Nghệ nhân Dương Bá Tân đang hướng dẫn thợ chỉnh sửa hoàn thiện chiếc long đỉnh. |
Kỹ nghệ công phu Nghệ nhân Dương Bá Tân, một trong những người tạo nên sự khởi sắc cho làng nghề đúc đồng Vạn Điểm (Tống Xá xưa), (nay thuộc Thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định). Anh Tân được biết đến là nghệ nhân tham gia đúc những công trình bằng đồng quan trọng trên cả nước như chùa Đồng Yên Tử, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng các vĩ nhân…
Trong khuôn viên xưởng đúc đồng rộng hơn 5.000m2, nghệ nhân Dương Bá Tân đang chăm chú, tỉ mẩn chỉ từng chi tiết cho vị thợ cả hoàn thiện chiếc “Đỉnh đồng rồng quấn”. Dáng người nhỏ nhắn, anh Tân lọt thỏm trong những bức tượng đồng đủ kích cỡ.
Sau lời giới thiệu, chỉ tay vào chiếc long đỉnh khổng lồ đang lên màu sáng loáng, anh Tân cho biết: “Đây là công đoạn cuối cùng trong 5 công đoạn đúc một sản phẩm từ đồng. Đầu tiên là tạo mẫu, rồi tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn và đây là công đoạn hoàn thiện”. Tùy theo từng kích thước và sự phức tạp của từng sản phẩm mà mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều có công thức đúc đồng bí truyền.
Trong quy trình trên, bước tạo mẫu là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất. Tại xưởng của nghệ nhân Tân, mẫu sản phẩm được thiết kế theo ý tưởng của khách kết hợp với tư vấn của nghệ sỹ, nhà điêu khắc. Ban đầu, mẫu được thiết kế, làm bằng đất sét rồi chỉnh sửa đường nét đến khi đạt được yêu cầu sẽ được đổ khuôn bằng thạch cao trước. “Mẫu là sản phẩm mang trí tuệ do nghệ nhân làm ra, nó giống như sáng tác một bản nhạc. Nghệ nhân tài hoa sẽ có những tác phẩm để đời”, anh Tân nói và cho biết công đoạn này chiếm khoảng 30% thời gian, chi phí để tạo ra một sản phẩm.
Ở bước tạo khuôn, người thợ dùng đất, trấu, giấy dó để làm khuôn âm bản (khuôn mở nhiều mảng hay khuôn 2 nửa). Sau đó, thợ dùng đất bùn, trấu, bột chịu nhiệt làm cốt bên trong (công đoạn này gọi là “làm thao”). Khuôn được nung chín ở khoảng 700 độ C, sau đó để nguội căn chỉnh độ dày mỏng của phần đồng đúc theo yêu cầu kỹ thuật. Để sản phẩm đạt sự hoản hảo, người thợ tiếp tục chỉnh sửa khuôn, quét sơn chịu nhiệt rồi nung lại một lần nữa ở khoảng 500 độ C. Sau đó, khuôn sẽ được ghép thành một khối. Đến khi đúc, lại phải nung khuôn cho nóng đều. Nếu khuôn nung quá già lửa khi đúc bề mặt đồng sẽ không được trơn mịn. Khuôn “sống” non nhiệt, đồng không chảy hết, không chảy đều, sản phẩm bị hỏng.
“Ở bước nấu chảy nguyên liệu, đồng được pha chế theo tỷ lệ nhất định với thiếc, chì, kẽm thành hỗn hợp sánh nhuyễn. Hỗn hợp nóng chảy này phải được gạn bỏ tạp chất mới được thợ đổ vào khuôn. Người được chọn rót đồng vào khuôn phải là nghệ nhân có kinh nghiệm, có khả năng phán đoán xem nước đồng nấu đến một mức độ nào thì đồng sẽ chảy đều. Việc này chỉ nhìn bằng mắt thường chứ không có dụng cụ gì để thử hoặc đo đếm”, anh Tân cho hay. Quá trình rót đồng vào khuôn phải thao tác đều và nhanh để đồng chảy đều trên bề mặt sản phẩm. Sau đó để khoảng 1 ngày thì tiến hành dỡ khuôn lấy sản phẩm ra.
Cuối cùng là công đoạn hoàn thiện. Ở công đoạn này, người thợ khéo léo dùng khoan, dũa, dao… tỷ mỉ cắt tỉa ba via (chỗ nhấp nhô, không đều) rồi đưa ra chạm, khắc. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được đưa đi làm màu.
Thổi hồn cho tượng người và linh vật Trong nghề đúc đồng, đúc tượng (người, kỳ linh…) và đúc chuông là khó nhất, yêu cầu nghệ nhân phải có bề dày kinh nghiệm, tài hoa. Bởi để được gọi là tượng “có thần” phải lột tả được cái hồn, cái cốt và thần thái của người hoặc vật muốn đúc. “Mỗi tượng có một diện mạo, thần thái khác nhau. Không phải nghệ nhân giỏi nào cũng đều đúc tượng thành công” - anh Tân quả quyết.
Vừa chỉ vào bức tượng hổ đúc bằng đồng được mạ vàng với thế đứng vươn lên cao, chân đạp lên đống tiền vàng, nghệ nhân Dương Bá Tân cho biết: “Hổ là loài linh vật biểu tượng cho quyền uy và sự dũng mãnh. Muốn có được sản phẩm ưng ý, nhất là tượng kỳ linh uy nghi, có hồn, cốt như “ông hổ”, điều tiên quyết phải yêu nghề, thổi nhiệt huyết, niềm đam mê của mình từ khâu tạo hình đến khâu hoàn thiện” - anh Tân nói và hé lộ, dù dịch COVID-19 khó khăn nhưng năm nay, nhiều người yêu thích tượng đồng vẫn đặt mua tượng “ông hổ” để trưng bày, biếu tặng.
Anh Tân nhấn mạnh, ngoài việc tạo tác khuôn hình, nguyên liệu đúc tượng người, linh vật phải được lựa chọn kỹ lưỡng, pha chế đúng tỷ lệ để sản phẩm ra đời được rõ nét, ít khuyết tật, không bị rỗ khí, rỗ xỉ. Với những bức tượng, linh vật vật trưng bày ngoài trời, anh Tân phải pha chế đồng với kim loại màu khác (thường là thiếc, chì…) để tăng tính chịu lực, giảm độ ăn mòn.