Từng theo chủ nghĩa hoài nghi, nhà báo Mike Willesee đã vụt sáng thành một cây bút trẻ về mảng chính trị cho Đài ABC trong thập niên 1960, nổi tiếng là phóng viên hết sức can đảm, không ngần ngại trong việc đặt câu hỏi về mọi vấn đề. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, ông Willesee đã trải qua một cuộc lột xác ngoạn mục để trở thành tín hữu Công giáo hết sức mộ đạo. Sử dụng những kỹ năng điều tra và phân tích được rèn luyện trong thời gian còn làm báo, ông đã dành cả hai thập niên theo đuổi những câu chuyện về “phép lạ thời nay” của Chúa, được các nhân chứng ghi lại khắp Nam Mỹ.
Trong chương trình Sunday Night của đài Channel Seven (Úc), nhà báo 74 tuổi đã hé lộ một số khía cạnh của những câu chuyện về các phép lạ được tranh luận nhiều nhất trong giáo hội Công giáo. Ông Willesee bắt đầu với “Bánh thánh tươm máu Buenos Aires”, một trường hợp bánh thánh được cho là hóa thành máu và thịt. Trường hợp này đã xuất hiện khi một linh mục làm lễ ở một nhà thờ tại Argentina vào năm 1996. Hơn 20 năm sau, tu sĩ đầu tiên tiếp xúc với bánh thánh này đã kể lại với ông Willesee rằng đây là hiện tượng “kỳ lạ và siêu nhiên”. Khi một nhà nghiên cứu bệnh học chuyên về mảng pháp y và đặc biệt là vô thần được trao mẫu bánh để nghiên cứu mà không hề biết được nguồn gốc của mẫu vật, ông này cho biết đã phát hiện các dấu vết cho thấy đây là mẫu da sau khi thử nghiệm, trong khi một giáo sư khác quả quyết xác nhận đây là mô tim ở người.
Từ Argentina di chuyển lên phía bắc đến Bolivia, kế đến ông Willesee tìm hiểu liệu một bức tượng Giêsu bán thân bằng nhựa giá rẻ dành cho tín hữu nghèo có thực sự chảy lệ và máu trong nhiều năm qua hay không. Hàng ngàn người đã đổ xô đến nhà thờ Cochabamba kể từ khi một nữ giáo dân đưa ra tuyên bố gây chú ý vào năm 1995. Những hình ảnh trên mạng rõ ràng cho thấy nước mắt rơi khỏi bức tượng, trong khi các tín hữu dựa vào những báo cáo chưa được kiểm chứng của một phòng thí nghiệm Úc kết luận rằng đã tìm thấy máu người trong những giọt lệ. “Bất chấp quan điểm hoài nghi của cá nhân và về khía cạnh nghề nghiệp của bản thân, tôi đã đến đây để tìm hiểu chuyện này xảy ra như thế nào”, ông Willesee nói.
“Tôi chứng kiến một bức tượng Chúa Giêsu với nửa mặt phủ máu khô. Nhưng còn về nước mắt và việc bức tượng chảy máu, tôi chẳng thấy gì về chuyện đó. Tuy nhiên, những người địa phương cam đoan họ đã chứng kiến hiện tượng lạ lùng ở bức tượng, và một mực cho rằng đó thực sự là phép lạ”. Để tìm hiểu thêm, nhà báo Úc đã thực hiện cuộc phỏng vấn đối với chủ nhân đầu tiên của bức tượng, bà Sylvia Arebalo, người cho hay bà tin rằng kể từ năm 1995-2015, bức tượng đã “khóc” ra 800 đến 1.000 giọt lệ. Kết quả quét 3D phát hiện bức tượng không bị “đụng tay chân” để tạo dựng chứng cứ giả, trong khi vô số cuộc kiểm tra trên toàn cầu đối với vệt máu khô trên bức tượng đều cho cùng một kết quả: máu người, nhưng không rõ tại sao lại chẳng có kết quả về ADN.
Đối với ông Willesee, việc thiếu hẳn các cuộc nghiên cứu về mặt khoa học đã tìm ra câu trả lời xác đáng nhất cho những phép lạ được truyền miệng đã cho thấy đây vẫn còn là những trường hợp đầy bí ẩn, mà theo nhà báo Úc là vẫn chưa có câu kết luận cuối cùng.
BẠCH LINH
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc