Gương điển hình

Người Cựu chiến binh ở Thái Nguyên giữ Đạo và chứng minh Đạo trong đạo đức kinh doanh

Cập nhật lúc 15:23 16/03/2012
Trưởng thành từ người lính cụ Hồ:
          Năm 1977, khi còn đang là sinh viên năm thứ hai, anh Phêrô Phạm Văn Tường nhận được thư mời của cấp ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐH Cơ Điện K19 gọi lên biểu dương vì có tấm lòng hăng hái gia nhập quân ngũ. Nội dung thư, Trường đặc biệt ngợi khen anh dũng cảm viết đơn bằng máu. Nhận được thư mời trên tay Tường bàng hoàng run rẩy, vì đơn tình nguyện mà nhà trường sắp biểu dương kia đâu phải do anh viết, càng không phải máu anh?! “Ở đâu ra lá đơn này, ở đâu, ở đâu…?”- anh bối rối đi hỏi bạn bè. Cuối cùng một người bạn rất thân của anh học cùng khoa, ngồi cùng ghế đã lên tiếng “nhận trách nhiệm” bởi một lời giải thích rất giản dị “Tường là người dũng cảm, giang san đang cần bạn”. Thế là đôi bạn đồng niên sinh năm 1957, đã có duyên đồng khoa, đồng lớp nay lại đồng ngũ cùng nhau lên đường (bội đội đặc công Sư 10 - Quân đoàn ba).
Chuyện vào quân ngũ của anh đích thực ban đầu không phải do anh tự nguyện, ấy vậy anh đã bắt nhịp và khẳng định ngay trong những tháng ngày huấn luyện. Đơn vị giao cho các tân binh vừa đi thực tế vừa xin tre về xây dựng doanh trại, chỉ tiêu mỗi chiến sỹ một cây tre. Lúc đầu thì hầu như các chiến sỹ đều đáp ứng chi tiêu, sau nhiều lớp xin, xin nhiều lần rồi cũng vơi dần dẫn đến không đáp ứng được mỗi người một cây. Anh Tường lóe lên một cách làm hay, khi đơn vị có một cơ số gạo bị mốc đến nay không còn nuôi quân được, anh nghĩ giúp dân để chăn nuôi.  Ý tưởng của binh nhất Tường được chấp nhận. Ba tạ gạo được giao vào dân, người đứng ra nhận là hai cô gái bí thư, phó bí thư đoàn địa phương. Buổi “kết chạ” diễn ra tốt đẹp, cô bí thư chủ động tuyên bố giúp đơn vị bộ đội một “ô- đê- a” không hoàn lại, tức tặng không hoàn lại 300 cây tre… Chuyện dân vận trong thời gian ngắn có được 300 cây tre đã lên đến tai Tư lệnh Trung tướng Đỗ Công Mùi và anh trở thành công vụ cho tư lệnh từ đó.
Sau 8 năm liên tục tại quân ngũ, năm 1984 anh về phục viên với quân hàm thiếu tá.
 
Hòm tiết kiệm dưới chân Đức Mẹ
 
Giữ Đạo và chứng minh Đạo trong đạo đức kinh doanh:
Cả xã hội đang khó khăn trước “đêm” của đổi mới. Ở bộ đội ra, anh ngơ ngác như người đứng giữa ngã ba. Vừa có ý trở lại trường, vừa có ý đi làm công nhân. Trở lại trường ư, con chữ ư, đói lắm, lớp trẻ truyền tai nhau “Yêu ai không yêu, đi yêu cái thằng học trò”; làm công nhân cũng vậy, cùng lắm mười lăm cân gạo một tháng. Đường đường là một người lính cụ Hồ, sự nhiệt thành, sức vóc đều có dư, được cả xã hội tôn vinh, yêu quý, không chọn hai con đường trên hoặc đứng giữa ngã ba cho xã hội họ xỉ vả, nghiền nát… Thôi đành chấp nhận mang tiếng xấu với xã hội theo đúng nghĩa đen lúc đó, chọn con đường thứ ba… con buôn, dân phe.
Lúc đầu anh làm đủ kiểu, anh “phe” đủ thứ.. nhưng với việc buôn những chiếc xe Min- khơ của ông anh cả Liên Xô (cũ) đã giúp anh Tường lên nghiệp. Anh Tường không nói với ai, “Mà cũng chẳng cần phải nói”- anh nghĩ và làm- Mình dẫu “phe” gì đi nữa mình còn là một người con Công giáo.
Khoảng cách từ thành phố gang thép xuống Hà Nội chỉ mấy chục cây số, ấy vậy khi ấy muốn đi phải có kế hoạch, đặt vé tàu từ chiều hôm trước, đi ô tô thì thôi rồi “chuyến xe bão táp” là điển hình, còn cả bị móc túi, tóm lại giao thông khi đó khó khăn, càng làm cho hàng hóa đắt đỏ, khó biết chỗ bán, chỗ mua. Giá chênh lệnh mua một chiếc xe Min chỉ cách nhau mấy chục cây số giữa Hà Nội- Thái Nguyên đã chênh nhau đến nửa tạ gạo, mà lương công nhân bậc cao khu gang thép lúc đó cũng mới chỉ già hai chục kí lô với mấy mét vải, chút đường, mì chính…  hóa ra buôn được một con xe đã vượt cả lương tháng người công nhân kĩ thuật rồi còn gì? Khi đã quen được mối, giữ được chữ tín cả đầu mua và đầu bán, có tuần anh bán được vài xe là chuyện thường… Khi ấy anh mới ngộ ra “Đi buôn là muôn năm” và thấy mình thật thích hợp với việc đi buôn.
Sau kinh doanh xe máy, giờ kinh doanh ô tô. Cũng giống như hồi buôn xe máy, lúc đầu lẹt đẹt một hai xe, khi đã giàu chữ tín và vốn thêm dầm, giờ anh có cả trăm ô tô; không phải một sa lông mà hai sa lông lộng lẫy với thương hiệu ‘Ô tô Hoàng Tường’ (một ở 708 Dương Tự Minh, một ở khu công nghiệp Cải Đan- Sông Công), mỗi sa lông cả ngàn mét vuông, khách khứa vào ra giao dịch nhộn nhịp tối ngày. Nay nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào kinh doanh ô tô. Một hôm anh đang cùng cha xứ Thái Nguyên đăm chiêu, tằn tiện tiết kiệm vật liệu làm lại nhà thờ, cha xứ có động viên anh “Nhà thờ xây xong, xin anh bộ bàn lễ”, anh buột miệng: Xin cha cầu nguyện cho con giữ được chữ tín, buôn bán phát đạt, con xin sẵn sàng... Lời đối thoại với cha xứ chưa dứt thì tín hiệu điện thoại di động rung lên, vợ anh thông báo có hãng taxi trong thành phố đặt mua ngay 10 xe. Còn gì vui hơn, ngay chiều hôm đó (năm 2004) anh đã có dư 20 triệu đồng công đức vào nhà chung. Thông qua việc trên, anh Tường tận tâm thấm thía: Hãy xin sẽ cho, hãy gõ sẽ mở (“Vĩ hễ ai xin thì nhận được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ sẽ mở cho”- Mt 7,8).
 
Tổng Giám đốc ô tô Hoàng Tường và cha xứ Thịnh Long- Bùi Chu (hai người phía trong).
 
 
Và nay, ai đến hai sa lông ô tô của Hoàng Tường tại Thành phố Thái Nguyên đều ngạc nhiên ở mỗi sa lông lại có nhiều kì đài thờ các thánh và Đức mẹ đến vậy. Có người tưởng đây là cơ sở thờ tự của giáo họ hay giáo xứ vì số lượng kì đài khá nhiều và kích thước khá to. Sa lông tại Cải Đan- Sông Công có đến ba tượng thánh, anh giải thích: Tượng đài Thánh Au-gút-ti-nô trợ giúp việc kinh doanh; Thánh Mát- Thêu phụ trách sửa chữa; Thánh Phan- xi- cô trợ giúp cho về “An ninh quốc phòng”- từ nguyên văn. Còn nhà tại cơ sở ở đường Dương Tự Minh cũng có kì đài hai thánh, Thánh Phê- rô bảo trợ cho việc bán hàng; Thánh Giuse giúp gia đình an lành. Đây cũng là hai thánh quan thầy của anh. Có một điểm chung là cả hai sa lông đều có hòm tiết kiệm và có tượng Đức mẹ bên trên. Mỗi khi bán được một chiếc xe, người thu ngân của anh tự trích ra 500 ngàn để giúp đỡ người nghèo và đóng góp xây dựng nhà chung. Hầu hết các nhà thờ khi xây mới hay sửa chữa, có lời anh đều ủng hộ từ một đến hai vạn gạch, có nhà thờ còn hơn. Anh đặc biệt quan tâm đến những nhà thờ vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, anh cũng sẵn sằng giúp đỡ người cơ nhỡ, không phân biệt lương hay giáo. Hôm chúng tôi tới thăm, thấy khá nhiều bằng khen, giấy khen, bằng ghi ơn công đức, cả của giáo hội và xã hội trên 200 khung, xếp chồng lên nhau. Giải thích với tôi vì sao anh không treo số bằng ấy lên tường một cách trang trọng, “Chúa dạy, làm phúc tay phải không cho tay trái biết”- anh giản dị giải thích.

Thật trân trọng gương một Cựu chiến binh!

Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
Hà Nội: Người Công giáo Ba Vì tập trung phát triển kinh tế, giáo dục và giữ gìn an ninh trật tự. (06/03/2012)
Viện dưỡng lão tình thương – Nơi cư ngụ của những tấm thân cơ nhỡ (06/03/2012)
Hiệu quả tích cực từ các phong trào thi đua yêu nước ở Kiến Thụy (Hải Phòng) (01/03/2012)
Ấp Công giáo toàn tòng một lòng kính trọng Bác (27/02/2012)
Hợp tác xã của giáo dân nghèo (15/02/2012)
Xuân Thiện phát huy nội lực xây dựng vùng giáo vững mạnh (14/02/2012)
Làng chài Tân Cao đã khởi sắc (10/02/2012)
Làm giàu nhờ mô hình trồng hoa lan (10/02/2012)
Về với Quảng Ninh (30/01/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log