Giáo xứ khởi sắc
Hải Lập có lịch sử hình thành từ năm 1914, khi một số gia đình Công giáo đến sinh sống tại làng Hới, (nay là phường Quảng Tiến- thị xã Sầm Sơn- Thanh Hóa). 10 năm sau, nơi đây được thành lập họ đạo Hới, rồi đổi tên thành họ đạo Hải Thôn với 60 giáo dân. Năm 1995, giáo họ Hải Thôn sát nhập vào giáo họ Tân Lập lấy tên là giáo họ Tân Hải với tổng số nhân danh của cả hai họ là 1600 người. Cuối năm 2007, Đức Giám mục Giáo phận Thanh Hóa quyết định nâng Tân Hải lên thành xứ đạo, sát nhập thêm giáo họ Cá Lập và giáo họ Triều Dương, lấy tên giáo xứ mới là Hải Lập. Hiện Hải Lập có hơn 1970 giáo dân, do linh mục Gioan Baotixita Trịnh Quốc Vương làmquản xứ. Khi còn là họ đạo, Hải Lập gặp khó khăn do nhà thờ chật hẹp.
Giáo dân Hải Lập vững đức tin
Được Tòa Giám Mục quan tâm, chính quyền tạo điều kiện, Mặt trận Tổ quốc tham mưu hướng dẫn, năm 1995 giáo dân đã tiến hành đại tu lại nhà thờ với diện tích xây dựng 640 mét vuông. Nay khách hành hương có dịp về về Hải Lập sẽ được chứng kiện những khởi sắc của một xứ đạo nằm ngay cạnh trung tâm du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa: Nhà thờ khang trang, khuôn viên được mở rộng, các hội đoàn sinh hoạt đều đặn và lòng đạo mỗi ngày được củng cố, nhà cửa khang trang, ngõ phố sạch sẽ. Con em được quan tâm học hành… “Hải Lập luôn ý thức được giá trị của đời sống đức tin, cũng như phát triển kinh tế và văn hóa trong giáo xứ. Đó là những đóng góp vào bức tranh sống đạo đầy màu sắc của giáo phận, cùng cộng đoàn các giáo xứ vững bước tiến về Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa”, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thanh Hóa Đặng Chí Công cho biết.
Giáo dân tiêu biểu
Hải Lập có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, du lịch và các dịch vụ liên quan. Hầu hết giáo dân nơi đây đều làm nghề đánh bắt, chế biến hải sản và kinh doạnh du lịch. Nhiều người năng động đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu thuyền công suất lớn, ngư cụ để đánh bắt xa bờ. Một số gia đình làm giàu từ kinh doanh và chế biến hải sản, trong đó có gia đình anh Ngô Văn Năm, người nhiều năm làm Trùm cả giáo xứ Hải Lập.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1985, trở về quê hương với bao khát vọng làm giàu, anh Năm nghĩ tới câu “rừng vàng biển bạc” và tìm cách khai thác giá trị tài nguyên quý giá đó của biển cả. Từ ý chí đó, anh đi vào tìm hiểu thực tế bằng những chuyến đi biển cùng những ngư dân trong xã. Qua nhiều chuyến đi, anh nhận ra rằng, tôm cá đánh bắt mãi nó cũng ít đi, đến lúc phải ra khơi xa mới có nhiều tôm cá và mới có cá to… Anh quyết định làm bước bứt phá: Mạnh dạn vay vốn, cùng anh em trong gia đình mua 2 tàu công suất lớn trị giá cả tỷ đồng để bám biển dài ngày. Sau đó anh tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng sản xuất đá lạnh và dịch vụ cung ứng dầu diezen cho tàu thuyền. Ba năm đầu làm đá lạnh, mỗi năm anh thu lời cả trăm triệu đồng. Sản lượng cá cũng vượt trội so với nhiều ngư dân địa phương. Từ thành công ban đầu này, anh Năm mua thêm 2 xe ô tô tải đông lạnh để thu mua hải sản. Có những đêm vợ chồng anh thu mua tới 300 tấn hải sản các loại. Hiện anh đã phát triển thêm một bước đó là xây dựng khu tổ hợp chế biến nước mắm, sản xuất đá lạnh, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp dầu diezen cho tàu thuyền đánh cá. Với tổ hợp sản xuất, kinh doanh trên anh cho biết, mối năm anh thu lãi cả trăm triệu đồng.
Có được những đồng tiền chính đáng từ chính sự nỗ lực của bản thân và gia đình, anh Năm không quên những người gặp hoàn cảnh khốn khó như đồng bào bị thiên tai, người già không nơi nương tựa… Hằng năm anh đều ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo như quỹ Vì người nghèo, quỹ Khuyến học- khuyến tài, ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông; cùng giáo xứ cứu trợ đồng bào bị bão lũ, thăm hỏi những người có già yếu… Cùng các ban ngành địa phương tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự. Anh Năm tâm sự: “Mình là một giáo dân nhưng trước đó còn là một công dân nên luôn ý thức việc chấp hành pháp luật, hoàn thành trách nhiệm công dân, chu toàn bổn phận giáo dân và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam phát động” . Anh Năm vinh dự được Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sầm Sơn khen thưởng vì có nhiều thành tích trong bảo vệ an ninh quốc phòng vùng giáo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo. “Anh Ngô Văn Năm cùng với giáo dân Hải Lập luôn đoàn kết thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, là một hạt nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời đẹp đạo, góp phần vào sự khởi sắc của xứ đạo và sự phát triển của phường Quảng Tiến”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sầm Sơn Nguyễn Xuân Lý cho biết.
An Luých