Lm Chủ tịch UBĐKCG Tp. Đà Nẵng trao quà người nghèo
Giáo họ Tùng Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) và khu E tái định cư giáo xứ Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) có hơn 90% dân số theo đạo Công giáo. Tháng 11/2012, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Đã Nẵng đã xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình: “Khu dân cư văn hóa- nông thôn mới- sống tốt đời đẹp đạo” tại Tùng Sơn và “Khu dân cư văn hóa- văn minh đô thị- sống tốt đời đẹp đạo” tại khu E tái định cư giáo xứ Cồn Dầu. Lễ phát động thực hiện 2 mô hình trên được tổ chức vào ngày 11 và 12/11/2012 với sự tham dự của đại diện Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc thành phố, linh mục quản xứ, đại diện các dòng tu và hơn 450 hộ gia đình Công giáo thuộc giáo họ Tùng Sơn và khu tái định cư giáo xứ Cồn Dầu. Trong bầu không khí đầm ấm, thân thiện, bà con giáo dân được trực tiếp tham gia ý kiến, đề xuất phương pháp thực hiện.... Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Đà Nẵng, linh mục Nguyễn Hùng đã mời gọi giáo dân tham gia, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của người Công giáo trong khối đoàn kết để giúp nhau phát triển kinh tế,thăng tiến con người, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Lời mời gọi đó đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con giáo dân. 100% gia đình giáo đăng ký thực hiện.
Bà con giáo dân Tùng Sơn và khu E tái định cư giáo xứ Cồn Dầu họp bàn ngay để xây dựng các quy ước thi đua, kết hợp với thực hiện chương trình “5 không 3 có” của thành phố. “5 không”, đó là : Không có hộ đói; Không có người mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của. “3 có”: Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị. Các hộ tự nguyện đăng kí, khi tổng kết, các gia đình tự công khai bình xét. Với cách làm này, phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa- nông thôn mới sống tốt đời đẹp đạo”, “Khu dân cư văn hóa- văn minh đô thị sống tốt đời đẹp đạo” đã phát huy được ý thức tự giác, lòng tự trọng của bà con giáo dân và vai trò tổ chức của tập thể.
Tại thôn Tùng Sơn có 129 hộ, trong đó 117 hộ Công giáo. Qua đánh giá ban đầu, thôn có 96% gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa và tiếp tục giữ vững được danh hiệu Thôn văn hóa. Đặc biệt, Tùng Sơn đã trở thành điểm sáng về an ninh trật tự của huyện Hòa Vang với cái tên phong tặng: “Xóm đạo bình yên”. Tùng Sơn bình yên đến mức, ban ngày rất ít những ngôi nhà cửa đóng then cài, dù có người ở nhà hay không. “Người dân trong thôn không lấy cắp bất cứ cái gì của nhau, dù vật lớn hay nhỏ, có giá trị hay không. Giáo dân sống lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”, Trưởng Công an xã Hòa Sơn Trần Văn Sa cho biết. Theo ông Sa, giáo dân Tùng Sơn đã phát huy được nét riêng trong đạo đức Công giáo để xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI: Người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt: Tôn trọng pháp luật, hoàn thành trách nhiệm công dân, hưởng ứng các hoạt động từ thiện xã hội do Mặt trận Tổ quốc phát động, trong đó nổi bật là nghĩa cử bác ái như cưu mang đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lầm lỡ, không phân biệt lương- giáo vươn lên ổn định cuộc sống.
Khối đại đoàn kết ở Tùng Sơn đang ngày càng gắn bó, nhất là trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11). Hằng năm vào ngày này, đồng bào Công giáo nơi đây dù ở xa hay gần đều về tề tựu tại nhà văn hóa thôn, của ít lòng nhiều cùng nhau đóng góp tổ chức văn nghệ và bữa cơm đoàn kết...
Tại khu E tái định cư giáo xứ Cồn Dầu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có gần 400 gia đình Công giáo. Bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đồng lòng chung sức xây dựng khu dân cư mới văn minh và thân thiện môi trường, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Phát huy tinh thần yêu thương, phục vụ theo Tin Mừng Kitô giáo, mỗi giáo dân là một chứng từ về nếp sống đạo, thể hiện qua việc làm cụ thể: Đoàn kết lương giáo, giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn.
Nhờ có tinh thần cộng đồng liên đới, bác ái, nên bà con nơi đây dễ dàng hòa mình trong cuộc sống mới, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào giúp nhau phát triển ngành nghề, dịch vụ được bà con chú trọng và tham gia có hiệu quả. Các gia đình từng bước ổn định cuộc sống mới, việc học hành của con em được đảm bảo, một số học sinh nghèo được bà con giúp để có đủ điều kiện đến trường, đặc biệt là phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được giữ vững, 100% thanh niên trong độ tuổi tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tệ nan xã hội gần như không có. Hiện nay, khu định cư mới giáo xứ Cồn Dầu có trên 87% gia đình Công giáo và 4/4 tổ dân phố được công nhận là “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa”.
Linh mục Nguyễn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Đã Nẵng cho biết: Mô hình “ Khu dân cư văn hóa- nông thôn mới sống tốt đời đẹp đạo” và mô hình “Khu dân cư văn hóa- văn minh đô thị sống tốt đời đẹp đạo” đã khẳng định những kết quả tích cực ban đầu, trong đó có vai trò quan trọng. Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Đà Nẵng sẽ nhân rộng mô hình này, từng bước đưa mô mình này vào đời sống cộng đoàn giáo dân, nhằm xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa đạo và đời để giáo xứ, quê hương ngày một văn minh, tiến bộ.