Cách đây 70 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lại lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “quyết tử đề Tổ quốc quyết sinh”. Quân và dân khắp Bắc - Trung - Nam đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân thủ đô không quản ngại hy sinh gian khó ngày đêm lập chiến lũy trên đường phố để ngăn cản bước tiến quân thù.
Sinh ra trong một gia đình Công giáo, có truyền thống yêu nước, yêu cách mạng, mang trong mình lòng nhiệt huyết với các phong trào của thanh niên Hà Nội. Chàng trai thủ đô hào hoa Giuse Đỗ Chí đã tự nguyện gia nhập lực lượng tự vệ thành Hà Nội, sau ngày thành lập Trung đoàn thủ đô quyết tử, ông đã là một trong những chiến sỹ sống chết với thủ đô vào Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tranh đấu với giặc Pháp để giữ gìn từng góc phố Hà Nội. Đối mặt với quân đội viễn chinh Pháp, được trang bị xe tăng, máy bay, súng ống hiện đại, bộ đội ta khi ấy mỗi tiểu đoàn chỉ có vài ba cây súng, mìn tự tạo, và lựu đạn ta tự sản xuất nhưng chất lượng kém, “quả nổ quả xịt”, những chàng trai thủ đô năm ấy đã sáng tạo dùng chai xăng để đánh xe tăng, dùng chai sỏi, chai vôi bột để đánh bộ binh, pháo đùng, pháo tép để đánh nghi binh, tất cả những vật dụng trong gia đình như giường tủ, chăn, màn, bàn ghế… đều được mang ra đường, lập thành những chiến lũy, cản đường tiến quân của quân Pháp, những đường giao liên được quân ta đào xuyên tường, nhiều căn nhà lại trở thành “trận đồ bát quái” tiêu diệt sinh lực địch. Thủ đô ngày ấy ‘mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”.
Đối đầu với lực lượng quân địch hùng hậu, được trang bị đến tận “chân tơ, kẽ tóc”, gian khó là thế, nhưng ông cùng lực lượng tự vệ thủ đô đã cố thủ, cầm chân quân dịch trong 60 ngày đêm và giành được thắng lợi vẻ vang, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; tản cư được phần lớn nhân dân; đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị lên chiến khu; tiêu diệt trên 2000 lính Pháp, bắt khoảng 400 tên, phá hủy 22 xe tăng, xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng 7 máy bay, bắn chìm 2 canô, tạo điều kiện cho các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cùng đồng đội hoàn thành thắng lợi, vẻ vang nhiệm vụ ngày 19/12, từ một cán bộ quản lý, chỉ huy đơn vị huấn luyện chiến đấu, được cấp trên giao cho nhiệm vụ làm biên tập viên, phóng viên thuộc Phòng Biên tập Quân sự của Báo Quân đội nhân dân, cái duyên với nghề báo của ông khơi nguồn từ đó. Với sức trẻ dẻo dai, lại cảm thấy yêu thích công việc viết lách, dùng ngòi bút sắc bén của mình, làm phương tiện giúp ông truyền tải những thông tin thời sự nóng hổi nhất ngoài trận địa đến với đồng bào, ông có mặt ở cả hai cuộc chiến tranh trường kỳ đầy khó khăn gian khổ của đất nước đó là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Là một cán bộ tuyên huấn, vừa cầm súng vừa cầm bút, ông tham gia hầu hết các chiến dịch, với các trận đánh lớn nhỏ, như Việt Bắc - Thu đông năm 1947; giải phóng biên giới Cao Bằng năm 1950; diệt đồn địch ở núi Non Nước (Ninh Bình) năm 1951; Nghĩa Lộ cửa ngõ Tây Bắc; chiến dịch Thượng Lào cho đến các chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ… vừa cầm súng đánh giặc ông vừa tốc ký lại diễn biến trận đánh để đồng bào cả nước được biết thông tin trên chiến trường.
Đỗ Chí - cái tên đáng để thế hệ trẻ chúng tôi hỏi hỏi, tự hào. Học hỏi ngòi bút linh hoạt, sắc bén trên khắp các mặt trận thời chiến cũng như thời bình, tự hào tay sung chắc chắn hừng hực sức trẻ, chiến đấu chống quân xâm lược nước nhà, ông cùng biết bao người, thế hệ cha anh đi trước đã anh dung với tinh thần quật cường thà chết mà xông lên chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Tháng 1/1986, ông rời quân ngũ, sau đó về làm Tổng biên tập Báo Người Công giáo Việt Nam. Là người “chính trị viên Công giáo” ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò một vị Tổng biên tập một tờ báo Đạo, góp phần xây dựng hình ảnh “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, xây dựng mối đoàn kết lương giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hơn 40 năm tuổi quân, nhà báo, Đại tá Đỗ Chí đã trải qua một thời binh lửa hào hùng của Tổ quốc, dù ở nhiều cương vị khác nhau nhưng ông luôn thể hiện là người tận tâm, tận tụy, cùng đồng đội, đồng nghiệp tương hỗ, giúp nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả thời chiến lẫn thời bình, sự cống hiến của ông cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nền báo chí nước nhà hết sức lớn lao, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng…
Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta mãi mãi tưởng nhớ và tri ân những đóng góp mà thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh, chịu biết bao đau thương, mất mát, bao gian khó, bao người đã “vì nước quên thân” để chúng ta được sống hòa bình, thịnh vượng.
ĐỖ HOA
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com