Nguyễn Thiếp (1723-1804) quê xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (quê gốc huyện Nghi Xuân). Từ nhỏ, ông học giỏi. Năm 1743, ông đỗ đầu khoa thi Hương ở Nghệ An. Năm 1756, ông được triều đình mời làm Huấn đạo, được giới nho sĩ đánh giá là bậc “đạo học sâu xa”. 2 năm 1786 - 1787, Nguyễn Huệ, ba lần viết thư cùng lễ vật mời Nguyễn Thiếp giúp mình. Ông đã khéo léo từ chối. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, liền mời Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh. Nguyễn Thiếp trả lời: “Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không còn. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hào kiệt cũng nhiều”. Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh (Trung Quốc), Nguyễn Thiếp trả lời: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ. Nếu ta đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ thắng”. Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến. Sau đại thắng vào đầu xuân 1789, vua Quang Trung lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Vua Quang Trung thổ lộ: “Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.
Danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 -1803). Ảnh: TL |
Ngô Thì Nhậm (1746-1803) quê xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ông thông minh, học giỏi, mười sáu tuổi đã viết sách, mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương, 23 tuổi đỗ giải Nguyên, 30 tuổi đỗ tiến sĩ Tam giáp. Từ đó, ông được giữ chức Ðốc đồng (chăm lo việc học cho dân chúng). Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc và cầu hiền. Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên trong đám nhân sĩ Bắc Hà nhận việc. Nguyễn Huệ, coi đó là “Quà của Trời để dành cho mình”, rồi phong ông chức Thượng thư bộ Lại, cầm quân thay vua ở Bắc Hà. Cuối năm 1788, nhà Thanh kéo 29 vạn quân sang xâm lược nước ta, Ngô Thì Nhậm lui binh về phòng tuyến Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình và nhận định: “Ta rút quân mình về Tam Điệp, để cho quân giặc vào Thăng Long ngủ trọ một đêm, rồi tung quân đuổi chúng đi là xong”. Công lao của ông, được vua Quang Trung đánh giá trước ba quân: “Mấy tháng trước, ta để Ngô Thì Nhậm ở lại, cộng sự với các ngươi, chính là hiểu cái tài lâm cơ cần ứng biến của ông ta”. Ngô Thì Nhậm sau chinh chiến được giữ chức Binh bộ thượng thư. Nhưng ông lại chính là người chủ trì về các chính sách bang giao giữa nước ta với nhà Thanh. Những văn kiện ngoại giao ông viết thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia bằng sự mềm dẻo, linh hoạt, cứng rắn.