Trong số các thánh đã được tuyên phong ở Việt Nam, có một nữ thánh đầu tiên và duy nhất đến tận hôm nay. Đó chính là bà thánh Ane Lê Thị Thành và quen gọi là bà thánh Đê.
Thánh nữ Ane Lê Thị Thành. Tranh: TL |
Bà sinh ra ở làng Gia Miếu, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Vì ở quê khó sống nên gia đình bà di cư ra quê ngoại tại Phúc Nhạc, Phát Diệm, Ninh Bình. Từ nhỏ, bà đã có tiếng là đạo hạnh và ngoan đạo. Mẹ bà mất sớm khi bà mới 16 tuổi. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Nhất, một chàng trai hiền lành ở cùng làng. Hai ông bà tần tảo làm ruộng, nuôi tằm để nuôi các con. Hai ông bà sinh được 2 con trai và 4 con gái. Con trai cả tên là Đê nên theo phong tục nơi này, ông bà cũng được gọi là Đê. Cho đến khi bà bị bắt, ông bà cả thảy có 17 cháu trai, gái. Thời vua Thiệu Trị, có lệnh cấm đạo gay gắt. Ai chứa chấp đạo trưởng (linh mục) là bị chém đầu. Lúc đó, ở Phúc Nhạc có 4 linh mục đang hoạt động. Đó là các linh mục Berneux Nhân, Galy Lý, Thành và Ngân. Một người giúp việc cho linh mục Thành tên là Đễ vì ham tiền nên đã báo quan rằng ở Phúc Nhạc có các linh mục ẩn nấp nên đúng ngày lễ Phục sinh 14/4/1841, quan Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh dẫn 500 lính về vây làng Phúc Nhạc. Tất cả dân làng bị lùa ra đình và lính lùng sục khám xét các nhà. Hai linh mục người Việt là Thành và Ngân nhanh chân trốn thoát. Hai linh mục nước ngoài thì không quen thông thổ nên trốn chạy vào nhà dòng Mến Thánh giá và bà Đê. Bà Đê chỉ cái mương cạn cạnh bụi tre cho linh mục Galy Lý và hai mẹ con bà lấy rơm phủ lên. Nhưng lính lùng sục không sót chỗ nào trong nhà nên đã bắt được tất cả và điệu ra đình. Đền thánh kính thánh Ane Lê Thị Thành. |
Bà lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng khi cầu nguyện với Chúa, tự nhiên bà không còn sợ nữa. Quan bắt bà và các nữ tu bước qua Thánh giá để bỏ đạo nhưng cả ba không chịu. Các bà bị đánh bằng roi rồi gậy củi rất đau. Bà quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, con dứt khoát không bỏ Chúa nhưng con là đàn bà yếu đuối, sợ người ta dùng sức mạnh mà con không chống đỡ được”. Chúng khiêng bà trượt qua Thánh giá, bà phủ phục trên Thánh giá. Quan truyền đóng gông áp tải các bà đi từ Phúc Nhạc về Nam Định ngay trong đêm để xét xử. Vì lúc đó bà đã 60 tuổi, sinh nhiều con lại lam lũ nên sức khỏe bà yếu lắm nên có lúc ngồi gục xuống đường, lính canh phải tháo gông cho bà đi tiếp. Hai nữ tu và bà cùng bị giam chung một buồng. Lính canh đánh đập, tra khảo các bà dã man. Chúng thả rắn độc vào trong quần áo bà. Bà vốn rất sợ rắn nhưng bà đứng yên cầu nguyện nên rắn không cắn bà. Dù bị tra tấn cực hình nhưng bà và hai nữ tu Anna Khiêm và Ane Thanh dứt khoát không bỏ đạo, không chỉ ra nơi ẩn nấp của các linh mục khác. Quan quân dùng kế đưa chồng con bà vào nhà lao để thuyết phục bà bỏ đạo. Bà bảo với ông: Tôi bị đánh rất kinh khủng nhưng không thấy đau vì Chúa gìn giữ tôi nên tôi chẳng bao giờ bỏ Chúa. Con gái bà thấy chiếc áo bà đẫm máu thì khóc lóc thảm thiết. Bà bảo, áo mẹ màu hoa hồng đó, đẹp thế sao con lại khóc. Hai nữ tu vì trẻ hơn nên cũng hết sức chăm sóc bà trong tù nhưng vì bà bị nhiều bệnh dày vò kiệt sức nên đã qua đời ngày 12/7/1841 khi mới 61 tuổi. Lính đem xác bà ra vùi ở pháp trường Bảy Mẫu. Dân làng mấy ngày sau muốn đem thi hài bà về an táng ở quê nhưng không sao tìm được mộ bà. Một người nói, bà chết vì đạo như thế sẽ linh thiêng nên đem những cành tre cắm lên các huyệt mộ chờ đến trưa nắng. Cành tre nào con xanh tươi chắc là mộ bà. Đúng vậy, đến trưa nắng to nhưng một cành tre vẫn tươi. Họ đào lên và đúng là xác bà.
Bà được Đức Piô X phong chân phước ngày 2/5/1909 và Đức Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19/6/1988. Tại quê bà có một đền thánh kính bà BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com