Tình nguyện viên thuộc giáo phận Xuân Lộc lắng nghe chia sẻ, trước giờ lên đường tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: An Luých |
Trong thời gian qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức: Ban hành các văn bản hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo để đảm bảo phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, chính quyền các tỉnh, thành phố; hỗ trợ, vận động, kết nối mọi nguồn lực để ủng hộ Quỹ Văcxin của Chính phủ, tổ chức nhiều hoạt động bác ái để hỗ trợ người dân trong vùng dịch đang gặp khó khăn… Đặc biệt, Giáo hội đã mời gọi hàng ngàn linh mục, tu sĩ lên đường vào tâm dịch phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân COVID-19.
Đến nay, các giáo phận Phú Cường, Xuân Lộc, Bà Rịa, Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh… đều có những nhóm thiện nguyện tham gia chống dịch. Riêng giáo phận Xuân Lộc có hơn 391 tình nguyện viên tham gia chống dịch (tính đến ngày 28/8). Giáo phận Phú Cường 2 đợt tình nguyện đã có 261 người tham gia, nhiều tu sĩ dù đã hoàn thành thời gian tình nguyện nhưng vẫn xin được “gia hạn” để tiếp tục ở lại làm thiện nguyện, để đem yêu thương và chia sẻ đến người bệnh trong lúc họ không chỉ đau đớn về thể xác mà còn hụt hẫng, hoang mang về tinh thần.
Chia sẻ về công việc thiện nguyện tại Bệnh viện dã chiến số 10 (Tp.Thủ Đức), nữ tu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Dòng nữ Đa Minh Bà Rịa cho biết: Bệnh nhân COVID-19 không có người thân bên cạnh, khi được hỗ trợ, hỏi thăm, họ cảm nhận được tình yêu thương nên cũng mau bình phục. Nhìn nhiều người được xuất viện mừng vui, cảm ơn, cả bác sĩ và tình nguyện viên đều thấy ấm lòng.
Dịch COVID-19 đang lây lan rất nhanh tại nước ta, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, trong khi vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Những bệnh nhân nhiễm loại vi rút quái ác này phải tuân thủ cách ly nghiêm ngặt, không có người thân thiết bên cạnh. Do đó, điều các tu sĩ cũng như các thiện nguyện viên Công giáo có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chính là lòng nhiệt thành quan tâm chăm sóc y tế và an ủi động viên về đức tin. Ở thời khắc mong manh của sự sống, tình Chúa, Lời Chúa chính là sự nâng đỡ tinh thần để tiếp thêm nghị lực cho người bệnh có thể vượt lên chính mình mà chống chọi với hoàn cảnh. Như cha Đaminh Nguyễn Tuấn Anh- Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc đã nhấn mạnh với các tình nguyện viên thuộc giáo phận: “Như Đức Maria đem Chúa Giêsu đến cho mọi người, thì các thiện nguyện viên cũng sẽ đem Chúa Giêsu đến cho những anh chị em bệnh nhân đang nhiễm bệnh. Khi mà họ đang đau, đang lo sợ, hoang mang, và có thể đang thất vọng, thậm chí tuyệt vọng thì các thiện nguyện viên mang nguồn bình an của Chúa đến cho họ”.
Cảm nhận những ý nghĩa khác biệt nơi các tu sĩ tham gia thiện nguyện khi đến thăm Bệnh viện dã chiến số 10 (TP.Thủ Đức), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Giữa lúc bệnh tình gây hoang mang, lo lắng, có các nữ tu, các tăng ni, phật tử kề cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật”. Phó Thủ tướng cảm ơn tất cả tình nguyện viên tôn giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền đến chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19.
Theo thư cảm ơn gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, các linh mục, nam, nữ tu sĩ đã dấn thân phục vụ, đưa ngọn lửa yêu thương, trái tim cảm thông, bàn tay chia sẻ đến với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Nhiều linh mục, tu sĩ tình nguyện xin ở lại các bệnh viện tuyến đầu để tiếp tục dấn thân phục vụ. Đây chính là nghĩa cử hy sinh cùng quyết tâm đẩy lùi đại dịch, đem bình an trở lại cho nhân dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Tôi thực sự xúc động khi thấy nhiều hội dòng, dòng tu, giáo xứ đã dùng cơ sở tôn giáo làm nơi cách ly tập trung, cộng tác với các bệnh viện để đưa bệnh nhân từ bệnh viện vào trong cơ sở tôn giáo để chăm sóc; nhiều linh mục, tu sĩ xin ở lại các bệnh viện tuyến đầu để tiếp tục dấn thân phục vụ. Đây chính là nghĩa cử hy sinh của các linh mục, nam, nữ tu sĩ cùng quyết tâm đẩy lùi đại dịch đem bình an trở lại cho nhân dân Việt Nam”.