Gương điển hình

Vĩnh biệt vị mục tử nhân lành

Cập nhật lúc 15:37 29/07/2016
Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1935 trong một gia đình Công giáo nghèo, đạo đức tại vùng nông thôn Nam Bộ thuộc họ đạo Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, là vùng đất trồng dứa, trồng dừa, mía, chanh, chuối,… với bài hát “Vàm Cỏ Đông” nổi tiếng.
Thân phụ của ngài là ông cố Phêrô Nguyễn Văn Trông, bà cố là Maria Đoàn Thị Phận; gia đình có 6 người con, 4 trai và 2 gái, trong đó có hai người làm linh mục là Giuse Nguyễn Hiếu Lễ và Phêrô Nguyễn Công Danh. Bà cố của ngài là cháu 4 đời của thánh linh mục tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý.

…Con đường đi theo Chúa, làm môn đệ

Năm 1940, cậu bé Danh cắp sách đến trường học của họ đạo Lương Hòa, được các Sơ dạy cho văn hóa, rèn luyện nhân cách, dạy cho biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, khuôn phép lịch sự; nơi đây khắc ghi đậm nét bao kỷ niệm tuổi thơ của xóm đạo, đường làng, bờ đê, rặng dừa, con kênh, rạch cái, khúc mương quen thuộc. Cha sở họ đạo Lương Hòa thấy cậu  ngoan hiền nên chọn vào Ban lễ sinh, vì nhà ở gần nhà thờ nên khá thuận tiện cứ sáng sớm lúc 4 giờ 30 đã có mặt ở nhà thờ để giúp lễ. Cậu Danh giúp lễ đều đặn, được cha sở quí mến.

Đến năm 1945, chiến tranh bùng nổ và ngày càng ác liệt, gia đình di tản lên Sài Gòn tạm sống và anh chị em được tiếp tục học hành.  Năm 1947, cha già Khánh là cha sở họ đạo Cầu Kho thấy cậu Danh giúp lễ và tham dự thánh lễ sốt sắng nên giới thiệu cậu vào Tiểu Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn tiếp tục con đường tu học.

Ngày 23/4/1963, sau 18 năm miệt mài học tập tại chủng viện, thầy Phêrô Nguyễn Công Danh được thụ phong linh mục. Sau khi lãnh nhận tác vụ linh mục trong 8 năm (1963-1971) đầu đời linh mục của mình, cha làm cha giáo giảng dạy môn Việt văn tại Tiểu chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.

Năm 1971 - 1982, bề trên giáo phận bài sai cha Phêrô về làm chánh xứ Mẫu Tâm, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Mẫu Tâm, trước đây là một họ đạo lẻ mới được tách khỏi giáo xứ Thuận Phát, với  trên 700 giáo dân nghèo, phần lớn từ khu vực nhà cháy ở giáo xứ Vĩnh Hội chạy qua lập nghiệp. Khi nhận bài sai của bề trên giáo phận ngài về nhận giáo xứ nhìn thấy cảnh quan môi trường, vị trí của nhà thờ nhỏ bé sao mà đơn sơ, chung quanh cỏ mọc um tùm, không có tháp chuông, chỉ có nhà thờ (đúng hơn là nhà nguyện). Được sự giúp đỡ của anh ruột là linh mục Giuse Nguyễn Hiếu Lễ, sau 2 tháng cha đã xây dựng xong nhà xứ một trệt, một lầu với chiều ngang 20m, chiều sâu 5m để ở. Sau đó, ngài đi thăm tất cả các gia đình giáo dân, để làm quen với bà con, trò chuyện về công ăn việc làm, lối sống đạo của họ, cứ mỗi tối đến thăm 3 - 4 gia đình kéo dài trong 3 tháng. Kế đến cha mời tất cả các gia trưởng họp, bàn về việc tổ chức chia khu, xóm, các đoàn thể và Hội đồng giáo xứ… Thời gian phục vụ giáo xứ Mẫu Tâm được 11 năm cha đã xây dựng, sắp xếp công việc mục vụ ổn định, sinh hoạt tôn giáo, lễ nghi mỗi ngày thêm khởi sắc.

Trong thời gian ở giáo xứ Mẫu Tâm còn rất nhiều dự liệu mà cha đang ấp ủ, ưu tư, thao thức, năm 1982 bề trên lại bổ nhiệm cha về làm chính xứ Xóm Chiếu kiêm Hạt trưởng hạt Xóm Chiếu - một giáo xứ có bề dày lịch sử lâu năm với trên 11.000 giáo dân. Công việc mục vụ nhiều hơn, cách tổ chức phải qui mô hơn, cách quản lý phải đa dạng hơn, phải đầu tư công sức nhiều hơn. Cha đi thăm các gia đình giáo dân, trước hết là các vị trong Ban chấp hành (14 giáo khu, 3 giáo họ lẻ) sau đó là bà con giáo dân. Có lần một người lớn tuổi, mắt kém tâm sự: “Khi dự lễ, có nghe cha giảng, nhưng không nhìn thấy mặt cha, nay cha đến thăm gia đình, tôi mới thấy cha tận mắt, tôi hết lòng cám ơn cha”. Trong công tác mục vụ thăm viếng, cha luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của họ về việc điều hành các hoạt động trong giáo xứ, điều gì cần giữ, điều gì phải bỏ trong các sinh hoạt tôn giáo. Trên cơ sở đó, cha sở triệu tập toàn thể Hội đồng mục vụ giáo xứ, hỏi ý kiến các thành viên, tiến hành soạn thảo nội qui Hội đồng mục vụ giáo xứ để có cơ sở cho hoạt động của giáo xứ sau này (lúc này chưa có Quy chế Hội đồng mục vụ giáo xứ) nhưng sinh hoạt của Hội đồng mục vụ giáo xứ Xóm Chiếu đã dần được củng cố và hoạt động hiệu quả.
 
Sau hơn 9 năm coi sóc giáo xứ Xóm Chiếu, năm 1991 vâng lời bề trên, cha về làm chính xứ Thị Nghè (một địa danh có từ lâu đời trong lịch sử 300 năm Sài Gòn - Gia Định) kiêm linh hướng cho các thầy Đại chủng sinh. Lúc bấy giờ giáo xứ Thị Nghè rất phức tạp, nội bộ giáo xứ mất đoàn kết, chia rẽ trầm trọng, bè phái chống đối kịch liệt, một số giáo dân quá khích kéo lên Tòa Tổng Giám mục kiện cáo lung tung, cảnh quan môi trường nhếch nhác, có cả một hộ vô gia cư ở ngay trước cửa nhà xứ, nấu nướng, phơi quần áo, mất mỹ quan. Tiếp quản một giáo xứ lớn, lại có nhiều vấn đề phức tạp, rối ren như bòng bong, việc đầu tiên là cha cầu nguyện và giao cho cha phụ tá  tạm quyền quản lý giáo xứ trong 3 tháng đầu, cha chỉ làm mục vụ bí tích. Để có thời gian cha đi thăm các gia đình để hiểu rõ tâm trạng của họ trong tình hình có cha sở mới. Cha thấy con đường để giải phóng giáo xứ ra khỏi tình trạng này là làm sao cho giáo dân cộng tác với các cha xứ, xem việc giữ gìn nhà thờ, nhà xứ như việc của chính mình, mỗi người phải có trách nhiệm cùng với các cha cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày càng thăng tiến. Cha đã triệu tập hội nghị tiếp xúc với các tổ chức nòng cốt trong xứ đạo để tổ chức bầu Ban hành giáo mới; Thông qua dự thảo nội quy Hội đồng giáo xứ và kế tiếp là củng cố các đoàn thể tông đồ. Nhờ vậy mà guồng máy giáo xứ hoạt động đều đặn và rất hiệu quả trên đà phát triển tốt đẹp. Giờ đây, giáo xứ Thị Nghè đi đến bến bình an, mọi người vui vẻ hợp tác, xây dựng xứ đạo bình yên, tình hình xứ đạo hoàn toàn được đổi mới.
 
Cha cố Phêrô Nguyễn Công Danh chúc mừng nhà dòng Thánh Tâm và các tân chức linh mục tại thánh lễ tạ ơn ở giáo xứ Thị Nghè (tháng 9/2012).
 
Suốt 34 năm làm cha sở, cha luôn gần gũi giáo dân, để chăn dắt, dạy dỗ, an ủi, nâng đỡ, chu toàn nhiệm vụ mục tử của đoàn chiên. Ngày 8/8/2013, cha được bề trên giáo phận cho nghỉ hưu. Cha bàn giao nhiệm sở cho cha sở mới để được nghỉ ngơi trong an bình. 

Trở lại với thời gian, ngày 8/5/1997, cha làm linh giám Senatus Legio Mariae. Trong thập niên 90 hoạt động Legio Mariae trong tình trạng khó khăn Đức cha Giám quản Nicolas Huỳnh Văn Nghi điện thoại cho cha Phêrô: Xin cha làm linh giám Senatus cho - vì Tổng giáo phận đang cần? Cha biết tính Đức cha, đã quyết định là quyết định nên cha đã vâng lời: “Xin Đức cha cầu nguyện cho con trong chức vụ mới”. Cha ý thức lời trong Thư chung Hội đồng Giám mục năm 1980 ngỏ lời các các linh mục: “…. Xin anh em hãy cùng chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Tổ chức Legio Mariae tạm dịch là “Đạo quân của Đức Mẹ”. “Đạo quân” trong ý nghĩa đối với Công giáo là “một tập họp người” không dùng vũ khí kim loại chiến đấu, mà dùng lời cầu nguyện, cầu cho thế giới được hòa bình, và làm các việc bác ái, từ thiện của Đức Mẹ Maria, chăm lo cho người nghèo, người bất hạnh,…

Tổ chức Legio Mariae đã hoạt động dưới sự lãnh đạo của cha Tổng linh hướng Legio Mariae suốt 17 năm (1997-2014), và hiện nay tổ chức đã được củng cố hoạt động trên khắp 26 giáo phận của cả nước.

Con đường đồng hành cùng dân tộc…
 

Chuyện kể rằng cha Phêrô Nguyễn Công Danh đi hành hương cùng với 35 người thăm Đất Thánh Palestin, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp từ ngày 23/3 tới 6/4/1975 thời điểm sắp tới ngày 30/4/1975 có người không muốn trở về vì tâm lý lo sợ chiến tranh, nhưng cha Phêrô quyết định trở về Việt Nam, vì cha có trách nhiệm với giáo xứ Mẫu Tâm. Khi về lại giáo xứ Mẫu Tâm, có người hỏi: “Sao cha ở lại Rôma, về Việt Nam cha không sợ cộng sản hay sao? Cha Phêrô bình tĩnh trả lời: Ai nói thế, làm gì có việc đó ? Chúng ta cứ bình tĩnh hoạt động tôn giáo bình thường”. Chỉ thị của giáo quyền rất rõ: Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình có văn thư gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Tổng giáo phận Sài Gòn, ngài kêu gọi tất cả các linh mục phải có trách nhiệm với đoàn chiên của mình, không được rời nhiệm sở, bỏ đoàn chiên mà trốn chạy. Cha yên tâm và động viên bà con giáo dân sinh hoạt bình thường không có gì xáo trộn.
 

Thực hiện đường hướng mục vụ theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, ngày 17/01/1980, cha tham gia tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, rồi huyện Nhà Bè, quận 4, quận Bình Thạnh và TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1998 đến nay, cha là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.

Nhìn lại quá trình dấn thân vào hoạt động xã hội của cha Phêrô tham gia lao động sản xuất “Tổ mì sợi Rạng Đông”, hội nhập vào môi trường sống của xã hội mới. Cha cùng các tổ viên vắt than đá trộn bùn để nung lò sấy mì sợi, nói cười vui vẻ. Họ thấy làm lạ ngạc nhiên: Sao ông linh mục này chịu khó và bình dân thế !

Sau này, khi thuyên chuyển qua giáo xứ Xóm Chiếu, Thị Nghè cha tham gia làm đại biểu HĐND, ủy viên UBMTTQVN quận 4, quận Bình Thạnh rồi đại biểu HĐND TP, Ủy viên UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh trong nhiều khóa; từ năm 2008 đến nay là Phó chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Cha sống chan hòa, gần gũi với mọi người nhất là người dân trên địa bàn dân cư; chia sẻ lo lắng, ưu tư, thách đố, phiền muộn của bà con giáo dân trong giáo xứ của người mục tử nhân lành vì đàn chiên thân yêu.

Trên cương vị nào, cha Phêrô cũng sống hiền hòa, tận tâm phục vụ, gặp gỡ, bàn bạc dân chủ, chân thành, không khoe khang tự mãn mà chỉ khiêm tốn làm đầy tớ phục vụ mọi người theo Lời Chúa dạy quả là một mục tử nhân lành.

Thực hiện phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” mà cha đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Chúa, cho Giáo hội và đất nước. Chúng ta luôn trân trọng những công lao đóng góp to lớn đó của cha đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cha vinh dự đã được Nhà nước, MTTQVN tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nay tuổi đã già, sức đã yếu, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được y, bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng Chúa đã gọi cha về lúc 21 giờ 15’ ngày 27/7/2016 tại Bệnh viện Thống Nhất - TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi, sau 53 năm linh mục. Chúng ta cầu xin Chúa thương xót, tha thứ cho linh hồn cha Phêrô để cha sớm được đoàn tụ cùng các thánh trên quê trời.
 
Simon Lại Văn Miễn
 
TIỂU SỬ
Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh


 
Sinh ngày 13 tháng 9 năm 1935 tại Lương Hòa, Bến Lức, Long An.
Thụ phong linh mục ngày 23/4/1963 tại Sài Gòn.
1935 – 1945: Thời thơ ấu ở với gia đình tại Lương Hòa, Bến Lức, Long An.
1945 – 1946: Theo gia đình lên Sài Gòn.
1947 – 1956: Học phổ thông trung học tại Tiểu chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.
1956 – 1963: Tu học tại Đại chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn.
Công tác mục vụ:
- 1963 – 1971: Sau khi thụ phong linh mục, dạy học tại Tiểu chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn.
- 1971 – 1982: Chính xứ Mẫu Tâm, xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè (nay thuộc quận 7, Tp. Hồ Chí Minh).
- 1982 – 1991: Chính xứ Xóm Chiếu, kiêm Hạt trưởng hạt Xóm Chiếu, quận 4, Tp. Hồ Chí Minh.
- 1991 – 2013: Chính xứ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, kiêm linh hướng cho các thầy Đại chủng sinh.
 - 1997 – 2013: Linh giám Senatus Việt Nam.
- 2013 đến nay: Nghỉ hưu.
Công tác xã hội:
            - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ 2008 - nay).
            - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ 1994 - nay).
            - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh (từ 1998 - nay).
            - Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IV, VI.
- Ủy viên Ban vận động Công giáo Tp. Hồ Chí Minh (1980 – 1983).
            - Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1983 đến nay).
- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa IV (2003 – 2008)
- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa VI, VI (2008 - nay).
            - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hồ Chí Minh khóa IV, V, VI,VII (1998 - nay).
            - Đại biểu HĐND huyện Nhà Bè khóa II, III, IV; quận 4 khóa V, VI; quận Bình Thạnh khóa VII.
-  Ủy viên UBMTTQVN huyện Nhà Bè (1997 – 1982), quận 4 (1982 - 1991), quận Bình Thạnh (1991 – 2013).
            Do có nhiều có nhiều công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dụng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba, Nhì; Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc và nhiều Bằng  khen của Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh.

 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:
Linh mục có 3 kỷ lục Việt Nam (04/07/2016)
Đồng bào Công giáo sẵn sàng cho ngày hội lớn của dân tộc (21/05/2016)
Luôn hết mình vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc (19/11/2015)
Hiệp sỹ Đại Thánh giá: Tình yêu dân tộc và tình yêu Giáo hội luôn là động lực trong các hoạt động tốt đời, đẹp đạo (06/10/2015)
Báo Người Công giáo Việt Nam thăm anh hùng Đỗ Văn Chiến (27/04/2015)
Chiếc vỏ chăn nghĩa tình của người anh hùng "Tiểu đội xe không kính" (25/04/2015)
Toà Giám mục Xã Đoài chúc mừng huyện Can Lộc nhân dịp Tế Ất Mùi (15/02/2015)
Một giáo dân tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (27/01/2015)
Gia đình Công giáo gương mẫu thực thi tân Phúc Âm hóa gia đình (13/01/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log