Trạm Y tế lưu động 12.2 do BS, Thiếu tá Nguyễn Đức Tài làm Trạm trưởng, là một trong số khoảng 1.500 y bác sĩ được chi viện cho miền Nam chống dịch.
Ngay sau khi trưng dụng Trường Tiểu học Trần Quang Vinh làm “tổng hành dinh”, 1h sáng ngày 5/9, Trạm Y tế lưu động 12.2 nhận thông tin nhà số 304/85/27 Bùi Đình Túy, gia đình 4 người, 1 cụ bà, 2 cô chú và 1 thanh niên gọi cấp cứu gấp. Kế đó địa chỉ 304/85/25 Bùi Đình Túy, F0 cũng lên cơn khó thở. Đây đều là các trường hợp bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà cần hỗ trợ. Lập tức Tổ cấp cứu mang theo bình ô xy và các vật dụng y tế đến ngay.
Người dân cho biết, rất may có lực lượng y tế của Trạm Y tế lưu động, chỉ cần gọi điện thoại là được hỗ trợ theo dõi, chăm sóc ngay. BS Tài và tổ cấp cứu tư vấn rất chi tiết về bệnh và hướng dẫn cách dùng thuốc, cách tập thở, theo dõi các triệu chứng và báo cáo kịp thời, gọi hotline khi khẩn cấp, cứ nhắn tin hay gọi là được trả lời kịp thời ngay kể cả nửa đêm, tờ mờ sáng, người dân rất yên tâm.
Thiếu tá Nguyễn Đức Tài cho biết: Trạm Y tế luôn trực 24/24, ngày đêm cấp cứu, theo dõi, điều trị, tư vấn chuyên môn cho các F0 và gia đình F0 để thực hiện phân loại, hộ tống theo phân tầng điều trị. Để quản lý F0, ngoài hàng trăm cuộc gọi trực tiếp, chúng tôi đã lập nhóm qua Zalo, sau đó chăm điển hình một F0 để các F0 khác tự áp dụng theo, và túc trực giải đáp 24/24 mọi thắc mắc của người dân. Nhờ vậy giảm tải áp lực, sau 2 tuần tinh thần người dân đã tốt hơn, hiểu hơn về dịch Covid-19, từ đó hợp tác cùng y, bác sĩ chiến đấu”.
Những ngày dịch căng thẳng, các bác sĩ quân y tại Trạm Y tế lưu động 12.2 còn làm hàng loạt video ngắn để hướng dẫn chi tiết người dân, gửi lên nhóm và cho cá nhân. Và các y, bác sĩ tại trạm cũng liên tục thực hiện hàng trăm cuộc gọi để chăm sóc F0. Tuyên truyền cho gia đình F0 để đảm bảo người dân chấp hành và tham gia chiến đấu với dịch tích cực hơn.
Theo số liệu của Sở Y tế TP HCM tính đến ngày 26/8, toàn thành phố đã thiết lập được 401 Trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà ở tất cả các quận huyện. Do lực lượng y tế địa phương mỏng, nên quản lý và vận chuyển F0 theo tầng điều trị gặp muôn vàn khó khăn thách thức. Với sự hỗ trợ của lực lượng quân y, các Trạm y tế lưu động ngày đêm làm việc nên số ca bệnh chuyển nặng đã giảm rõ ngay từ tầng 1 điều trị, tâm lý người dân đã thấy yên tâm khi tiếp cận được với các biện pháp cụ thể, triệt để từ sự nhiệt huyết ngày đêm của các bác sĩ quân y.
Thiếu tá Nguyễn Đức Tài tâm sự, trước khi chi viện cho miền Nam, đã có những buổi tập huấn cho các em học viên quân y về phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng khi trực tiếp vào “chiến trường” mới thấy thật nhiều khó khăn, nguy hiểm. Kể cả về công tác bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật trong chiến đấu. Trong quá trình làm việc một số Trạm Y tế lưu động cũng gặp khó khăn về thiếu các trang bị bảo hộ. Nhưng từ sự thiếu thốn lại xuất hiện nhiều hơn những mạnh thường quân, trong hoạn nạn mới thấy tình tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn bao giờ hết.
BS Tài khẳng định, dù muôn vàn khó khăn nhưng ngay từ khi mang balo lên đường vào miền Nam, anh em quân y đã xác định quyết tâm thích nghi với mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức. Với mục tiêu và quyết tâm cao nhất, đồng lòng cùng nhân dân chống dịch. Cuộc chiến này còn diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta cùng đồng lòng, và tất cả các y, bác sĩ quân y đều nhiệt huyết, cống hiến vì một cuộc sống bình thường mới của mọi người dân.