Năm 2007 niềm hy vọng của những người mù do các bệnh lý giác mạc đã được thắp sáng lên khi cụ Nguyễn Thị Hoa, một giáo dân ở giáo xứ Cồn Thoi (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) là người đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Từ đó đến nay, trên cả nước đã có 151 người hiến tặng giác mạc, trong đó có 108 người ở huyện Kim Sơn. Năm 2012 Kim Sơn có 17 người hiến giác mạc. Hiện có 6740 người ở Kim Sơn đã đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Ông Phạm Văn Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, hầu hết những người hiến tặng giác mạc là người theo đạo Công giáo. Huyện Kim Sơn có 160 nghìn người Công giáo, chiếm 47% dân số của huyện. Đây cũng là địa bàn tập trung gần 70% số người theo đạo Công giáo của tỉnh Ninh Bình. Linh mục An tôn Đoàn Minh Hải (chính xứ Cồn Thoi) là người tiên phong giảng giải giúp cho người dân xóa bỏ được định kiến về tâm linh, thay đổi nhận thức để tự nguyện hiến tặng giác mạc khi qua đời. Ngoài linh mục Hải, các linh mục: Đinh Công Dũng (giáo xứ Văn Hải), Nguyễn Hồng Phúc (giáo xứ Cách Tâm), Mai Ánh Hồng (giáo xứ Tân Khẩn)… cũng tích tham gia giảng giải để giáo dân hiểu về việc hiến tặng giác mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, TS- BS Nguyễn Xuân Hiệp- Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới những người hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người khác. Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc và gia đình người hiến giác mạc luôn được Bệnh viện Mắt Trung ương và xã hội ghi nhận, trân trọng, coi đây là những món quà quý báu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để lại cho người còn sống.“Cả nước có khoảng 300.000 người mắc bệnh về mắt cần được ghép giác mạc. mỗi năm lại có thêm khoảng 15.000 người bị mù mới do bệnh lý giác mạc. Mặc dù, Bệnh viện Mắt Trung ương đã phát động phong trào hiến giác mạc từ nhiều năm nay nhưng kết quả chưa được nhiều. Chúng tôi cũng hy vọng, với tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam thì ngày càng nhiều người tham gia hiến giác mạc”, TS-BS Nguyễn Xuân Hiệp cho biết.
TS-BS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Ngân hàng Mắt- Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thu nhận giác mạc của người hiến là bóc tách một lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, chứ không phải lấy toàn bộ nhãn cầu nên sau khi thu nhận giác mạc, khuôn mặt người hiến hoàn toàn không có gì thay đổi. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25 - 30 phút) cho nên không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tang lễ của gia đình người hiến. Bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời không phụ thuộc vào giới tính…Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như: Ung thư hay đái tháo đường, kể cả người phải đeo kính thuốc, từng phẫu thuật mắt vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Những trường hợp không thể hiến tặng giác mạc là chết không rõ nguyên nhân, viêm gan do virus cấp tính, nhiễm trùng máu, bệnh vàng da, bệnh dại, uốn ván, tả, HIV/AIDS và ung thư tại mắt.
Tin, ảnh: An Luých