Gương điển hình

Về với Quảng Ninh

Cập nhật lúc 11:25 30/01/2012

Theo ông Đinh Quang Trung- Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh, căn bệnh trầm kha vốn tồn tại lâu nay vẫn xoay quanh những khó khăn về cơ chế tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất cho hoạt động của hệ thống Ủy ban Đoàn kết Công giáo. 

Đối với Quảng Ninh, địa bàn hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo rất rộng, có những giáo họ nằm cách trung tâm tỉnh hàng trăm cây số nhưng Uỷ ban lại không có phương tiện chuyên để phục vụ công tác mà phải nhờ phương tiện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; kinh phí hoạt động cho Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, nhất là ở cấp huyện chưa rõ ràng, tuỳ thuộc vào sự quan tâm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện... Ông Đinh Quang Trung kiến nghị phải có cơ chế chính sách rõ ràng về kinh phí; nếu chưa có phương tiện riêng thì phải có cơ chế cho Ban Thường trực thuê xe đi công tác; có cán bộ chuyên  trách như  Điều lệ Đại hội V đã ghi, có chế độ thống nhất và tương xứng cho những người chuyên trách trong Uỷ ban. Ông Trung dừng lại giây lát rồi nhỏ dọng như tìm lời tri kỷ: “Nói thật, chế độ tài chính hiện nay dành cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh không đủ tiền xăng xe để đến cơ quan chứ đừng nói gì đến công cán”... Sau ánh mắt cảm thông chia sẻ giữa những người trong đoàn, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phá tan không khí trầm tĩnh bằng lời phát biểu thể hiện sự cảm thông với những khó khăn mà ông vừa Trung trình bày. Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng  ghi nhận những kết quả tốt đẹp trong hoạt động thi đua yêu nước của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo và đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Ninh. Ông vui chung niềm vui với những truyền thống tốt đẹp bằng việc nhắc lại đặc điểm phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo: 

Quảng Ninh là tỉnh không đông người Công giáo, hiện có hơn 44 nghìn người theo đạo Công giáo nhưng phong trào yêu nước ở các xứ đạo đã hình thành từ phong trào đấu tranh của thợ mỏ năm 1936. Nhiều xứ đạo từng là cơ sở cách mạng như  xứ  Yên Trì (huyện Yên Hưng), xứ Trà Cổ (Móng Cái); xứ Hòn Giai (thành phố Hạ Long)... Ban liên lạc của những người Công giáo Quảng Ninh yêu nước đã sớm được thành lập (ngày 11/3/1955). Đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động và 5 lần đại hội, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Ninh, tiền thân là Ban liên lạc những người Công giáo yêu nước đã đạt được nhiều kết quả trong phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo. Nhiều xứ, họ đạo tiên tiến như  giáo xứ Đông Khê được Bộ Công an khen thưởng, tặng cờ thi đua về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; xứ đạo  Yên Trì được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động... Đến nay đã có gần 90% số hộ Công giáo được công nhận gia đình văn hóa… Về phát triển kinh tế, đã hình thành những vùng mũi nhọn như  đóng thuyền và đò sắt ở giáo họ Ninh Dương (huyện Móng Cái); trang trại vườn cây ăn quả kết hợp mở rộng chăn nuôi gia súc ở Đông Khê, Mạo Khê (huyện Đông Triều); chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở giáo họ Sông Khoai (huyện Yên Hưng)…

 

  Nhà thờ họ đạo Hạ Long (huyện Vân Đồn- Quảng Ninh)

Sau những trao đổi thân tình và thẳng thắn, đoàn nghiên cứu đã thống nhất lại các vấn đề cần tháo gỡ, tiếp tục ra thăm huyện đảo Vân Đồn, nằm cách thành phố Hạ Long chừng 20 cây số. Chiếc xe chở đoàn chạy qua rất nhiều cây cầu với cung đường quanh co song ai nấy đều cảm nhận được sự tinh khiết của đất trời. Xưa kia, người ta thường biết đến Vân Đồn là một vùng đảo hoang vắng, những làng chài xơ xác, chỉ có gió và cát trắng. Thế nhưng Vân Đồn hôm nay đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những cảm xúc bất ngờ. Đường giao thông mới, hệ thống khách sạn, khu nghỉ mát thơ mộng đã làm cho tấm áo của huyện đảo khởi sắc. Giữa muôn vàn nét mới ấy, ngôi nhà thờ họ đạo Hạ Long trầm lắng, nằm ngay cạnh biển. 

Trùm phó giáo họ Hạ Long, Nguyễn Văn Lộ còn khá trẻ, tính tình điềm đạm với nụ cười khiêm tốn: “Họ đạo chúng tôi nhỏ bé và còn non trẻ, thành lập được hơn chục năm nay, chỉ vẻn vẹn có 37 gia đình giáo dân với 140 nhân danh. Nhà thờ giáo họ Hạ Long xây dựng cách đây 13 năm. Hàng tuần linh mục thường về đây làm lễ. Bà con giáo dân là những người ở giáo xứ Trà Cổ, một số quê ở tỉnh Nam Định ra đây sinh sống làm ăn, nhưng việc học giáo lí, kinh bổn luôn được duy trì đều đặn vào Mùa Chay. Bà con làm nghề biển, quy mô nhỏ lẻ nhưng thật đáng mừng là không ai thuộc diện đói nghèo. Mặc dù Vân Đồn mấy năm trước từng mang danh là “đảo chết”, bởi ở đây từng có rất nhiều người chết vì HIV/AIDS và số người nhiễm HIV thuộc hàng cao nhất cả nước nhưng ở họ đạo Hạ Long vẫn  không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật”. Ông Lộ giới thiệu những tấm bằng khen mà Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn tặng giáo họ Hạ Long, rồi tiếp lời: Mấy năm nữa chắc chắn đời sống kinh tế của bà con giáo dân sẽ có nhiều đổi mới, bởi theo ông, những khu du lịch, trong đó có ATI Resort nằm cạnh nhà thờ sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương. 

Theo bà con Công giáo trên đảo, cuộc sống của họ đã thực sự khởi sắc từ vài năm nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án khu kinh tế Vân Đồn. Theo quy hoạch, Vân Đồn sẽ là trung tâm kinh tế miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái -  biển đảo chất lượng cao. Ở họ đạo Hạ Long, một số gia đình được các nhà đầu tư  mua lại đất để làm khu du lịch sinh thái Bái Tử Long nên đã nhanh chóng trở nên giàu có như  gia đình bà Phạm Thị Toan, một số khác có lợi thế về đất nằm gần đường vào khu du lịch cũng hé lộ những cơ hội làm ăn. Riêng ông Trùm phó Nguyễn Văn Lộ lại chọn kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, đem lại thu nhập cao. 

Biết làm mới mình bằng nhiều công trình hạ tầng, như đường giao thông, trường học... Vân Đồn thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó có hàng chục dự án du lịch sinh thái, toàn huyện có hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ và trên 100 doanh nghiệp đang góp phần quan trọng trong việc khai thác và phát huy lợi thế về biển và du lịch. Vân Đồn có nhiều hang động đẹp, có rừng quốc gia Bái Tử Long, có thương cảng Vân Đồn- thương cảng đầu tiên của nước ta cách đây hơn 300 năm, có 5 bãi cát trắng mịn với làn nước trong xanh, tạo nên những bãi tắm đẹp hoang sơ như Bãi Dài, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... Tất cả đang đựơc đánh thức để vùng biển giàu tiềm năng này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch xứng tầm của Quảng Ninh. 

Trịnh Hằng
 
Thông tin khác:
Xuân Lộc - một năm nhiều khởi sắc (24/01/2012)
Trăn Trở nơi xứ đạo người H’Mông (09/01/2012)
Đổi mới ở Nguyệt Đức (26/12/2011)
Phú Nhai mùa Giáng sinh về (14/12/2011)
Xã Quang Trung, điểm sáng trong bảo vệ an ninh- trật tự (11/12/2011)
Nỗ lực từ trong bóng tối. (07/12/2011)
TRƯỞNG BAN HÀNH GIÁO SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO (02/12/2011)
Gương sáng người thầy của con em giáo xứ Nghĩa Yên (24/11/2011)
Giáo họ Ban Long điểm sáng vùng giáo (22/11/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log