Đức Tổng giám mục Giáo phận Huế thăm trẻ em khuyết tật
Tinh thần dân tộc của đồng bào Công giáo đã sớm biểu lộ khi Cố Tổng Giám mục Giáo phận Huế Nguyễn Kim Điền thể hiện niềm vui đất nước được giải phóng. Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền viết: “Tôi đang sống trong một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và xã hội chủ nghĩa… Là người Công giáo, tôi trọn vẹn là một công dân đất nước, hãnh diện chia phần vinh dự của cả dân tộc anh hùng và phấn khởi trong việc xây dựng quê hương giàu đẹp với đồng bào các giới,...".
Phát huy tinh thần dân tộc mà Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã khẳng định, ngày nay, các tu sĩ và bà con giáo dân đang tích cực “sống đạo giữa đời” qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và xây dựng quê hương thông qua những chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tập thể, cá nhân Công giáo đã trở thành những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới như Giáo xứ Hương Phú (huyện Nam Đông); thực hiện tốt chính sách dân số, sinh sản có trách nhiệm ở giáo xứ Phước Tượng (huyện Phú Lộc), xứ Sơn Công (huyện Hương Trà), Thanh Tân (huyện Phong Điền); bảo vệ an ninh Tổ quốc ở giáo xứ Phủ Cam (thành phố Huế), xứ An Vân (huyện Hương Trà)…
Hoạt động từ thiện bác ái là việc làm thường xuyên của giới Công giáo Thừa Thiên - Huế, được các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao. Tiêu biểu như: Phòng khám từ thiện Kim Long do các nữ tu phụ trách, hàng tuần khám và điều trị miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân. Bình quân mỗi năm, phòng khám này hỗ trợ khám, điều trị cho khoảng 20.000 lượt người, không phân biệt tôn giáo, trong đó có nhiều người nghèo. Các nữ tu như: Nguyễn Thị Hoàn, Huỳnh Thị Lý, Đoàn Thị Thủy (Dòng Thánh Phao lô- TP Huế) và hơn 20 tình nguyện viên, bằng tình yêu thương đã âm thầm chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung ương Huế. Theo nữ tu Huỳnh Thị Lý, người hơn 10 năm nay chăm sóc bệnh nhân AIDS, mỗi lần làm những việc nhỏ bé đó cho người anh em, chính là làm cho Thiên Chúa. Những việc làm âm thầm của các nữ tu và tình nguyện viên đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, giảm sự kỳ thị đối với người có “H”, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS của Nhà nước.
Nhiều giáo xứ đã vận động nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm để xây dựng, sửa chữa hàng trăm căn nhà cho người nghèo, người có gia cảnh khó khăn, tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Nổi bật có các giáo xứ: Phủ Cam (thành phố Huế), Nước Ngọt (huyện Phú Lộc), dòng Thánh Phao lô...
Xứ Phủ Cam từ hơn 20 năm nay vẫn duy trì “Hũ gạo tình thương”. Mỗi gia đình giáo dân, mỗi bữa bớt một nắm gạo để Hội đồng Giáo xứ đem giúp người nghèo, không phân biệt tôn giáo. Hàng tháng, “Hũ gạo tình thương” đã cung cấp cho 15 cụ già, người có tuổi bị tật nguyền, hoàn cảnh cô đơn không nơi nương tựa, mỗi người từ 16-20 kg gạo. Hàng năm, Quỹ “Vì người nghèo” của giáo xứ vận động được gần 220 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Tết đến, Hội đồng Giáo xứ lại tới thăm hỏi, hỗ trợ vật chất cho những người bất hạnh, trẻ em mồ côi…
Tại một số huyện miền núi, nơi bà con Công giáo đến xây dựng vùng kinh tế mới, nay đã trở thành xứ đạo khang trang như: Xứ Hương Phú (huyện Nam Đông), xứ Sơn Thủy trên đỉnh Trường Sơn (huyện A Lưới). Bà con giáo dân nơi đây sống đạo chan hòa với đồng bào các dân tộc thiểu số: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều..., giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số về kỹ thuật sản xuất, hội nhập văn minh văn hóa, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc trên quê hương mới.
Theo ông Hoàng Trọng Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên - Huế: Toàn tỉnh hiện có khoảng 58 nghìn người Công giáo. Ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, nhiều linh mục đã tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan dân cử như các linh mục: Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Kim Bính, Trần Văn Quý, nữ tu Nguyễn Thị Điền…. Đồng bào Công giáo Thừa Thiên - Huế đã và đang tăng cường tình đoàn kết cùng nhân dân hưởng ứng các chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Các dòng tu, giáo xứ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tham gia phong trào “Dân vận khéo”, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Sự gương mẫu chia sẻ các vấn đề cộng đồng của các tu sỹ đã trở thành động lực để cộng đồng giáo dân tích cực sống "tốt đời, đẹp đạo” trong môi trường xã hội hội nhập và phát triển.