Theo thống kê, Kiện Khê có 98,2% gia đình đăng kí thi đua thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”. Năm 2009 có 91,5% gia đình đạt gia đình văn hoá, trong đó có nhiều gia đình Công giáo được cấp tỉnh, huyện công nhận đạt gia đình văn hoá. Hàng năm, thị trấn Kiện Khê đều tổ chức tôn vinh các gia đình văn hoá vào ngày hội đoàn kết toàn dân tộc 18/11. Người Công giáo đã nhận thức và thực hiện tốt việc sinh sản có trách nhiệm, nhiệt tình ủng hộ đồng bào bị bão lũ, quỹ vì nạn nhân chất độc da cam, xây đài tưởng niệm núi Chùa với tổng số tiền 100 triệu đồng, trong đó sự đóng góp ủng hộ của người Công giáo chiếm tỷ lệ lớn.Thông qua chính quyền cơ sở, các đoàn thể, các tổ chức Công giáo đã thành lập các tổ hoà giải, các tổ đoàn kết Công giáo, góp phần giải quyết sớm những vướng mắc và bất hoà trong cộng đồng dân cư ngay tại địa phương, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người, góp phần làm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Giáo dân các xứ đạo cũng tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quyết định 89 của UBND tỉnh Hà Nam. Các đám cưới, đám tang tổ chức gọn nhẹ văn minh, tiết kiệm. Các sinh hoạt tôn giáo diễn ra trang nghiêm, việc xây dựng sửa chữa nhà thờ, cơ sở tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Quyết định 20 của UBND tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, trong hai ngày 23 và 24/11/ 2009 lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo hội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã cử hành trọng thể tại giáo xứ Sở Kiện. Ước tỉnh có khoảng 8 vạn người từ khắp mọi miền đất nước và cả người nước ngoài về tham dự. Chính quyền và các đoàn thể đã phối hợp thực hiện các biện pháp an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế nhằm đảm bảo cho lễ khai mạc Năm Thánh diễn ra trang nghiêm và an toàn. Đảng uỷ thị trấn Kiện Khê đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo năm 2009-2010 và những năm tiếp theo. Ban thường vụ Huyện uỷ tổ chức toạ đàm về dân vận khéo trong công tác tôn giáo, Thông tư 17 của Huyện uỷ về lãnh đạo công tác tôn giáo.
Về kinh tế, các hộ giáo dân đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển thiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhiều người Công giáo đã thành lập công ty, doanh nghiệp, trang trại vì vậy thu nhập bình quân đầu người trên năm đã tăng rõ rệt từ 12,1 triệu đồng năm 2008 lên 16,3 triệu đồng năm 2009. Nhiều hộ Công giáo đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Kinh tế phát triển, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư nên bộ mặt thị trấn đã khang trang, trật tự xã hội đảm bảo, khối đại đoàn kết được tăng cường.