Gương điển hình

TRÊN THIÊN ĐƯỜNG, CHA CÓ HAY CHĂNG?

Cập nhật lúc 14:07 22/01/2013

 

- Việc của Quang để mặc cha lo liệu. Cha sẽ tạo mọi điều kiện và cơ hội để Quang trưởng thành.
Cha còn nói với anh nhiều điều nữa. Cha nói cha sẵn sàng tạo cho tôi những cơ hội tốt nhất. Anh đi rồi, tôi tiếp tục những ngày tháng bình thường của cuộc đời sinh viên. Những tuần bận học, cuối tuần tôi đến với Cha. Những tuần rảnh rỗi thì tôi ở hẳn tại nhà xứ. Ở đó, tôi cũng chẳng phải làm việc gì. Cha giao cho tôi một nhiệm vụ, đó là... đọc sách. Tôi phải tranh thủ đọc, nghiền ngẫm các sách về tôn giáo, cụ thể là các sách về Đạo Công Giáo. Tôi phải đọc Kinh Thánh Cựu Ước, Kinh Thánh Tân Ước, Giáo lí và các tài liệu về thần học. Khi đọc xong mỗi quyển, Cha đều thẩm vấn để xem tôi đọc và hiểu đến đâu. Mặc dù, có những vấn đề tôi nắm không được chắc chắn lắm nhưng Cha cũng có vẻ hài lòng. Cha bảo:
   - Một người không tôn giáo mà hiểu được chừng ấy cũng là tốt lắm rồi.
Cha rất tin tưởng ở tôi và giao cho tôi những nhiều việc khác nữa. Tôi sắp xếp sách vở trong thư viện, tiếp khách, chuẩn bị đồ lễ. Mỗi khi đi xa trong các dịp lễ chầu ở các xứ trong địa phận, Cha đều bảo tôi đi cùng. Cha muốn tôi phải thấm nhuần các nghi thức của người Công giáo. Ngoài việc quản xứ, Cha còn giữ chức vụ Trưởng ban kiến thiết địa phận Vinh, dạy môn giáo lí và thần học ở Đại Chủng Viện (Trường đào tạo linh mục) ở Xã Đoài. Cha bảo với mọi người rằng: Cha nghèo nên chẳng nhận đỡ đầu được cho ai, chỉ nhận một mình Quang để giúp đỡ. Tôi biết, Cha hi vọng nhiều ở tôi, nhưng Cha chẳng vội nói ra. Cha chờ tôi trình bày một cách tự nguyện. Một lần, Cha nói:
     - Nếu Quang muốn vào Đại Chủng Viện hoặc đi Pháp học thì cũng có cơ hội đó. Cha sẽ giúp đỡ.
Tôi im lặng. Tôi biết Cha buồn nhưng không thất vọng. Lòng tôi dạo ấy đầy những mâu thuẫn. Mấy lần về quê, tôi trình sự việc bày với bố mẹ tôi. Cứ mỗi lần nghe xong, bố mẹ cứ giật nẩy mình. Bố nói:
     - Cha tốt như vậy thì mình sống để dạ chết mang theo. Còn theo con đường của Cha thì không làm được đâu con ạ. Làm thế ảnh hưởng đến gia đình, nhất là các em. Chúng nó còn nhỏ và còn đang đi học.
Tôi biết, giai đoạn này lương giáo còn đang có cái hố ngăn cách lớn. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Mấy lần, Cha về thăm gia đình tôi đều có người nhắc nhở. Ông cựu bí thư đảng ủy xã ở trong xóm tôi mấy lần trao đổi với bố tôi chuyện này. Ông ta tỏ thái độ không đồng tình. Tôi biết bố không đồng ý với những định kiến của họ. Họ cho rằng: quan hệ với những người Công giáo, nhất là những linh mục thì coi như là có tư tưởng phản động. Tôi biết bố thương tôi, bố hiểu tôi. Bởi vì, từ nhỏ tôi là đứa con ngoan, biết vâng lời cha mẹ, biết giúp đỡ gia đình trong công việc. Từ khi đi học, tôi luôn là học sinh giỏi của trường. Lên cấp 3, tôi vẫn là học sinh giỏi tỉnh môn Văn và môn Ngoại ngữ. Tôi vượt qua các kì thi quan trọng không quá khó khăn. Đặc biệt, bố biết tôi là người theo chủ nghĩa hữu thần: tôi tin vào linh hồn, tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế...Thực sự, tôi thừa nhận: tôi là người của chủ nghĩa duy tâm. Tôi tín thác vào một Đấng Chí Tôn.
     Năm tháng dưới mái trường Đại học sư phạm Vinh rồi cũng kết thúc. Những ngày tôi sắp tốt nghiệp, tôi có bắt gặp được nỗi buồn trong ánh mắt của Cha. Tôi im lặng. Tôi không dám đề cập đến những điều Cha đã từng đề cập ngày trước. Tôi thừa nhận mình không đủ bản lĩnh để vượt qua chính kiến gia đình, chưa vượt qua được những định kiến của xã hội. Còn Cha, Cha không đề cập đến, vì Cha muốn tôi hoàn toàn tự nguyện. Tôi thấy mình thật có lỗi, tôi thấy mình đã phụ lòng Cha. Nhưng đến một hôm, trong bữa cơm, Cha nói với tôi một cách bình tĩnh, chắc là đã chuẩn bị trước:
      - Cha đã suy nghĩ về việc của con rồi. Cha sẽ làm thủ tục hồ sơ để con đi Pháp học tập. Sau đó sẽ dần tính tiếp. Việc này, con không phải bận tâm, Cha sẽ nhờ người lo liệu.
      Tôi không bị bất ngờ trước sự việc này. Nhưng tôi trĩu nặng sự phiền muộn. Bởi tôi biết Cha kì vọng ở tôi nhiều điều, còn tôi rốt cuộc chẳng làm được gì theo ý Cha. Tôi thấy mình là kẻ lợi dụng lòng tốt của Cha. Do đoán định được từ trước, có được sự chuẩn bị, tôi trả lời:
     - Con cảm ơn Cha về những ưu ái Cha đã dành cho con. Con rất muốn đi Pháp theo sự sắp đặt của Cha. Nhưng từ nhỏ, con được bố mẹ nuôi ăn học, bố mẹ cũng hi vọng nhiều ở con. Nguyện vọng của bố mẹ là muốn con trở thành một thầy giáo dạy chữ, dạy người. Cha hãy cho con một thời gian với nghề sư phạm để bố mẹ yên lòng, để không bỏ phí những gì mình đã học ở trường sư phạm. Rồi một ngày nào đó, con sẽ làm theo sự sắp đặt của Cha.
    Tôi nói với tâm trạng chồng chất bao nỗi phiền muộn. Tôi biết sắp tới đây phải đối mặt với bao lo toan, thách thức: nào xin việc, nào mưu sinh, nào lo liệu công việc gia đình giúp bố mẹ. Cha yên lặng chốc lát rồi nói:
       - Được rồi, mọi việc tùy con lựa chọn, cách nào cũng là giúp đời, giúp người. Khi nào con thấy có thể trở lại chuyện này thì cứ bày tỏ với Cha.
     Tôi tốt nghiệp, về nhận công tác ở một trường miền núi còn nhiều khó khăn. Tôi háo hức, hồ hởi với nghề dạy học của mình. Tôi đã làm cho ông bà, bố mẹ tôi vui, cả các em tôi nữa. Nhiều lúc rảnh rỗi, tôi lại nhớ tới Cha. Tôi vẫn đau đáu ấp ủ dự định: chỉ dạy học một thời gian rồi lên đường đi Pháp học. Cha và tôi vẫn thư từ đều đặn hàng tuần. Cha dặn dò nhiều thứ, trong đó luôn nhắc tôi phải trau dồi ngoại ngữ, giáo lí và Kinh Thánh...
     Một hôm, tôi nhận được một bức thư ngắn ngủi khác với mọi lần. Nội dung bức thư bảo tôi gắng thu xếp công việc vào Cha gặp để trao đổi chuyện quan trọng. Cách nói khác với mọi lần, nhìn nét chữ run run tôi biết có chuyện chẳng lành. Chủ nhật tôi vào vào thăm Cha. Vừa bước vào khuôn viên nhà xứ, bác trùm xứ và người phục vụ Cha đã chạy đến đón tôi với giọng run run:
        - Thầy đã vào đó rồi à? Mấy ngày nay, lúc nào Cha cũng nhắc tới thầy.
Tôi vào gặp Cha mà lòng bùi ngùi, xúc động. Chỉ sau vài tháng không gặp mà trông Cha đã gầy đi rất nhiều. Nhưng trông thần thái thì vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ. Cha cười rất tươi:
    - Thế nào? Dạo này Quang khỏe không? Học trò ngoan không? Sức khỏe thế nào?
Cha hỏi nhiều điều nữa nhưng tôi cũng chỉ trả lời cho qua chuyện. Tôi thắc mắc muốn biết là Cha gọi tôi vào đây có chuyện gì mà đột ngột thế. Cơm nước xong, Cha trầm tĩnh nói với tôi:
   - Quang ạ, Cha bây giờ không còn được khỏe nữa. Vừa rồi trong người thấy mệt, đi khám, các bác sĩ kết luận Cha bị bệnh ung thư. Tuổi 64 cộng với căn bệnh làm Cha rất mệt. Các bác sĩ điều trị cho Cha tại nhà xứ đây luôn.
    Câu nói của Cha làm tôi thật sự choáng váng. Chả lẽ Cha bị ung thư thật sao? Trông thần thái vẫn nhanh nhẹn và bình thản thế cơ mà! Tôi chợt nhớ nhiều lần Cha nói với tôi: “Con người phương Đông bình thản lắm. Khi già, người ta bắt đầu lo hậu sự, mua sắm quan tài trong nhà sẵn sàng, còn người phương Tây, việc sắm quan tài là một ám ảnh đáng sợ hãi”. Cha nói thế có nghĩa là: không nên sợ hãi cái chết. Cái chết là một quy luật của tự nhiên, việc gì đến sẽ đến. Vì vậy hãy chào đón một cách vui vẻ và bình thản.
   Thấy tôi đang lúng túng và rất đỗi phân vân, Cha nói trấn an:
       - Không sao đâu Quang à! Bác sĩ nói ít nhất Cha cũng sống được bốn năm nữa. Chỉ cần từng ấy năm, Cha cũng làm được khối việc cho Quang rồi. Cứ yên tâm đi.
    Câu nói của Cha cũng chẳng làm cho tôi vui hơn được là bao. Đối với tôi lúc này, Cha giúp tôi điều gì không còn quan trọng nữa. Tôi buồn và đau đớn vì tôi biết với căn bệnh quái ác đó thì Cha không còn sống được bao lâu nữa. Tôi thương Cha vì Cha là một linh mục chân chính mà tôi cùng chung sống và làm việc trong một thời gian dài. Cha hiền lành, điềm tĩnh, sáng suốt và chăm chỉ trong công việc. Cha thường nói: “Làm linh mục là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Tôi khâm phục Cha ở đức tính khiêm nhường và giản dị ấy. Tôi rất lấy làm lạ là Cha khác với những linh mục mà tôi đã từng gặp trong những lần đi công cán với Cha. Đó là Cha không bao giờ đề cập đến chuyện chính trị hay những vấn đề nóng của chính quyền hay xã hội. Đối với Cha, linh mục là phải chăn chiên cho tốt, cho họ sự bình tâm, làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn. Đó là ý nguyện của Chúa giao cho các tông đồ của Người. Chỉ có như vậy thì mới làm vui lòng Chúa.
       Càng nghĩ về tấm lòng nhân hậu của Cha, cũng như kỉ niệm giữa Cha và tôi, tôi càng tan nát cõi lòng. Nước mắt tôi chảy từ bao giờ. Cha bảo tôi không nên buồn như vậy. Đó là ý của Chúa. Cha bảo hơi buồn vì có bao dự định chưa thực hiện được, trong đó có việc của tôi. Để xóa đi cái không khí ảm đạm ấy, Cha cố mỉm cười:
     - Thôi đừng nói chuyện hiện tại nữa, ta nói chuyện tương lai.
Câu chuyện tạm thời sang hướng khác, nhưng dần dà lại quay về chuyện dang dở giữa hai chúng tôi. Cha nói nghiêm trang:
     - Con à! Việc của Cha thì phải ắt thế rồi. Con cũng đừng buồn. Cha đã sắp xếp xong việc của con. Cha đã nhờ linh mục khác là bạn thân của Cha sẽ lo liệu cho con. Ngày mai chúng ta sẽ đi gặp và làm việc cụ thể. Mà con cũng nên xúc tiến đi là vừa, đừng chậm quá, kẻo sau này vất vả. Theo Cha trước mắt con nên đi Pháp học đã, ít năm sau về chắc chắn sẽ trưởng thành hơn. Ở bên đó, Cha cùng đã nhờ người giúp đỡ.
     Cha nói một cách chắc chắn, nhiệt thành, hào hứng như đã định đoạt tất cả cho tôi. Ý của Cha là tôi không nên thay đổi, chần chừ và do dự. Con đường Cha đã vạch sẵn đầy thuận lợi. Đây là cơ hội cuối cùng Cha dành cho tôi, trước khi Cha về nước Chúa.
     Lần này thì tôi hoang mang thật sự. Tôi có cảm giác mình không còn đường thoái lui. Vả lại, tôi không muốn Cha phải buồn thêm nữa trong những ngày cuối đời này. Đầu óc tôi rối bời và lại đầy mẫu thuẫn. Cha bị bệnh là một đau đớn đối với tôi rồi, bây giờ lại phải nói lời từ chối để Cha lại buồn thêm ư? Thú thật, khi đến thăm Cha lần này, biết Cha bị bệnh hiểm nghèo như vậy thì tôi không còn mong muốn thêm điều gì nữa. 
     Cha nói xong, tôi đáp lại một cách buồn rầu và run run, ấp úng:
           - Cha ạ, con biết Cha rất ưu ái và thương con nhiều lắm. Cha muốn nhiều điều tốt đẹp cho con. Con rất xúc động, vì con là một người ngoại đạo, vậy mà từ ngày gặp nhau, Cha đã nhận con, hết lòng giúp đỡ con. Ơn này, con sống để dạ, chết mang theo. Chừng nào Cha còn sống thì con sẽ đi lại với Cha. Còn Cha mất thì con lại về với con đường của con. Đời này, con chỉ theo Cha, còn đến với người khác (dù Cha đã phó thác) thì thật sự con không muốn. Xin Cha chấp nhận cho sự lựa chọn này của con. Con biết đã làm Cha thất vọng và rất buồn về con. Xin Cha tha lỗi cho con!
    Cha im lặng. Ánh mắt Cha rất buồn và nhìn về phía xa xăm. Cha biết đây là lần cuối cùng Cha đề cập chuyện này, và câu chuyện cũng không có kết cục theo ý muốn. Tôi thấy mình có lỗi biết bao nhiêu. Tôi dằn vặt, tự trách mình vì đã làm Cha buồn. Tôi thấy mình đã được nói một cách thật lòng, nhưng rồi sự thật lòng ấy cũng không làm tôi thanh thản. Im lặng một hồi lâu, tôi mới biết mình nước mắt đã tràn mi.
    Đêm ấy, tôi ở lại với Cha trong nhà xứ. Cha nói hơi mệt nên đi nghỉ sớm. Còn tôi thì cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi nhớ bao kỉ niệm ở nơi này. Bốn năm ở đây ăm ắp bao chuyện buồn vui. Tôi nhớ những đêm hành lễ, tôi cùng phục vụ giúp Cha, nhớ những lần cùng Cha đi các xứ khác có lễ chầu, nhớ những chiều hai người ra vườn ngắm cây cối, hoa lá và xem đàn cá dưới ao, nhớ những giờ ăn cơm cuối tuần đông đúc, vui vẻ vì có nhiều khách đến thăm... Bao kỉ niệm cứ hiện về làm tôi buồn man mác. Tôi chợt nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi ngủ lại nơi này. Cái giường nhỏ gắn với tôi trong một thời gian dài tại đây, đêm nay cũng gợi cho tôi bao nỗi niềm chua xót.
     Sáng hôm sau, khi còn mờ đất, tôi ra khỏi phòng ngủ thì thấy Cha đã ngồi ở phòng khách với một tư thế rất mệt mỏi. Tôi nói với Cha hôm nay phải về sớm vì trong nhà có việc. Cha bảo để Cha cho người sửa soạn bữa sáng, ăn xong hẵng về. Tôi từ chối với lí do bây giờ còn sớm quá, còn mờ đất. Cha chấp nhận miễn cưỡng rồi lấy mấy thứ quà cho tôi. Cha bảo quà Cha biếu gia đình tôi. Tôi cứ nhận mà không nói được gì, bởi vì lúc này tôi tôi đang rất buồn. Tôi chào Cha và dắt xe ra cổng. Cha vừa tiễn vừa dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe, chăm lo công việc, thỉnh thoảng rỗi thì vào chơi. Cha cũng không quên gửi lời thăm hỏi gia đình tôi. Tôi lên xe đi một quãng xa mới ngoái đầu nhìn lại, vẫn thấy Cha còn đứng đó. Trong bóng tối mờ ảo, tôi thấy bóng hình Cha thật mong manh, dấy lên trong tôi một niềm xót thương vô bờ...
    Sau vài tháng, vào một buổi chiều thu, tôi nghe người quen báo rằng Cha đã mất rồi. Tôi vội vã sắp xếp công việc để vào Cha lần cuối cùng. Khi tôi đến thì Cha đã về nước Chúa. Tôi hụt hẫng, đau đớn tột cùng...Tôi không ngờ Cha lại ra đi nhanh thế. Hôm chia tay, Cha vẫn cứ nói đi nói lại rằng: ít nhất Cha còn sống bốn năm nữa. Tuy tôi ngờ ngợ là khó được bốn năm nhưng tôi không nghĩ là có thể nhanh như vậy. Những người ở bên Cha nói rằng: Buổi chiều ấy, Cha bảo mệt lắm, khó sống thêm được nữa. Cha cho người chuẩn bị hậu sự và bàn giao một số công việc cho người khác. Khoảng 7 giờ tối, Cha ngồi trên chiếc ghế bành, người lả dần rồi tắt thở. Cha ra đi thầm lặng, điềm tĩnh và thanh thản trong sự bất ngờ và tiếc thương của những người ở cạnh Cha đêm hôm đó. Tính Cha là vậy, không bao giờ phàn nàn, than vãn, kể cả những lúc khó khăn nhất, đó là đối mặt với cái chết. Trong hôm tiến hành lễ tang, bác Liên (người thường gần gũi với Cha) có nói với tôi rằng:
     - Trước khi mất mấy ngày, Cha có nhắc đến thầy. Cha bảo khi nào thầy vào thì vẫn đón tiếp như ngày Cha còn sống. Cha rất nặng tình, nặng nghĩa với thầy.
    Lời nói ấy càng làm cho tôi đau đớn hơn. Tôi càng cảm thấy có lỗi với Người. Trong những giờ phút lâm chung, tôi cũng không có mặt bên cạnh người mà tôi tri ân và kính trọng.
    Cha đã từ giã thế giới này vào năm 1998, vào một ngày mùa thu an bình đầy nắng và gió, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà Chúa đã phó thác. Kể từ ngày đó, tôi mất một người cha linh hồn kính yêu, mất một chỗ dựa tin cậy, mất một người bạn chân thành, tri kỉ. Ngày nay, mỗi lần vào thành phố Vinh, tôi đều đến viếng Cha, thắp cho Cha nén hương để biểu lộ sự biết ơn chân thành sâu sắc. Cha đã yên nghỉ, còn tôi vẫn tiếp tục cho hành trình của mình. Những lời Cha dặn, tôi vẫn ấp ủ và mang theo. Tôi cố gắng làm một người chân chính để khỏi phụ tấm lòng mong muốn của Người. Giáo xứ nơi này đã có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế. Cảnh quan đã khác xưa. Khu vườn, ao cá đã được cải tạo, những dãy nhà mới được xây thêm. Bên cạnh ngôi mộ của Cha có thêm những ngôi mộ mới được chuyển về xây cất khang trang. Đó là những người mà ngày trước có công với giáo phận, có nhiều người nổi tiếng, trong đó có trí thức yêu nước Nguyễn Trường Tộ...Trên mộ chí, tấm hình Cha với một nụ cười rạng rỡ, nụ cười đầy niềm lạc quan, vui vẻ đang hướng về tôi. Nụ cười ấy như đang khích lệ, động viên tôi, làm cho tôi tan biến những âu lo. Ánh mắt và nụ cười ấy đem đến cho tôi một sự thanh thản vô cùng. Mỗi lần thắp nén hương, tôi đều nói với Cha:
     - Kính lạy Cha! Con lại đến thăm Cha đây. Con luôn nhớ đến công ơn của Cha, nhớ những điều tốt đẹp Cha đã dành cho con. Đối với con, những ngày sống bên Cha là những hồi ức đẹp đẽ nhất. Con cầu mong Cha sẽ tiếp tục theo hành trình của con, chỉ dẫn cho con vững bước trên cuộc đời này! Trên thiên đường, Cha có hay chăng?
     Nói rồi, tôi ngẩng mặt lên nhìn trời cao. Tôi có cảm giác Cha đang ở trên đó nhìn xuống tôi. Tôi cảm nhận được một sự an bình. Mặc dù, Cha không còn sống bên tôi nữa, nhưng bầu trời thì vẫn xanh...
Mai Quang
Thông tin khác:
Vị linh mục làm cầu nối đạo- đời (18/01/2013)
Thái Bình: Phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” đạt được kết quả quan trọng (15/01/2013)
Ninh Bình: Đồng bào Công giáo vươn lên làm giàu và xây dựng đời sống văn hóa. (24/12/2012)
Giáo họ Đông Phú, điểm sáng về “xây dựng nông thôn mới” (22/12/2012)
Trịnh Xuân Giáo, giáo dân xứ Yên Đại (Nghệ An) năng động trong kinh tế và có tấm lòng bác ái (16/12/2012)
Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc. (09/12/2012)
Phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự ở giáo xứ Nam Trực, tỉnh Nam Định (09/12/2012)
NGƯỜI GIÁO DÂN LÁI XE ÔM KIÊM ĐỒNG ĐẲNG VIÊN TUYÊN TRUYỀN HIV (30/11/2012)
Đồng bào giáo dân Can Lộc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (06/11/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log