Tôi chạy xe Honda dọc đường Hòa Bình rồi tìm chỗ ngồi từ phía bên kia đường, âm thầm quan sát hình ảnh người đàn ông khoảng tuổi 60 đang cho đàn chim trời ăn. Hình ảnh rất thú vị khiến tôi không dám lại gần, sợ phá vỡ đi không khí bình yên ấy. Chờ cho đàn chim ăn no nê, bay đi chỗ khác tôi mới ghé lại để bắt chuyện với ông mong muốn được nghe câu chuyện của ông.
Đón tôi bằng câu ca quen thuộc: “Ai về Cần Thơ, xin ghé lại đại lộ Hòa Bình, có đàn bồ câu của ông bán kiểng thật là đông ghê, vui đùa nhảy nhót, đón những hạt lúa vàng óng. Chắc ai đi về sẽ nhớ mãi Ninh Kiều, Tây Đô…”. Ông Chương với khuôn mặt hiền từ đón tôi bằng nụ cười thân thiện. Câu chuyện về đời tư của ông cũng khá đặc biệt. Đến nay đã bước sang tuổi xế chiều nhưng ông vẫn chưa và không nghĩ tới chuyện lập gia đình, không vợ, con, mà thực ra với nghề bán cây kiểng của ông nuôi bản thân đã khó nói gì tới chuyện nuôi cả đàn chim trời trên 300 con nên ông không có tài sản gì quý ngoài số cây cảnh chất trên chiếc xe ba gác.
Cách đây hơn 10 năm, khoảng năm 2011 trong lúc ngồi nghỉ và chờ khách mua cây kiểng, ông đang ăn miếng bánh bò lót dạ, bóc miếng bánh rơi vãi xuống đất thì có một vài con chim sẻ mon men lại để ăn, chúng mổ vội rồi bay tút lên cao gần đó ăn với kiểu dè chừng sợ sệt. Thấy thú vị và thương mấy chú chim ông bóc một miếng bánh bò rồi đẩy ra xa hơn một đoạn cho chúng lại ăn. Lúc đầu, có thể do mấy con chim sẻ sợ không dám lại gần nên ông Chương đã đẩy xe cây kiểng đi nơi khác cho chúng lại ăn tự nhiên.
Ông Chương hồ hởi kể: Đi một đoạn tôi dừng lại quan sát thì thấy chúng từ trên cây sà xuống ăn, lúc đó chắc chỉ khoảng 5 đến 6 con. Tôi vui lắm, nó giống như cảm giác người cha đang dõi theo đứa con chập chững những bước chân đầu đời. Điểm đó chính là góc ngã ba của đường Hoà Bình với đường Ngô Hữu Hạnh và bây giờ đó cũng là điểm quen thuộc để các "huynh đệ" tập trung về ăn mỗi ngày…
Sau những lần đó ông Chương ăn gì cũng đều dành phần ra để cho đàn chim trời ăn, “lúc đầu chỉ vài con chim sẻ, sau đó không biết chúng nói chuyện với nhau hay sao mà rủ rê về ngày càng đông, thậm chí cả chim bồ câu cũng bay về ăn mỗi khi thấy tôi xuất hiện, từ vài con đến thời điểm hiện tại, đàn huỵnh đệ đã lên đến 300 con…”, ông Chương chia sẻ.
Gần 10 năm qua vẫn chiếc xe ba gác chất đầy cây kiểng rong ruổi khắp phố ở nội ô quận Ninh Kiều, nhưng đến giờ ông Chương lại quay lại chỗ hẹn hò với đàn chim để cho chúng ăn, trò chuyện với chúng, thậm chí là hát cho chúng nghe.
Theo nhiều người dân ngồi quán cà phê gần khu vực này chứng kiến, đàn chim bu lại quanh quẩn người đàn ông gầy gò như những đứa con tinh thần. Thấy tò mò, họ đến gần cho chúng ăn nhưng chúng lại bay vụt đi.
Không vợ, không con cái chỉ có những chú chim như là những người bạn tinh thần gắn bó với ông Chương cả chục năm nay. Ông Chương làm đủ thứ để kiếm tiền, miễn là có tiền chân chính, như bán cây kiểng, bán bánh bò, hay bán vé số. Số tiền lời ông dành mua thức ăn cho chim, khi thì lúa, gạo, khi thì bánh bò… Nhiều người thấy việc làm của ông ý nghĩa nên đã góp gạo, góp tiền ủng hộ mua thức ăn cho đàn chim trời.
Ông Chương cũng không biết đàn chim trời và đàn chim bồ câu từ đâu tới nhưng cứ đến giờ ăn là hàng trăm con chim từ đâu xà xuống ăn ngon lành. “Tội lắm, có hôm đi muộn đến giờ ăn không có mặt kịp, chúng cứ đi loang quanh chờ, con thì đậu trên các cành cây, chim bồ câu thì đậu đầy dây diện, cột điện như hóng ba nó, thương muốn đứt ruột luôn…”, ông Chương nói.
Nghe cách ông Chương giải thích cặn kẽ về thói quen cũng như cách chăm sóc đàn chim, cho chúng ăn như thế nào cũng đủ thấy tấm lòng và tình cảm của ông dành cho chúng.
“Thời gian đầu, số lượng chim ít mình ăn bánh hay ăn cơm bụi cũng lấy cơm người ta ăn còn dư về cho chúng. Nhưng càng về sau số lượng ngày càng nhiều, cơm hay bánh bò cũng không đủ ăn, chim sẻ thì ăn ít, nhưng chim bồ câu ăn tương đối nhiều, nên tôi có hỏi một vài người dân, chim bồ câu hay ăn gì nhiều người còn đùa tôi là chim bồ câu ăn đậu xanh. Tôi tưởng thật có đi mua đậu xanh về mà chúng không ăn. Lúc đó hỏi ra mới biết tôi bị họ gạt, vì người ta hay nói món cháo đậu xanh nấu với bồ câu. Cách đùa có cò gì hay đâu…”, ông Chương hồn nhiên kể lại.
Tự hào với mọi người mỗi khi có ai đến hỏi, góc phố này ông đã nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ chim trời ra đời, lần lượt con cháu chúng cũng đều đến đây và gắn bó với ông, được ông cho ăn và chăm sóc. Có nhiều người làm việc thiện họ mua chim sẻ và chim bồ câu đem đến đây để phóng sinh cho nhập với đàn chim trời của ông Chương. Có những lần ông đi bán hoa kiểng gặp người dân biết được ông chăm đàn chim như người thân, nhiều người mua chim về rồi gửi ông nuôi làm công đức.
Ông Chương lo lắng cho đàn chim từ khi nhỏ đến mức khi chúng chết ông đều lo chôn cất chúng chu đáo. Theo lời kể của ông Chương, năm 2010 ông quy y, từ đó đến nay chỉ ăn chay trường, ngày ngày đi bán cây cảnh dạo chỉ mong đủ tiền để ăn 2 hoặc 3 bữa và chăm đàn chim trời. Không nhà cửa, không người thân nhưng ông Chương luôn tất bật với đàn chim hàng trăm con, những lúc mệt mỏi ông đều đến bên đàn chim ngồi trò chuyện với chúng.
Ông Chương tin, dường như các “huynh đệ“ của ông thấu hiểu được hoàn cảnh cũng như tâm sự của mình, vì mỗi khi ông trò chuyện thì chúng đều quanh quẩn bên ông không rời…