Một cây cầu được nối dài từ khu nhà ở đến nơi tiếp khách được thiết kế nằm ngay giữa mặt hồ, ngồi đây có thể nhìn bao quát xung quanh và dưới mặt hồ những đàn cá đủ các loại tung tăng bơi lội, quả là một không gian lý tưởng cho những người tuổi đã dần xế bóng ở đây. Tiếp chúng tôi là sơ Phùng Thị Mỹ Hạnh, 30 tuổi. Sơ Hạnh cho biết, Viện dưỡng lão này thành lập ở đây được hơn 10 năm và chỉ có 3 dì sơ, công việc chính của các Sơ là làm công tác từ thiện như giúp đỡ người nghèo, nhận và nuôi dưỡng những người già cô đơn từ khắp nơi, không phân biệt tôn giáo dân tộc. Từ khi thành lập đến nay các sơ đã nhận nuôi được 28 cụ bà, ngoài ra còn một số người bị bệnh tâm thần, bại liệt các dì cũng nhận nuôi.
Nhìn những người già ở đây người thì bị bại liệt, người thì phải ngồi xe lăn, người lại ngơ ngơ ngẩn ngẩn cũng đủ biết các Sơ ở đây phải vất vã thế nào, từ chuyện tắm rửa, ăn uống đến chuyện vệ sinh thân thể. Chỉ rất ít người tự phục vụ được bản thân. Chăm sóc một người bệnh đã là khó khăn lắm rồi, vậy mà với các Sơ ở đây không phải chuyện chăm sóc một người mà có đến hàng chục người với đủ loại bệnh tật khác nhau , phải có một tấm lòng yêu thương con người đến cỡ nào, các Sơ mới có thể tận tâm chăm sóc được như vậy. Sơ Hạnh thổ lộ, “Những người già đến đây ai cũng có những hoàn cảnh éo le ngang trái, là con người ai lại không muốn sung sướng nhưng đối với những người ở đây thì ai biết chuyện cũng phải rơi lệ. Chúng tôi chỉ biết làm theo lời dạy của chúa là yêu thương con người hết mình, không màng đến lợi ích cá nhân và xem họ như mẹ của mình, sở dĩ làm được điều này vì chúng tôi biết họ là những con người thiệt thòi nhất trong xã hội. Chỉ mong sao những ngày tháng cuối đời, họ được sống trong bình an thanh thản”. Sơ Hạnh mải mê kể cho tôi nghe hoàn cảnh của mỗi người trước khi vào đây mà đôi mắt dì rưng rưng, bà Phạm Thị Tuyên sinh năm 1931, không biết quê gốc ở đâu, chỉ biết rằng từ nhỏ đến lớn làm thuê cuốc mướn khắp nơi, rồi không may bà bị mù, các Sơ biết được hoàn cảnh mang về nuôi từ đó, mặc dù mù lòa nhưng bà sống rất chu đáo, nên ai cũng quý mến. Còn bà Bùi Thị Hiền thì chồng ruồng bỏ vì bà sinh tới mười mấy lần nhưng không lần nào con cũng bị chết. có cụ con cái đàng hoàng nhưng lại bị chính những đứa con mình mang nặng đẻ đau bỏ rơi. Sơ Hạnh còn cho tôi biết thêm, nhiều khi những người già trái tính trở nết, họ chửi mắng cả các Sơ, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến tình thương của các Sơ, bởi họ hiểu những người già có xem các Sơ như người thân mới dám trút bỏ những bực dọc trong lòng. Với chế độ sinh hoạt ở viện dưỡng lão điều đô, vì vậy sức khoe các cụ hồi phục rất nhanh so với những ngày mới vào. Giờ đây hơn 30 con người từ mọi miền về đây được sống dưới một mái nhà và trong vòng tay nhân ái bao dung của các dì Sơ, nên họ thương yêu nhau như những người ruột thịt.
Qua tâm sự với các bà ở đây, thấy ai cũng một lòng biết ơn các Sơ, có người còn khẳng định gần 80 tuổi rồi mà bây giờ tôi mới được sống sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp, được đọc kinh cầu nguyện, được đón những cái tết vui vẻ, “ như thế có chết tôi cũng thấy mãn nguyện lắm rồi”. Không biết ơn sao được khi mà chính các Sơ đã cho họ một tình thương yêu chân thành nhất mà ít ai có được.
Đã đến giờ họ vào đọc kinh cầu nguyện, còn tôi ra về mà trong lòng thầm cảm phục các Sơ ở đây có tấm lòng yêu thương con người hết mực, đặc biệt là những hoàn cảnh éo le trong cuộc sống.