Vào dịp cuối năm công việc ở Tòa soạn báo NCGVN cũng bận rộn hơn mọi ngày. Tuy nhiên, Tổng biên tập Vũ Thành Nam cùng với một số anh em Báo quyết định dành thời gian về thăm linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, nhân dịp ngài nhận nhiệm sở mới (Chánh xứ Phúc Lãng, thuộc xã Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa). Trước đó, trong đợt thuyên chuyển nhiệm sở vào ngày 12/10, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM giáo phận Huế, Giám quản Tông tòa giáo phận Thanh Hóa đã trao bài sai cho 91/113 quý cha đi nhận nhiệm sở mới trong vài trò chính và phó các giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa.
Có lẽ điều ấn tượng sâu đậm nhất của vị mục tử với chúng tôi trên đường từ Hà Nội vào Thanh Hóa luôn nhận được những cuộc gọi hỏi thăm anh em trong đoàn từ phía cha qua những lời thơ cha tự sáng tác, có thể nói cha là người “xuất khẩu thành thơ” điều này càng làm chúng tôi cảm thấy sự gần gũi, nơi vị mục tử này. Không những thế ngài còn tận tình chờ, đón đoàn chúng tôi ở ngay quốc lộ 1A cách giáo xứ Phúc Lãng khoảng chừng 5km. Sau khi chúng tôi nghỉ ngơi, uống nước trò chuyện cùng ngài, tranh thủ tham quan một vòng quanh nhà thờ giáo xứ Phúc Lãng, và vô tình tôi bắt gặp một hình ảnh rất đỗi bình dị nơi ngài, khi ngài thân mật chuyện trò, ngồi uống nước, nhâm nhi miếng bánh đa cùng bà con giáo dân trong giờ nghỉ ngơi giải lao. Họ cũng chính là những người đang giúp đỡ cha trong việc trùng tu, sang sửa lại nhà thờ. Với 1500 giáo dân, giáo xứ Phúc Lãng có 3 giáo họ là giáo họ Phúc Lợi, giáo họ Phúc Thái và giáo họ Trị Sở, chúng tôi đến thăm cha đúng vào phiên làm việc của bà con giáo dân ở giáo họ Phúc Thái. Không quản đường xa, tuổi tác, không phân biệt già trẻ, mỗi giáo họ ở giáo xứ Phúc Lãng, cắt cử một thành viên trong gia đình cùng nhau giúp đỡ cha cải tạo, sửa sang nhà thờ. Trong giờ nghỉ giải lao chúng tôi trò chuyện, một bác, bác tâm sự: Ở đây chỉ cần uống cốc nước chè, hút điếu thuốc lào và vui vẻ làm việc, nhiều người còn nói với nhau rằng “chè Thái Nguyên của cha Mạnh là ngon nhất”. Chúng tôi bắt gặp nụ cười thân thương, gần gũi của vị chủ chiên và đàn chiên, ở đây không có khoảng cách, mà chỉ có sự kính trọng vây quanh cha cười nói vui vẻ, cắn miếng bánh đa giòn rụm.
Những lúc như thế này, hình ảnh cha càng gần gũi với bà con giáo dân giáo xứ Phúc Lãng
(ảnh: Mạnh Cường)
Ấn tượng về cha là sự bình dân - đó là chia sẻ của anh Phêrô Nguyễn Văn Lĩnh, khi được hỏi, anh thật thà kể: “Mặc dù cha chỉ mới về xứ được hơn một tháng, nhưng bộ mặt xứ họ đạo Phúc Lãng đã thay đổi rõ ràng, về cả tinh thần và vật chất. Trước đây, điện chính là một vấn đề nhức nhối đối với bà con giáo dân xứ Phúc Lãng, vào giờ cao điểm (khoảng 4h30 đến 7h), điện yếu đến mức không cắm nổi nồi cơm, máy bơm nước cũng không thể hoạt động trong thời điểm điện yếu. Thế nhưng kể từ khi cha về, nhờ vào sự linh hoạt của mình cha đã liên hệ để kéo đường điện mới, nhờ đó mà đời sống bà con giáo dân được cải thiện, mỗi khi đi làm mệt mỏi về không còn phải ngồi đợi cơm chín, cũng không còn phải dùng bếp ga để nấu cơm vất vả”.
Cha đi tới đâu, sạch sẽ tới đó. Ở mỗi một gốc cây, cha lại cẩn thận cho đặt một giỏ rác, chỉ cần nhìn thấy một chiếc lá vương trên nền đất cha cũng gương mẫu tự tay nhặt lên bỏ vào giỏ rác, các em thiếu nhi thấy đó mà noi theo, lon ton chạy theo cha nhặt từng chiếc lá, vỏ túi bóng cho vào giỏ rác trong tiếng cười khúc khích, khi cha về giáo xứ Phúc Lãng cũng vậy.
Anh Phêrô Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ thêm với chúng tôi rằng ngoài việc quan tâm tới từng bà con giáo dân, đón tiếp bà con hết sức vui vẻ, niềm nở, khiến bà con cảm thấy cha như người thầy, người bạn, cha còn chăm chút từng gốc cây, nhánh cỏ, chăm lo xây dựng giáo xứ vệ sinh môi trường, khiến bộ mặt xứ đạo Phúc Lãng nói chung và khuôn viên nhà thờ nói riêng khang trang, sạch đẹp. Mới chỉ hơn 1 tháng về với Phúc Lãng, cha đã làm hoàn chỉnh khu đổ rác cho bà con, sơn sửa lại nhà thờ, trang bị thêm 3 tivi LG 45inch để bà con giáo dân đọc kinh, hát lễ, cha còn cho xây dựng thêm một khu nhà để rèn luyện thể thao, nêu cao tinh thần “có sức khỏe là có tất cả, không sức khỏe là không có gì” tận dụng ánh sáng từ mặt trời, khu vực mới xây khi chúng tối đến vẫn còn dở dang nhưng ánh sáng chan hòa, bên hông nhà thờ là ruộng lúa, ao cá, được tận dụng làm nguồn nông sản sạch. Cha chia sẻ với chúng tôi rằng: “Bà con giáo dân ở Phúc Lãng còn nghèo lắm, ở đây lúa thì đủ ăn nhưng không có tiền để tích lũy, thế nhưng cha vẫn động viên giáo dân rằng “nghèo nhưng phải sạch”, ở đây chủ yếu là lao động xa xứ, mỗi dịp Tết đến, xuân về họ mới được tụ họp cùng gia đình, bà con giáo dân ở đây rất đôn hậu, thật thà, người ta đến giúp xứ chỉ thích mỗi chè Thái Nguyên của cha chứ không đòi hỏi trả công cho bất cứ một việc làm nào dù là nhỏ nhất”
MARIA ĐỖ HOA