Thanh Thủy là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, dân số hơn 76 nghìn người, phân bố ở 15 xã. Trong đó có 19 nghìn người theo đạo Công giáo, sinh sống tại 12/15 xã.Với đặc điểm là huyện gần như thuần nông, nên để phát triển nhanh về kinh tế, người dân đã lựa chọn giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gắn với giá trị kinh tế thị trường, đồng thời đa dạng các hình thức kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu lao động…
Qua các lớp khuyến nông do Hội Nông dân huyện tổ chức, các hộ Công giáo đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng các loại giống mới có năng suất cao, biết cách phòng trừ sâu bệnh, dịch hại đối với cây trồng, vật nuôi. Từ những kỹ thuật này và sự hỗ trợ về nguồn vốn của ngân hàng chính sách, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh được hộ Công giáo mạnh dạn triển khai, trong đó có những mô hình mới, đòi hỏi nhiều vốn và kỹ thuật như nuôi cá sấu, lò ấp trứng gà, vịt, kỹ thuật cho cá đẻ theo phương pháp nhân tạo… Sau một thời gian triển khai, đến nay nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả kinh tế như mô hình một vụ lúa một vụ cá ở xã Hoàng Xá và xã Sơn Thủy với sản lượng cá đạt 66 tấn/năm. Nhiều hộ đã chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi vịt, lợn, có thu nhập gấp 4 đến 5 lần so với cấy lúa.. Ở Hoàng Xá hiện có hàng trăm hộ làm nghề đan lưới, nong, nia, thúng, mủng; 1.100 hộ đan chúm tôm cung cấp cho khách hàng vùng hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà và hơn 20 hộ mở xưởng xẻ gỗ xây dựng. Nhiều hộ khác ở Hoàng Xá đầu tư lò ấp vịt giống, nuôi cá sấu, ba ba. Ở xã Sơn Thủy nghề trồng hoa, cây cảnh, làm ang chậu cảnh và làm bẫy chuột bán nguyệt cũng đem lại thu nhập cao.
Từ những chuyển đổi trên, đời sống kinh tế ở các họ đạo đã khởi sắc nhiều, nhiều hộ trở nên giàu có, số hộ nghèo giảm nhanh.Năm 2006 số hộ nghèo trong huyện chiếm hơn 30%, đến nay chỉ còn dưới 15% (chuẩn mới). Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi cả 3 cấp đều tăng: Năm 2006 có 550 hộ, đến năm 2010 có hơn 850 hộ, tăng 300 hộ. Nhiều người Công giáo đã trở thành điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên như ông Nguyễn Văn Sơn ( khu 1 xã Sơn Thủy) thành công trong việc cho cá đẻ theo phương pháp nhân tạo, ươm cá giống bán ra thị trường; ông Nguyễn Văn Ninh khu 2 và ông Nguyễn Bá Thay khu 3 xã Sơn Thuỷ trồng cây cảnh. Ông Hoàng Văn Mưu (khu 1 Hoàng Xá) nuôi cá giống, cá cảnh, ba ba, cá sấu và ếch; ông Đặng Quốc Khánh ( khu 6 Hoàng Xá) trồng chè và chế biến chè; ông Hoàng Văn Đỉnh (khu 22 Hoàng Xá) là hộ nghèo vượt khó, mở dịch vụ vật tư nông nghiệp nên kinh tế phát triển trở thành hộ khá giả…
Cùng với hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc được đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng. Hàng năm có hơn 70% gia đình đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa, các khu dân cư đông người Công giáo sinh sống đều đăng ký thực hiện và đã xây dựng hương ước văn hóa, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, lễ hội.
Người Công giáo ý thức tốt trách nhiệm công dân trong việc chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ; tham gia các câu lạc bộ: Tuổi trẻ với pháp luật, phòng chống ma túy. Năm 2006 Hội nông dân huyện chỉ có 2.565 hội viên, đến năm 2010 có 4.000 hội viên, tăng 56%. Trong đó số hội viên nông dân vùng Công giáo hiện nay chiếm 24% số hội viên trong huyện.
Qua sự phối hợp tuyên truyền vận động của các tổ chức thành viên của mặt trận như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các gia đình Công giáo đã ý thức được việc sinh sản có trách nhiệm, nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình nên tỷ lệ người sinh con thứ ba giảm hẳn…. Ngoài ra, đồng bào Công giáo còn hưởng ứng các cuộc vận động vì người nghèo, xây nhà đại đoàn kết, giúp nhau xóa đỏi giảm nghèo với số tiền khoảng 4 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công. Toàn huyện đã xây được 600 nhà đại đoàn kết, riêng hai xã đông người Công giáo xây được 130 nhà. Tại các họ đạo, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học được xây dựng khang trang. Trong 5 năm qua, 23/37 trường học các cấp được xây dựng chuẩn quốc gia, tất cả các trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Với những hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế như trên, sự quan tâm tới đời sống văn hóa và phát huy nét đẹp đạo đức của đạo Công giáo, bộ mặt kinh tế, văn hóa ở các họ đạo trên địa bàn huyện Thanh Thủy đang ngày một khởi sắc. Đời sống của giáo dân được cải thiện và nâng cao, góp phần cùng nhân dân trong huyện xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Thiên Băng