Cẩm Xuyên có 7 xứ đạo, 14 họ đạo với 14.000 nhân khẩu (chiếm 9,1% dân số toàn huyện) sinh sống trên địa bàn 42 thôn, xóm. Bằng tấm lòng của người Công giáo kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, bà con giáo dân ở huyện Cẩm Xuyên luôn đồng sức, đồng lòng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt bà con đã bện chặt khối đại đoàn kết lương - giáo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thành tích trước hết phải kể đến là những nỗ lực làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho mình, cho xã hội. Nhiều mô hình kinh tế, nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh đã xuất hiện trên vùng đất vốn nghèo khó này. Đó là anh Nguyễn Văn Tịnh ở hợp tác xã khai thác đá Cẩm Trung doanh thu hằng năm đạt 10 tỷ đồng; hay anh Phạm Văn Bình ở xứ Vạn Thành xã Cẩm Thạch có 4 xe tải chở vật liệu xây dựng, kinh doanh gạch doanh thu mỗi năm đạt 170-200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động trong vùng; mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Chiến xứ Ngô Xá xã Cẩm Quang cũng cho thu nhập khoảng 200 triệu/năm…và còn nhiều hộ làm ăn kinh tế khác nữa, sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh tế và sản xuất kinh doanh đã đưa tỷ lệ hộ giàu, khá ở các xứ, họ đạo tăng lên đáng kể, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con giáo dân, giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện.
Bên cạnh đó, với vai trò của mình, các cấp chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp vận động các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Các tổ chức đoàn thể cũng đã đứng ra tín chấp hàng tỷ đồng cho bà con vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ có nguồn vốn, hàng trăm hộ gia đình giáo dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm tàu thuyền, ngư cụ khai thác, đánh bắt thủy hải sản, cải tạo ao đầm, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở mang ngành nghề, dịch vụ. Điển hình nhất là đánh bắt chế biến hải sản ở xứ Nhượng Bạn, xã Cẩm Nhượng, nuôi trồng thủy sản ở xứ Vĩnh Phước xã Cẩm Phúc, xứ Quèn Đông xã Cẩm Lộc, phát triển nghề mộc ở xứ Ngô Xá, xã Cẩm Quang, chế biến vôi sò ở xứ Mỹ Hòa, xã Cẩm Hòa, chăn nuôi gia xúc, gia cầm kết hợp trồng cây lâm nghiệp ở xứ Lạc Sơn, xã Cẩm Minh.
Kinh tế đi lên, cuộc sống khấm khá đã tạo điều kiện cho cuộc sống văn hóa của những người Công giáo Cẩm Xuyên có dịp được phát triển, bà con giáo dân đã phát huy tinh thần đoàn kết ra sức thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống khu dân cư", tiêu biểu và thiết thực nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa và phong trào làm giao thông nông thôn. Đến nay toàn huyện có 5 thôn vùng giáo được công nhận là thôn văn hóa cấp tỉnh, các phong trào thể thao ở các xứ đạo, họ đạo ngày càng phát triển, văn nghệ cũng được chú trọng để phục vụ trong những ngày lễ của giáo xứ cũng như địa phương. Đặc biệt là công tác khuyến học khuyến tài đã được quan tâm chú trọng. Nhiều xứ đạo, họ đạo đã xây dựng được nguồn quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng để trao tặng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, vận động các em học sinh không may mắn gặp hoàn cảnh khó phải bỏ học trở lại trường. Nhờ đó, tình trạng con em vùng giáo bỏ học đã được hạn chế rất nhiều. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng lên. Từ năm 2007 đến nay đã có 139 em học hệ cao đẳng, 30 em đại học, trên đại học có 1 người. Tiêu biểu nhất là ở xứ Quèn Đông ở xã Cẩm Lộc và xứ Vạn Thành xã Cẩm Thạch.
Một thế mạnh và thành tích nổi bật của giới Công giáo Cẩm Xuyên là các hoạt động bác ái, từ thiện với rất nhiều hình thức phong phú. Từ việc giúp đỡ các thí sinh dự thi đại học, quyên góp ủng hộ các nạn nhân bị thiên tai ở cả trong nước và nước ngoài đều được tích cực hưởng ứng, chẳng hạn như ông Nguyễn Tuấn thuộc xứ Vạn Thành năm 2010 ủng hộ 100 triệu đồng cho bà con bị thiên tai lũ lụt, tết Nguyên Đán năm 2012 tặng 100 suất quà trị giá 20 triệu đồng và gần đây nhất là ủng hộ làm đường bê tông cho nông thôn mới 30 tấn xi măng. Đồng bào Công giáo cũng hưởng ứng nhiệt thành “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Xây nhà đại đoàn kết”…
Trong thời gian tới, với những gì đã đạt được, Công giáo huyện Cẩm Xuyên phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 13-15%, thu nhập bình quân đầu người 18-20 triệu đồng/người/năm; phấn đấu đưa tỷ lệ sinh vùng giáo xuống 1%; hằng năm có 75% số hộ đạt gia đình văn hóa; 80% khu dân cư vùng giáo đạt tiên tiến, không có khu dân cư yếu kém; tất cả các xứ, họ đạo trong huyện không có tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, bạo hành gia đình, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bà con giáo dân Cẩm Xuyên tâm niệm rằng “Sống làm người tín hữu trung thành của hội thánh chúa Kito và làm người công dân tốt của Tổ quốc”, chính vì vậy những người Công giáo nơi đây đã vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình. Nắm bắt xu thế của thời kỳ hội nhập để mở mang, phát triển kinh tế là một trong những điểm mạnh của giáo dân Cẩm Xuyên. Về các vùng giáo Cẩm Xuyên hôm nay chúng ta sẽ nhận diện ngay được sự đổi thay mạnh mẽ của miền quê này.