Đã có nhiều bài nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ (1830-1871)và khẳng định ông là người có tư duy vượt thời đại, một người Công giáo yêu nước.
Điều này không còn tranh cãi nữa vì có những điều ông viết cách đây 150 năm rồi mà vẫn nóng bỏng tính thời sự như chống tham nhũng, buôn lậu, mở cửa đầu tư với nước ngoài, về việc cải cách giáo dục… Ông canh cánh bên lòng suy tư làm sao cho nước thịnh đủ sức đánh đuổi thực dân Pháp trong khi triều đình có chính sách hà khắc với đạo Công giáo mà ông lại là tín hữu. Trong bài viết này, nhân ngày giỗ lần thứ 145 của ông, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác: ông là nhà tư tưởng lớn có tư duy vượt thời đại ở Việt Nam thế kỷ XIX.
1. Một tư duy vượt thời đại
Nguyễn Trường Tộ thông minh, học giỏi nhưng ông không theo đuổi nghiệp quan trường. Cũng có thể, ông biết rõ dù có học giỏi cũng không được dự thi vì ông là người Công giáo. Bởi theo chỉ dụ của vua lúc bấy giờ, dân theo đạo không được phép đi thi. Cũng có thể ông bị ảnh hưởng tư tưởng coi thường công danh của các thày dạy như Tú Giai, Cống Hữu nên đã đoạn tuyệt được với những “cạm bẫy” của người đời như chính ông viết trong “Bài trần tình” rằng: “Từ bé tôi đã thận trọng trong việc giao du, thích yên tĩnh đối với tất cả những sự cầu danh, lấn lướt, giành công tham lợi, tôi đều coi như mây bay nước chảy. Vả lại, tôi không ham thích kinh doanh, không thích chuyện vợ con, đoạn tuyệt với hai cạm bẫy tài sắc” (1). Ông là người Công giáo đạo hạnh. Đang dạy học, trò theo rất đông nhưng khi cha xứ yêu cầu ông sang dạy tiếng Việt cho Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier), ông xếp lớp đi ngay, không hề tính toán thiệt hơn. Vì ai cũng biết, đi làm việc chung xưa nay nào có công xá gì. Được giáo xứ cho ăn là tốt rồi. Triều đình cấm đạo gắt gao, ông không sợ liên luỵ mà táo bạo gửi điều trần cho vua can gián. Lời lẽ thật mềm dẻo nhưng sắc sảo khôn ngoan: “Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời Lê, lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng), tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái tiếp đón nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nươc nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét mới sinh ra tội lệ. Từ đấy giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát sẽ trở lại trong” (2). Theo chúng tôi, Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên đưa ra khái niệm “ đồng hành” trong bài “ Bàn về tự do tôn giáo” viết ngày 29-3-1863. ở đây, ông cũng đưa ra những quan niệm đúng đắn mà đến hôm nay các nhà làm luật liên quan đến tôn giáo cũng vẫn phải tuân theo như những nguyên tắc để vừa đảm bảo được tự do tín ngưỡng, tôn giáo vừa chống được sự lợi dụng tôn giáo làm những điều sai trái. Ông viết: “Giáo dân cũng do tạo vật sinh dưỡng và đạo giáo cũng do tạo vật bảo dưỡng huống chi giáo dân cũng là một thành phần của nhân dân trong nước. Trong số đó, nếu có kẻ bội nghịch chẳng qua chỉ là một phần nghìn, phần trăm mà thôi… Bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình phạt không tha để cho tôn giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên, có gì hại đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được” (3). Ông luôn có ý thức về bổn phận công dân rất cao. Nhiều lúc, vấn đề quốc gia, dân tộc được ông đặt lên trên cả các lợi ích tôn giáo thông thường. Chẳng hạn, có những việc, ông đề nghị đừng cho các Giám mục, linh mục biết, hoặc tranh thủ cả Vatican để tạo lợi thế cho nước ta. Cũng chính ông đưa ra một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ là Giáo hội Việt Nam phải giao cho người Việt Nam cai quản. Điều này, mãi đến những năm sau cách mạng tháng Tám năm 1945 mới được nhắc lại và đến năm 1960 mới thành hiện thực khi Đức Gioan XXIII ra sắc chỉ thiết lập hàng giáo phẩm nước ta. Ông viết: “Năm trước, tôi đã bẩm miệng với quan Thượng thư Bộ binh và Bộ Hộ, muốn nhân lúc đi Tây mà xin với Giáo hoàng, rút giáo sĩ Pháp về và chỉ giao cho giáo sĩ nước ta trông nom hoàn toàn việc đạo giáo. Tôi nói như thế, không phải là phản đạo mà chính là để bảo vệ đạo” (4).
Đọc 58 Di thảo của ông, chúng ta phải thật sự kinh ngạc vì sự am hiểu sâu sắc rất nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến công nghệ máy móc, từ khoa học xã hội đến quốc phòng, ngoại giao. Ông xứng đáng được coi là người sáng lập hay người phác thảo những ý tưởng khai sinh ra rất nhiều ngành khoa học ở nước ta như nông nghiệp, thiên văn- địa lý, luật học, ngoại giao, thương mại, giáo dục…Ví dụ ngành nông nghiệp mà ông gọi là ngành nông chính, sau khi đã xác định tầm quan trọng của nông nghiệp với kinh tế - xã hội, ông đưa ra một loạt kiến nghị như xuất bản một bộ sách “Nông chính toàn thư” ghi chép tất cả những kinh nghiệm hay trong dân gian cũng như ở các nước về trồng cấy, chăn nuôi, chế tạo công cụ. Rồi đào tạo quan lại chuyên trách về nông nghiệp đi khắp nước khảo cứu toàn bộ đất đai để xem đất nào trồng cây gì, nuôi vật gì thì thích hợp, nơi nào cần khai hoang, nơi nào cần tưới, tiêu. Ông đề nghị thành lập Bộ canh nông chăm lo phát triển nông nghiệp, cử người đi học ở nước ngoài, tính lại thuế ruộng cho phù hợp với đất và đặc biệt phải dạy cho dân biết trồng cấy, chăn nuôi không để phó mặc cho tự nhiên như bấy giờ. Rồi ông đề nghị phải lo trồng rừng để chống lũ lụt và phải giao đất cho dân trồng cấy, chăm sóc để chỗ nào cũng có chủ, không để cảnh tự do chặt phá bừa bãi. Những điều này chúng ta cũng mới tiến hành gần đây và vẫn đang tiếp tục phải hoàn thiện.
Là người theo Nho học nhưng ông lại rất muốn học những cái hay, cái tiến bộ của xứ người đưa về áp dụng trong nước chứ không bảo thủ. Ông đề nghị dùng cách học gắn với thực tế, dùng phương pháp đánh giặc bằng cả quân sự, chính trị, ngoại giao, dùng kế hoà hoãn để nuôi lực lượng, liên minh với Anh, ý để đánh Pháp, mở cửa mời nước ngoài vào làm ăn khai thác và dùng cả mật kế nội gián để đánh Pháp từ trong vùng Pháp chiếm đóng do chính ông vạch kế hoạch và thực hiện. Có một thời gian khi theo Giám mục Hậu vào Sài Gòn từ năm 1859 đến năm 1862, vì có mong muốn được ra nước ngoài học hỏi nhưng bị kẹt lại, ông nhận làm phiên dịch cho Pháp nhưng ông luôn tận dụng mọi thời cơ để theo dõi tình hình địch, làm sai lạc các tài liệu có liên quan đến nghĩa quân hoặc chỉnh lại lời văn trong các văn thư của triều đình nhằm giữ được thể diện quốc gia…Một số người cho rằng ông theo Tây làm ông rất đau khổ, mặc dù chính ông đã từ chối nhận chức Bộ Hộ của Pháp để trở về chấp nhận cảnh nghèo khó. Cho đến tận cuối đời, dù bao kiến nghị bị xếp xó nhưng khi bị bệnh nặng, ông vẫn còn gửi nhiều bản điều trần nữa vẫn với hy vọng nó giúp ích cho nước nhà. Điều đó chứng tỏ lòng yêu nước trong ông nồng thắm đến mức nào!
Nguyễn Trường Tộ không chỉ là người Công giáo yêu nước, ông còn là một triết gia lớn của Việt Nam thế kỷ XIX.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, thật ít người thể hiện tư tưởng triết học rõ ràng như ông. Không ít người ca ngợi K.Mark là nhà triết học vĩ đại của chủ nghĩa Mac xít. Nguyễn Trường Tộ có thể coi là người sinh cùng thời với K.Mark (1818), và F.Engel (1820). Không rõ ông có được tiếp xúc với các tác phẩm của Mark, Engel không, nhưng đọc Di thảo của ông, chúng ta bắt gặp rất nhiều luận điểm triết học tương đồng. Ông viết: “Bởi vì có đủ cơm ăn, áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục mà muôn việc ở đời cơ bản là sự nuôi sống. Nếu không đủ nuôi sống, bản thân còn không bảo tồn được nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân…Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kiếm sống cũng không xong còn đâu mà bàn lễ nghĩa” (5). Đây chính là quan niệm duy vật lịch sử mà Mark đã chỉ ra.
F.Engel viết: “Mark là người đầu tiên đã phát hiện ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, nghĩa là tìm ra cái sự thật giản đơn, trước hết con người cần phải ăn uống, mặc trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo” (6). Như vậy, nếu Nguyễn Trường Tộ không đọc Mark mà ông có được luận điểm như trên thì ông thật sự là một triết gia duy vật lớn. Chính ông cũng phát hiện ra yêu cầu khách quan của sự sinh tồn trong xã hội. Ông viết: “Tôi thiết nghĩ, trong ngũ phúc, phúc đứng đầu, triệu dân trước tiên lo ăn. Sách Luận ngữ nói, làm giàu có rồi mới giáo dục. Mọi việc trên đời hễ việc gì có công dụng lớn thì rất khó làm. Công việc của con người không gì lớn hơn là làm ra của cải để nuôi sống” (7).
Ông nhận ra thế giới vô cùng phong phú, đa dạng: “Trời đất sinh ra muôn vật không chỉ sinh một khuôn mẫu nào, không thiếu một bên nào, một chức phận nào hay một sinh vật nào mà sinh ra vô số hình thù khác nhau, xu hướng khác nhau để thu phục thống trị chúng, do đó mới thấy được cái phong phú, vĩ đại tinh xảo, kỳ diệu của trời đất” (8). Rõ ràng, thế giới quan của ông là thế giới quan tôn giáo vì ông là người Công giáo mộ đạo nhưng khi nhìn nhận xã hội, xem xét một vấn đề cụ thể, ông lại có cái nhìn biện chứng duy vật. Ông khẳng định, không có sự vật tồn tại một mình, cô lập, chỉ có các sự vật tồn tại trong mối liên hệ với các sự vật khác. Trong bài “Tế cấp bát điều”, ông viết: “Mọi vật sinh ra trên đời, vật gì cũng có phần thụ hưởng và phần cống hiến của nó. Chưa từng có một vật nào tồn tại một mình không có quan hệ dính dáng vào đâu cả” (9).
Xem ra đức tin của ông không cản trở việc ông tiếp thu các tri thức khoa học cũng như những năm tháng theo Nho học không gò bó được tư duy của ông phải khuôn mẫu theo quan điểm Khổng- Mạnh. Lúc đó, Giáo hội không đồng tình với thuyết nhật tâm của Copecnic nhưng ông lại say sưa chứng minh cho nó là đúng đắn bằng những lập luận rất hùng hồn trong “Bài tựa sách Đàm thiên luận” và đưa ra nhận định rất táo bạo và có vẻ ngược đời với trình độ dân trí ở ta lúc bấy giờ khi cho rằng: “ánh sáng cũng là vật chất trong vũ trụ”(10). Nguyễn Trường Tộ tiếp thu tư tưởng triết học biện chứng của Lão Tử để vận dụng vào xem xét các hiện tượng xã hội. Ông viết: “Hơn nữa, việc đời thường thường chưa có việc gì hoàn toàn có lợi mà không có hại, chỉ do con người biết tuỳ cơ ứng biến mà thôi. Trí lực không bao giờ cùng, trong lợi có hại” (11). Lão Tử nói rằng, trong vạn vật, không vật nào không cõng âm và bồng dương, nhân chỗ xung nhau mà hoà với nhau (chương 42, Hà thiên, Đạo đức kinh).Thế nhưng trong khi Lão Tử chủ trương “vô vi” thì Nguyễn Trường Tộ lại cho rằng “ trên thế gian lẽ nào có chuyện không làm mà tự trên trời rơi xuống cho đâu?” (12). Ông còn đi xa hơn khi khẳng định thế giới này là có thật chứ không phải tưởng tượng và khả năng nhận thức của con người (cụ thể ở đây là các nhà khoa học) là vô tận. Ông viết:
“Phàm nhà khoa học thì bụng phải bao hết những việc xưa nay, mắt trông khắp trời đất, tinh thần chu du tận cõi xa xăm, tâm hồn thấu đến chỗ u huyền. Như vậy mới sáng suốt mà tâm đắc được những gì người xưa không thể nói hết, mắt trông thấy hiện tượng mà tâm trí bao trùm sự hiểu biết ngoài hiện tượng đó. Bởi vì trời tuy cao, đất tuy xa nhưng đều có sự thực chứ không chìm vào hư vô…Tuy nói sự thực nhưng nó cao dày, thâm thuý vô cùng, thấy như gần nhưng thực là xa, thấy như nhỏ mà thực là lớn, thấy như tĩnh mà thực sự là động, thấy như nghịch mà thực sự là thuận, thấy như không có nguyên tắc mà thực sự là có nguyên tắc, thấy như trừu tượng mà thực sự là cụ thể” (13).
Nói như ngôn ngữ triết học ngày nay thì Nguyễn Trường Tộ đã nhận ra sự thống nhất của các mặt đối lập, ông có tư duy biện chứng. Mặc dù không đưa ra khái niệm lượng- chất, nhưng ông đã thấy những mặt đối lập tồn tại trong nhau, cùng nhau và có thể biến đổi cho nhau nữa nếu vượt quá “độ”. Trong bản “Thảo gửi Tây soái”, ông đã phân tích lợi hại khi Pháp chiếm Nam Kỳ: “Cái thay vì để nuôi người giờ trở thành cái làm hại người. Cho dẫu có quyết định đánh lấy người ta cho được thì cũng chỉ tạm thời mà thôi và cái được cũng bù vào cái mất. Người bị hại nhưng ta đâu chỉ có lợi mà không hại? Cuối cùng cái gì quá cực độ của nó cũng sẽ phản ngược trở lại” (14).
Nguyễn Trường Tộ dùng tư duy logic để xem xét, phân tích các mối quan hệ của những sự vật, hiện tượng phức tạp trong xã hội để tìm ra cái cơ sở hưng thịnh của quốc gia đó là của cải. Dĩ nhiên không chỉ có của cải vật chất vì theo ông “hiền tài là sinh lực của quốc gia, sinh lực con người ta mà mạnh thì gân cốt trong người đều mạnh”. Còn cơ sở để thúc đẩy con người hành động lại là “tài lợi”. Đây là quan niệm duy vật. Ông cũng cho rằng, mặc dù các hiện tượng xã hội muôn hình muôn vẻ nhưng chúng cũng hoạt động tuân theo những quy luật nhất định mà ông gọi là “lý”. Ví dụ quy luật gia tăng dân số tự nhiên, ông viết: “Phàm con người sinh ra nhiều ít, nên, hư đều theo một trật tự do tạo vật xếp đặt, chủ trì. Xem trong một nhà. một làng thấy có đầy vơi, hư , thực không bằng nhau. Nhưng tính chung trong toàn tỉnh hay cả nước thì cứ thấy có một thế kỷ, số người lại tăng gấp đôi. Đó là lý nhất định” (15).
Về thuật cai trị, ông chủ trương phải dùng luật pháp “quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn”. Tuy nhiên, ông cũng không hoàn toàn theo phái Pháp gia thiên về luật để trị nước nhưng cũng không dựa hẳn vào “đức trị “ như Nho gia chủ trương mà dung hoà mềm dẻo hơn: “Phàm dùng lý chỉ dùng trong việc xử đoán hình phạt mà khi nào không dùng tình được mới dùng đến lý. Lý là mệnh lệnh gắt gao. Tình là cái đôn hậu hoà dịu…Người trị nước quý hồ chỗ thấu suốt tình dân, có tình mới có dân” (16).
Dĩ nhiên, quan điểm của ông cũng có chỗ sai lầm, cực đoan khi ông nhận xét về các chủng tộc người trên trái đất. Ông cho rằng có giống “có phúc” và có giống “vô phúc”. Giống có phúc như các nước phương Tây và nước ta thì mỗi ngày một thịnh, còn “giống vô phúc như một số dân da đen ở phương Nam, dân Thổ Nhĩ Kỳ, dân Mã Lai, Cao Miên, Chiêm Thành… thì ngày một điêu tàn nay đã dừng lại không phát triển nữa” (17). Đây là luận điểm duy tâm, cực đoan mà về sau chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa Apacthai đã khai thác và gây ra thảm hoạ cho nhân loại. Thật ra, những dân tộc thiểu số không phát triển được, đi tới chỗ tiêu vong có một nguyên nhân là do chính sách kỳ thị chủng tộc chứ không phải họ là giống vô phúc.
Về vai trò của vua quan, ông cũng đề cao quá mức thành duy tâm khi nhận định rằng: “Người xưa có nói, dân là gốc của nước. Nói như vậy cũng chưa đúng. Tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh giành nhau làm trưởng, giành giật lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước có vua bạo ngược vẫn hơn không có vua” (18). Chỗ này Nguyễn Trường Tộ đã nhầm lẫn, chính chức năng cai trị xã hội của vua quan cũng do nhân dân giao phó cho họ. Từ lập luận trên, ông cũng phản đối sự thay đổi trật tự xã hội hiện hành mà muốn duy trì lâu dài ngôi vua, “một họ cầm quyền, đời đời truyền nối”. Rõ ràng, lòng trung quân của ông đã đưa ông đến những kết luận đi ngược với sự phát triển của xã hội.
Chắc sẽ có ý kiến cho rằng, Nguyễn Trường Tộ là tín hữu Công giáo, làm sao có thể có tư tưởng triết học biện chứng được? Rằng những trích dẫn trên đây chỉ là những lời nói, suy nghĩ không hệ thống, không thể chứng minh cho tư tưởng triết học của ông… Xin thưa, chẳng lẽ cứ là tín đồ các tôn giáo thì không thể trở thành triết gia duy vật hay sao? Lịch sử triết học và khoa học đã có biết bao tín đồ tôn giáo vẫn là những nhà triết học duy vật và khoa học nổi tiếng. G.W Leibnit (1646-1716) là một ví dụ. Ông là người Công giáo mộ đạo nhưng vẫn là nhà toán học, vật lý học và triết học lớn ở Đức và cả thế giới nữa. Thế giới quan tôn giáo của ông chỉ chi phối khi ông bàn về Thượng đế mà thôi. Còn xét tư tưởng của một người, chúng ta chỉ có thể xét qua lời nói, đoạn văn của họ. Người ta vẫn nhắc và còn dẫn ra nhiều lần nữa để minh chứng cho quan điểm biện chứng của triết gia trường phái triết học Milê là Hêraclit (544- 483 tr.CN) qua một câu nói: “Anh không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông vì nước chảy trên mình anh luôn luôn là nước mới”.
2. Vì sao Nguyễn Trường Tộ không thành công?
Đã có khá nhiều nhà nghiên cứu đi tìm câu trả lời này. Họ so sánh với một nhà cải cách của Nhật Bản là Fukuzawa Yukichi (1835- 1901). Cả Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa có thể nói là cùng thời với nhau. Họ đều không phải xuất thân từ tầng lớp thượng lưu nhưng cũng không phải quá nghèo khổ. Họ đều theo học Nho học và cùng sớm tiếp xúc với nền văn minh kỹ thuật phương Tây và đều có tinh thần phê phán lối học khoa bảng Hán học cũ cho đó là sự “hư học”. Fukuzawa viết:
“Học hành không có nghĩa là chỉ học những điều hóc búa, đọc những áng văn khó hiểu, thưởng thức waka (một thể loại thơ), làm thơ hay bàn chuyện văn học mà không có ích lợi gì cho người đời. Xưa nay, ít có nhà Hán học mà giỏi việc nhà, hiếm có chonin (dân buôn bán) giỏi làm waka mà lại thành công trong buôn bán. Bởi vậy, có những bách tính lo xa trông rộng, không muốn cho con vùi đầu vào đống sách tối ngày để rồi phải tán gia bại sản. Điều đó chứng tỏ lối học hành này chỉ nhằm những chuyện xa vời, không có ích trong đời sống hàng ngày” (19).
Nguyễn Trường Tộ cũng phê phán lối học hành thi cử mà chính vua Tự Đức cũng chê là “tầm chương, trích cú chẳng có ích gì”. Ông viết:
“Nhiều sự học của ta ngày nay, những điều thày dạy học trò đã là chuyện xa xưa, ngày nay chẳng ai theo nữa. Lúc nhỏ học thiên văn, địa lý, chính trị bên Tàu (mà ngày nay họ đã khác hết rồi), đến khi ra làm việc lại dùng địa lý, thiên văn, chính trị, phong tục nước Nam hoàn toàn khác hẳn. Nước ta đâu phải nước phụ của nước Tàu mà cứ học sách Tàu là chính… Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng là Nho. Mà Nho thì quý trọng nhiều văn chương, chữ nghĩa. Nếu như lấy cái công phu, bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học lấy cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao điều quý giá” (20).
Nguyễn Trường Tộ từng kết giao bè bạn với một danh nhân Nhật Bản là Ibo Hirobumi (sau này làm Thủ tướng Nhật Bản). Ông cũng đã có những nhận xét khá đúng về sự bành trướng của thực dân phương Tây muốn chiếm các nước phương Đông làm thuộc địa. Đó là xu thế tất yếu mà ngay cả Nhật Bản, Việt Nam cũng khó tránh được. Ông nhận định:
“Nhật Bản tuy cứng mạnh, hung hãn nhưng các tiểu hầu phân chiếm từng mảnh, ý chí sức lực không đều nhau, trở ngại cho việc tiếp ứng. Hơn nữa,nước này bốn mặt bể bao bọc, chẳng có hàng xóm láng giềng với ai, rốt cuộc cũng khó tranh hơn thua với các địch thủ lớn chuyện vẫy vùng trên biển…Còn nước ta và Nhật Bản như hai con đường lớn của hai đầu chợ ấy, chắc chắn sẽ là nơi bọn chúng buông gánh nghỉ vai. Điều đó sớm muộn cũng xảy ra không tránh khỏi” (21).
Một con người có tư duy sắc sảo, vượt thời đại như Nguyễn Trường Tộ mà lại không thành công ở Việt Nam nhưng Fukuzawa lại thành công ở Nhật Bản. Lý do có nhiều. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vua Tự Đức của Việt Nam thì bảo thủ trì trệ trong khi vua Minh Trị của Nhật Bản lại sáng suốt anh minh, biết tiếp thu cái mới. Tầng lớp Nho gia của ta thì thủ cựu, tầng lớp trí thức Nhật thì mạnh dạn tiếp thu cái mới. TS Giáp Văn Dương nhận xét rằng:
“Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác trên con đường cụt đó: con đường trí thức cận thần, để đi con đường mới, con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân. Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành đất nước cận thần và giữ gìn nền độc lập đúng nghĩa” (22).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Nguyễn Trường Tộ viết tới 58 bản điều trần để dâng vua thưởng lãm và cũng mong vua ghi nhận các cải cách của mình và cũng mong được ban thưởng cho mình một chức quan trong triều, tức là thành một cận thần của vua. Còn Fukuzawa thì viết sách, dịch sách giới thiệu văn minh phương Tây cho thanh niên Nhật. Ông cũng mở trường học mang tên Keio cho 100 thanh niên Nhật đầu tiên theo học. Ngay cả lúc bị chèn ép nhất chỉ còn 18 học sinh, ông vẫn duy trì lớp học vì cho rằng, trường Keio còn thì còn có tương lai của Nhật Bản. Quả vậy, ngôi trường này giờ đã thành trường đại học Keio nổi tiếng với 28.000 sinh viên và 5.000 nghiên cứu sinh. Fukuzawa xuất bản cuốn “Khuyến học” thúc giục người Nhật học khoa học địa lý, vật lý, lịch sử… của phương Tây. Năm 1802, ông xuất bản tờ báo Jigi- Shunpa, trong đó có viết bài Datsu-a-ron (Thoát Á luận) gây ra cuộc tranh luận rộng rãi trong giới trí thức Nhật. Tại đây, ông kêu gọi Nhật Bản phải từ bỏ bảo thủ Nho giáo, đi theo văn minh phương Tây. Như vậy, Fukuzawa đã chủ trương nâng cao dân trí người dân và mạnh dạn tiếp thu khoa học phương Tây, khác hẳn với Nguyễn Trường Tộ chỉ làm điều trần để dâng lên vua.
Chỗ này có lẽ Nguyễn Trường Tộ cũng bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn Kitô giáo. Trong lịch sử Công giáo, để truyền giáo thành công, các thừa sai thường chọn phương pháp làm từ trên xuống, tức là chọn thuyết phục vua quan trước với hy vọng, đạo của vua sẽ là đạo của dân chúng như nhiều nước ở châu Âu đã làm như La Mã thời vua Constantino (thế kỷ III), Acmenia thời vua Tiridates (năm 314), Tây Ban Nha thời vua Recaredo (năm 587), Pháp dưới triều đại vua Clovis (năm 496), Ba Lan năm 996 thời vua Myeczyslav…
Chính những điều này đã làm cho Nguyễn Trường Tộ không thành công.
Phần mộ của nhà canh tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ ở làng Bùi Chu - xã Hưng Trung (Hưng Nguyên, Nghệ An) (ảnh: Thanh Tâm).
Bệnh tật đã làm cho con người tài ba này yểu mệnh. Nguyễn Trường Tộ mất ngày 22/11/1871, thọ 41 tuổi. Đây là mất mát lớn với gia đình ông. Còn sự nhu nhược, hèn kém của triều đình nhà Nguyễn lúc đó đã bỏ qua các bản kiến nghị đầy nhiệt huyết của ông không chỉ là nỗi bất hạnh với ông mà còn là thiệt thòi với cả toàn thể dân tộc. Những công trình kiến trúc do ông thiết kế, thi công có thể sẽ mai một theo năm tháng nhưng tấm lòng kính Chúa, yêu nước của ông thì còn lại mãi với non sông như câu đối trên mộ của ông ở làng Bùi Chu: “Kính Chúa, yêu người hằng tạc dạ. Trung quân, ái quốc vốn ghi lòng”
---------------------------------
1- Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb T.p HCM 1988, tr.120. Các trích dẫn sau đều dẫn theo sách này. Số 2- tr.116, số 3- tr.118, số 4- tr.325, số 5 –tr.191, số 7- tr.394, số 8- tr.324, số 9- tr.243, số10- tr. 419, số 11- tr.411- 412, số 12- tr. 406, số13- tr.417, số 14-tr. 168, số 15– tr.268, số 16- tr.269-270, số 17- tr.268, số 18- tr.175; 20- tr.248; 21- tr.268.
6- Mác-Angghen, tuyển tập, tập 2, ST. 1971, tr.198.
19- Vĩnh Sinh: Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, Nxb Văn nghệ T.p Hồ Chí Minh 2004, tr.124
22- Theo danluan.org/node 6240.
TS. Phạm huy thông
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com