Sau bao khổ cực, Tùng sẽ bước vào giảng đường đại học, đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cô. Ảnh: Trần Mai Ảnh: CTV |
GÁNH CỦI THỰC CỦA TÙNG Ngày 20/9/2020, trên tờ Tuổi trẻ số 254, trang 8, có đăng phóng sự ảnh: “Từ gánh củi đến giảng đường”, tác giả Trần Mai... Ôi, tôi cảm phục em Tùng!!!
Phạm Thị Thanh Tùng (xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không có cha, nhà thuộc diện hộ nghèo, chị (cùng mẹ khác cha) và mẹ đều bị bệnh kép là tâm thần và tim, gánh nặng cứ thế đổ dồn lên vai Tùng. Mỗi ngày của Tùng đẫm mồ hôi, thức dậy với gánh nặng cơm áo hiện ra. Đầu ngày bó củi trĩu trên vai mang ra trung tâm xã đổi gạo, chiều lại phục vụ quán, rửa chén, cào rơm... “Việc gì có tiền là tôi sẽ làm, ở đây tôi chỉ có thể làm thuê thôi” - Tùng nói.
Nặng gánh mưu sinh nhưng Tùng chưa bao giờ có ý định bỏ học, 12 năm Tùng là học sinh giỏi, phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực ấy là suất tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, ba môn xét đại học của Tùng cũng đạt số điểm 26,5. “Tôi sẽ tiếp tục đi đến giảng đường, với tôi đó là con đường duy nhất để thoát tình cảnh hiện tại và để có điều kiện lo cho mẹ và chị sau này” - Tùng trải lòng.
Dông bão đến, cô đón nhận và giải quyết với tư cách trụ cột. Ngày 19-9, tôi (tác giả Trần Mai) trở lại nhà Tùng sau trận bão số 5, dù Quảng Ngãi chỉ là rìa tâm bão nhưng gió cũng đã phá hỏng ngôi nhà từ cửa đến mái, trụ, đà... Và Tùng đã ra tay sửa lại mái nhà, chèn chống cây trong vườn ngã đổ vì gió.
Tích Châu Mãi Thần trên chóe cổ. Ảnh: Hà Thành |
GÁNH CỦI RĂN DẠY CỦA CỔ NHÂN Châu Mãi Thần, người đất Cối Kê, đời nhà Hán, nhà rất nghèo, nhưng rất ham đọc sách. Thuở hàn vi, chàng phải đi đốn củi rừng đem bán để sinh sống, thường treo sách nơi đầu gánh, vừa đi vừa đọc.
Vợ của Châu Mãi Thần không thể chịu nổi cảnh nghèo túng mãi như vậy được nên đòi thôi chồng, để đi lấy chồng khác khá giả hơn mà nương nhờ tấm thân.
Châu Mãi Thần khuyên vợ:
- Năm nay tôi 49 tuổi rồi, qua năm 50 tuổi, tôi biết tôi thế nào cũng lập được công danh. Bấy lâu nay, chúng ta sống trong cảnh cơ cực cũng đã quen rồi, nay nàng ráng chờ tôi một năm nữa thì nàng sẽ hưởng được phú quí.
Người vợ liền trả lời:
- Ðến chừng ông làm quan thì tôi đã chết đói rồi.
Thế là vợ của Châu Mãi Thần nhứt quyết bỏ chồng, nàng đi lấy một anh nông dân khá giả trong làng.
Châu Mãi Thần rất đau buồn. Chàng lại càng quyết tâm học tập hơn nữa, bất luận ngày đêm, cuốn sách đều kế bên mình.
Năm sau, Châu Mãi Thần được Nghiêm Trợ tiến cử lên vua Hán Võ Ðế, được vua thâu dụng, phong chức Trung Ðại Phu. Lúc bấy giờ xảy ra giặc giã ở vùng Ðông Việt. Hán Võ Ðế sai Châu Mãi Thần lo chuẩn bị khí giới, thuyền bè, để cho binh sĩ đi dẹp giặc. Sau đó, Châu Mãi Thần được thăng chức làm Thái Thú Cối Kê.
Trong Gia huấn ca, Nguyễn Trãi cũng từng nhắc tới: Vai gánh củi thời luôn miệng/ Chu Mãi Thần lên tiếng danh nho.