều tay, cứ lâu lâu lại cho ra đời một tuyển tập; ấn bản đầu tiên “Bài ca mới” xuất bản năm 1974, cho đến nay là 3 tuyển tập cùng tên.

Nơi linh mục nhạc sĩ Phạm Liên Hùng luôn có sự song hành giữa con đường nghệ thuật và sứ mạng dấn thân phục vụ. Ngài khéo léo dùng nén bạc Chúa trao để làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng. Sau năm 1975, ngài coi xứ Trinh Vương và đây là quãng thời gian cha sáng tác dồi dào nhất. Niềm vui chính là sáng tác thánh ca, chăm lo các sinh hoạt của ca đoàn: “Thời điểm này, tôi viết theo nhu cầu bởi không có sách vở gì cả. Tôi viết nhiều về ca nhập lễ, dâng lễ, về Đức Mẹ cũng như các thánh tử đạo”, cha hồi tưởng. Ngoài ra, cha còn phụ trách thêm Ban thánh nhạc của giáo phận, cũng như thường xuyên đứng ra mở các lớp dạy đàn, thánh nhạc và ca trưởng.


baoconggiao.info
Bên các học trò nhóm sáng tác nhạc Sao Mai

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Liên Hùng được phổ biến rộng nơi nhiều cộng đoàn như Bước vào, Đây nhiệm tích, Chào mừng thánh tử đạo, Tôn vinh Ba Ngôi, Dâng lên trước thiên tòa… Khi sáng tác, cha luôn chú trọng tới ca từ, dựa vào Thánh Vịnh, Thánh Kinh; âm nhạc dựa vào ngũ cung bắc, ngũ cung Tây nguyên. Thời gian đầu, vừa làm nhạc vừa viết lời, sau này lại viết lời trước, cha chia sẻ: “Đối với người viết thánh ca, phần lời là căng nhất. Một dòng nhạc mà có tới mấy lời, nhưng lời nào cũng phải tròn trịa, ý nghĩa. Chính vì thế, tôi có thói quen trước khi sáng tác phải cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi sáng”. Cha cũng chú ý đưa tinh thần canh tân của Công đồng Vatican II vào trong các sáng tác của mình. Mỗi bản nhạc được “thai nghén” đều là những chiêm niệm về cuộc sống, đời tu và tình yêu Thiên Chúa, nhằm hướng đến những mặt tích cực trong việc dấn thân và xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Truyền lửa cho Sao Mai

Năm 1994, cha về làm chánh xứ Bùi Đức, tới năm 2013 thì nghỉ hưu, dầu vậy, tình yêu đối với âm nhạc chưa bao giờ đứt đoạn. Ngài còn truyền ngọn lửa ấy đến với biết bao học trò của mình, và nhiều thế hệ đã trưởng thành. Năm 2004, khi còn là Trưởng ban thánh nhạc giáo phận Xuân Lộc (1972-2010), cha đã thành lập nhóm sáng tác nhạc thánh ca Sao Mai, quy tụ một số học trò tâm huyết với nền thánh nhạc Việt Nam để cùng nhau sinh hoạt, học hỏi và sáng tác thêm nhiều ca khúc mới. Hiện tại nhóm có khoảng 12 thành viên.
 
Cha Hùng bên các học trò ngày mới thụ phong

Cô Nguyễn Thị Cẩm Nhung - trưởng nhóm sáng tác Sao Mai tâm sự: “Cha giáo Vinhsơn rất vui, còn hay đùa với các học trò bằng những câu nói dí dỏm đơn sơ. Anh em chúng tôi là học trò nhưng chẳng bao giờ “tốt nghiệp”, cứ thứ 5 hằng tuần lại họp mặt thầy trò để cùng chia sẻ ca khúc mới, góp ý xây dựng giúp nhau hoàn thiện hơn”. Còn linh mục Nguyễn Phước Hưng (phó xứ Bùi Hiệp), trước đây là học trò của cha Liên Hùng, cho biết: “Ngài thường khuyên học trò của mình muốn viết được thánh ca thì phải đi lễ, cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần tác động ban cảm hứng. Tùy theo khả năng Chúa ban mà sáng tác. Không những thế, ngài còn là vị mục tử hiền lành, khiêm nhường và gần gũi với mọi người. Trong lĩnh vực thánh nhạc, ngài có bề dày và chiều sâu và là một nhạc sĩ lớn của giáo phận Xuân Lộc”. Một ca viên cũng là học trò cũ của cha chia sẻ thêm: “Tôi khâm phục sức bền bỉ phục vụ thánh nhạc của ngài. Lời ca của cha là đủ thể loại thơ. Hình ảnh cha mỗi khi sáng tác thánh ca là cứ đăm chiêu đi tới đi lui, 2 tay để sau lưng nhịp nhịp, miệng hát nho nhỏ… Thật khó mà quên được”.

Đến bây giờ, với 50 năm linh mục và 60 năm viết thánh ca, “gia tài” ngài để lại cho nền thánh nhạc Việt Nam khá đồ sộ, khoảng hơn 1.000 bài đủ thể loại. Khi nói về thành quả của mình, linh mục - nhạc sĩ Phạm Liên Hùng nhẹ tênh: “Tôi gần như đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời, bây giờ chỉ mong mỏi sao cho nền thánh nhạc của giáo phận thăng tiến, có nhiều nhạc sĩ nhiệt thành, có khả năng kế thừa cũng như duy trì hoạt động của nhóm Sao Mai ngày càng trưởng thành và vững mạnh hơn”.

NGỌC LAN

Nguồn tin: Công Giáo và Dân Tộc

Thông tin khác:
“Vì Chúa đã bảo tôi” (29/08/2017)
Ông cố mê việc nhà đạo (29/08/2017)
Thánh Rita (28/08/2017)
Bà Lê Thị Lan, Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu (28/08/2017)
Cô học trò giành giải thưởng quốc tế (25/08/2017)
Thánh Laurenso Bridisi (24/08/2017)
Lịch sử vang lên trong những giai điệu đẹp (23/08/2017)
Trưởng Ban công tác Mặt trận Thạch Ái: Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện khi bình xét hộ nghèo. (18/08/2017)
Chỉ mong như thân lúa miến (11/08/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log