Gương điển hình

Trồng cây gây rừng

Cập nhật lúc 11:22 14/02/2022
Cựu chiến binh Vừ Chả Chống chia sẻ kinh nghiệm ươm và trồng cây cho người dân địa phương. Ảnh: CTV
Cựu chiến binh Vừ Chả Chống chia sẻ kinh nghiệm ươm và trồng cây cho người dân địa phương. Ảnh: CTV
20 năm trước, ông đã bắt đầu kế hoạch trồng cây sa mu, pơ mu trên đất trống, đồi trọc. Ông Chống chia sẻ: “khoảng năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi trở về quê hương và không khỏi trăn trở khi cuộc sống gia đình và người dân địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, càng xót xa hơn khi thấy bà con mình vì cuộc sống mưu sinh mà phải chặt phá cạn kiệt rừng xanh lấy đất làm nương rẫy. Những loài cây gỗ quý như pơ mu, sa mu cũng bị đốn hạ để bán gỗ cho thương lái với giá rẻ mạt”.

Thực trạng gia đình, bản làng khiến cho ông Chống nhiều đêm liền không thể ngủ ngon giấc. Ông luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế nâng cao cuộc sống gia đình và bắt tay trồng lại rừng. Một thời gian sau khi trở về, CCB Vừ Chả Chống lên UBND xã Huồi Tụ xin nhận một diện tích đất trống đồi trọc, vốn do gia đình khai hoang trước đó với mục đích phát triển kinh tế lâu dài. Khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, người CCB dân tộc Mông dựng lán tạm ở luôn trên rẫy. Bước đầu, ông cùng các thành viên trong gia đình vẫn gieo lúa nương để đảm bảo lương thực và bắt đầu làm chuồng trại, vay vốn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, gà… Người dân địa phương thấy ông thức khuya, dậy sớm, lao động quần quật suốt ngày trên nương rẫy như không muốn nghỉ ngơi.

Sau hơn 4 năm lao động miệt mài chăm chỉ, đời sống kinh tế gia đình của ông Chống dần ổn định. Đến đầu năm 2000, người CCB dân tộc Mông này bắt đầu thực hiện kế hoạch tiếp theo của mình – trồng lại rừng sa mu, pơ mu. Thời điểm đó, ở địa bàn xã Huồi Tụ gần như không còn giống của các loại cây gỗ quý nữa. Ông phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm đi vào những khu rừng già nguyên sinh ở các bản làng thuộc xã Na Ngoi, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) để tìm, bới từng cây con trồng thử. “Tôi tìm đến những cánh rừng pơ mu, sa mu cổ thụ với hy vọng sẽ tìm được cây giống mọc lên từ hạt trên cây rơi xuống. Dù vất vả nhưng rất vui khi phát hiện có nhiều cây nhỏ, tôi đã đào mang về đóng bầu chăm sóc đến khi cây đủ lớn mới đưa ra rẫy trồng”. Cứ như thế, sau 1 năm đầu tiên, ông đã trồng được hơn 1.000 cây sa mu, pơ mu. Nhận thấy việc đi rừng, tìm cây giống vừa tốn sức và mất rất nhiều thời gian, cựu chiến bình Vừ Chả Chống nghĩ đến việc nhặt hạt về ươm. Sau rất nhiều lần thất bại, ông Chống đã ươm giống thành công 2 loại cây gỗ quý sa mu và pơ mu, tốc độ trồng rừng cũng vì thế mà tăng nhanh. Giờ đây, sau hơn 20 năm lao động chăm chỉ, ông đã làm chủ 7 ha rừng, với trên 7.200 cây gỗ sa mu, pơ mu, có nhiều cây có đường kính một người ôm không xuể.
Viết Lam
Thông tin khác:
Thánh Gioan Boscô, linh mục (12/02/2022)
Sen Đông làm theo lời Bác (11/02/2022)
Bác sĩ Yersin vị ân nhân đất Việt (10/02/2022)
Mùa xuân với nhà tĩnh tâm hướng thiện La Vang (02/02/2022)
Dịch bệnh khó khăn thôi thúc tôi phải hành động (29/01/2022)
Bà Marouette Leclerc, người khai sinh Phong trào Hướng đạo nữ của Pháp (18/01/2022)
Một gia đình trao tặng hơn 1 Tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid - 19 (08/01/2022)
Hai anh em ruột anh hùng dân tộc (07/01/2022)
Phú Thượng - Xứ đạo kiểu mẫu (06/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log