Tại đất nước Hà Lan vào năm 1521, có một người tên là Phêrô Canisiô được sinh ra ở Nimègue, miền Geldria. Thánh nhân tuy mang quốc tịch Hà Lan, nhưng lại sống hầu như trọn cuộc đời ở nước Ðức. Thánh nhân có óc thông minh, tài phán đoán, nhờ học hành giỏi giang, thánh nhân nổi tiếng là người uyên bác. Năm 1543, thánh Phêrô Canisiô xin vào dòng Tên tại Cologne và mau chóng trở nên uyên bác trong nhiều lãnh vực. Thánh nhân rất nổi tiếng về đàng học vấn và được nhiều người kính phục, nể vì. Thánh Phêrô Canisiô đã giữ nhiều trọng trách quan trọng như giáo sư, thuyết giảng, dạy giáo lý, sứ giả của Ðức Giáo hoàng, Bề trên nhà dòng, Giám tỉnh tại Ðức và Áo. Ngài đã thiết lập nhiều chủng viện và học viện. Thánh nhân có tài viết văn, ngài đã viết rất nhiều, các bài của ngài được phổ biến khắp nơi trong số đó cuốn “Tổng luận về giáo lý Công giáo viết năm 1555 và cuốn Giáo lý” viết năm 1556 được hoan nghênh khắp nơi và rất nổi tiếng. Thánh nhân dù thuyết giảng, viết hay trò chuyện, tiếp xúc, hoặc qua những hoạt động chỉ nhắm một mục đích duy nhất là “Phục vụ Giáo hội, làm vinh danh Chúa và chống lại học thuyết của Luthêrô lúc đó đang hoành hành, phát triển mạnh tại nước Ðức. Thánh Phêrô có công rất lớn vào thế kỷ XVI tại Ðức vì ngài đã dùng tư tưởng đạo đức, chân chính theo Giáo lý của các tông đồ làm cho một số đông tại nước Ðức còn trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô. Thánh nhân đã sống những năm tháng còn lại cuộc đời tại thế ở nước Thụy Sĩ miền Fribourg.
Với những công lao to lớn đóng góp cho Giáo hội với chỉ một mục đích duy nhất là làm vinh danh Chúa Kitô. Thánh nhân đã cống hiến biết bao sinh lực, công sức, tài năng qua các bài giảng thuyết, các sách vở đạo đức mang tính thần học sâu xa và chính thống. Thánh nhân đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/12/1597. Ngài thọ được 76 tuổi. Giáo hội đã tưởng thưởng công lao của ngài vì những nhân đức và tư tưởng sâu sắc của ngài về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Tin Mừng cứu độ là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Sai. Năm 1925 vì những công lao to lớn và tư tưởng sâu sắc, chân chính của ngài, Ðức Giáo hoàng Piô XI đã phong ngài lên bậc hiển thánh và ban cho ngài tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh.