Gương điển hình

Trăn Trở nơi xứ đạo người H’Mông

Cập nhật lúc 15:42 09/01/2012

Con đường từ thị trấn Sa Pa đến Hầu Thào và Lao Chải chưa đầy 10 cây số nhưng nhiều dốc cua khúc khuỷu, có chỗ nước suối chảy cắt ngang đường. Thỉnh thoảng những đứa trẻ dân tộc HMông vẫn chân đất bấm qua nước lạnh tê tái để xuống chợ bán mấy thứ lặt vặt, theo mẹ lên nương tìm rau củ. Các em mới dăm tuổi nhưng sương gió của núi rừng đã bồi nên tính dạn giày trên từng khuôn mặt nhếch nhác và sạm đen… Các em còn rất nhỏ nhưng đã thuộc từng con suối, biết cả lối mòn trong rừng, nhiều em còn lưu loát những câu tiếng Anh chuyên để chèo kéo khách du lịch…

Hầu Thào có khoảng 800 giáo dân, Lao Chải 1200 giáo dân, họ sở tại Sa Pa 300 giáo dân. Hầu hết giáo dân là người dân tộc HMông nghèo. Nhà nguyện Hầu Thào dựng năm 2005, là căn nhà cấp bốn lợp ngói hết sức sơ sài. Ông  Má A Lử, cán bộ xã Hầu Thào, Thư ký Hội đồng giáo xứ Sa Pa cho biết, Lao Chải và Hầu Thào là hai giáo họ thuộc giáo xứ Sa Pa (giáo phận Hưng Hóa). Nơi đây không chỉ giáo dân nghèo, cán bộ cũng nghèo, trong đó Hầu Thào là xã có số hộ nghèo cao nhất so với 17 xã vùng cao của huyện. Từ bao năm sống chung với đói nghèo, bữa ăn vẫn phải độn ngô, độn củ rau rừng nhưng cả cán bộ và người dân đều chưa tìm được hướng thoát nghèo. Công việc thường ngày của người dân là trồng trọt và chăn nuôi nhưng trình độ canh tác còn thấp lắm, chủ yếu theo phương pháp nuôi trồng tự nhiên dựa theo địa hình núi rừng, khái niệm sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp còn xa lạ. Vì vậy, cái nghèo cứ đeo bám đời cha sang đời con, trong khi đó nhiều hủ tục cũng vẫn còn nặng nề. 
  
Mặc dù đã có hương ương, nhưng tình trạng tảo hôn, thách cưới, ăn cỗ nhiều ngày trong đám cưới vẫn phổ biến ở Hầu Thào và Lao Chải. Con trai 16, 17 tuổi cưới vợ; con gái 14, 15 tuổi gả chồng. Việc cưới vợ, gả chồng thiên nhiên như chính câu trả lời gọn lỏn của các ông bố khi giải thích về lí do tảo hôn: “Nhà tao hết người làm nương rồi”. Chính quyền biết là tảo hôn nhưng cũng đành để họ cưới, khi nào đủ tuổi đăng kí kết hôn thì đến chính quyền xã làm thủ tục.
Linh mục Phê rô Phạm Thanh Bình- Chính xứ Sa Pa đã vận động thực hiện tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, quy định không được thách cưới quá 5 triệu đồng, không tổ chức ăn uống say sưa trong đám tang… nhưng tình trạng tảo hôn và các hủ tục chỉ giảm chứ chưa hết. Linh mục Bình cho biết, có trường hợp một cháu nữ mới 14 tuổi và một thanh niên 17 tuổi cùng gia đình đến xin linh mục làm phép cưới (nghi thức hôn phối). Sau khi được linh mục phân tích về tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, những nguy cơ nếu cưới mà chưa đủ tuổi quy định, gia đình đã đồng ý không để con mình tảo hôn. Nhưng không ngờ sau đó, hai đứa trẻ đã rủ nhau bỏ nhà đi…
Sở dĩ những hủ tục vẫn còn nhiều ở Hầu Thào, Lao Chải là bởi dân trí của đồng bào còn quá thấp. Hầu hết họ không biết chữ, số người học hết phổ thông chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Dân trí thấp tới mức, vài năm trước khi Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lào Cai lên Hầu Thào làm công tác tình nguyện, giúp người H'Mông sửa đường giao thông, sửa nhà, làm nhà vệ sinh. Buổi tối, đoàn dùng máy phát điện để chiếu một số phim về đất nước, về giải phóng miền Nam, về vị lãnh tụ của dân tộc… Người dân ở các bản rủ nhau đến xem rất đông nhưng chỉ là xem cho vui mắt chứ chẳng hiểu gì cả. Thậm chí, họ còn không biết những khái niệm cơ bản nhất, không biết vị lãnh tụ nổi tiếng của dân tộc… Đây chính là khó khăn trong việc đưa chính sách, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa và là điểm yếu để các phần tử xấu lợi dụng. Ví như chuyện nhiều gia đình người H Mông vì nghe theo dụ dỗ của kẻ xấu đã bỏ bê công việc để theo đạo “Vàng Chứ”. Nhiều gia đình đã bỏ bê công việc, thay nhau mổ lợn, mổ bò để đón “Vàng Chứ” về cứu thế thoát khỏi nghèo đói. Niềm tin mù quáng của một số người đã khiến họ trở thành nạn nhân của cái gọi là “đạo Vàng Chứ”...
Linh mục Bình sớm nhận ra hệ lụy của tình trạng thất học và những thách thức trong việc nâng cao dân trí cho giáo dân người HMông tại các họ đạo nên ngay từ năm 2006, khi mới về nhận xứ Sa Pa, linh mục đã tìm nhiều cách để con em giáo dân được học hành. Ngoài việc mời gọi các tấm lòng hảo tâm, linh mục còn tận dụng khuôn viên nhà thờ để làm dịch vụ trông xe, trồng rau để bán nhằm thêm kinh phí phục vụ các hoạt động khuyến học. Nhà thờ Sa Pa đã sửa chữa và tận dụng tối đa các gian nhà trong khuôn viên nhà xứ để cho con em giáo dân người H Mông ở các bản xa xôi lưu trú học hành. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của giáo xứ, một số em đã học xong cấp 3, có em tiếp tục theo học đại học, cao đẳng. 
Hầu hết giáo dân ở các họ đạo thuộc giáo xứ Sa Pa là người dân tộc  HMông nghèo, ăn chưa no, mặc chưa ấm, vì vậy vận động được con em họ đến trường là rất khó. Có người xong giờ lễ ở nhà thờ lại vào xin tiền cha xứ. Khi nào cha xứ cho tiền mới chịu về. Có em cứ chờ cha xứ cho giầy dép chứ không cần giúp đỡ đi học. Nhà thờ hiểu hoàn cảnh các em và đã nỗ lực rất nhiều, nhưng chỉ mình nhà thờ chăm lo thì không xuể. Nhà thờ cũng nghèo, nhân lực lại quá mỏng, nếu không có sự chung tay của cộng đồng để giúp các em thì tương lai các em sẽ đi về đâu? Trước khi có sự quan tâm của linh mục Bình là cả một thời kỳ dài 60 năm, giáo xứ Sa Pa không có linh mục thường trú, việc đạo, việc đời vì thế đã mai một, linh mục Bình gần như phải gây dựng lại từ đầu. Từ nền nếp sinh hoạt tôn giáo, học hỏi Lời Chúa đến việc “gieo chữ” nơi vùng cao… đều còn mênh mang, rất cần phải có sự hỗ trợ của giáo hội và xã hội.
Theo linh mục Bình, chuyến thăm giáo xứ Sa Pa của Đức Tổng Giám mục Leopol Girelli- Đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam hồi tháng 11/2012 là một tín hiệu vui, có thể tác động để quan tâm hơn tới cộng đoàn giáo dân người HMông. Đức Tổng Giám mục đã lên Hầu Thào, gặp gỡ một số gia đình giáo dân, dành thời gian cho những câu hỏi và những vấn nạn mà các linh mục đặt ra. Ngài chia sẻ cách nhiệt tình với những điều thiết thực, về tinh thần đại kết đối với một giáo phận có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ngài nhận xét, các họ đạo ở Sa Pa nói riêng, giáo phận Hưng Hóa nói chung đang còn rất nhiều khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan.
Đảng và nhà nước cũng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dân tộc và tôn giáo ở vùng Tây Bắc, trong đó khẳng định, “thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc sẽ tạo bước phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế cho vùng dân tộc và miền núi, giúp cho đồng bào về thể xác được ấm no; về tình thần được thong dong. Do vậy, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc, sớm đưa vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Trước mắt cần thực hiện tốt các chính sách 134, 135 và các chính sách khác, tạo điều kiện để đồng bào hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.
An Luých

 

Thông tin khác:
Đổi mới ở Nguyệt Đức (26/12/2011)
Phú Nhai mùa Giáng sinh về (14/12/2011)
Xã Quang Trung, điểm sáng trong bảo vệ an ninh- trật tự (11/12/2011)
Nỗ lực từ trong bóng tối. (07/12/2011)
TRƯỞNG BAN HÀNH GIÁO SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO (02/12/2011)
Gương sáng người thầy của con em giáo xứ Nghĩa Yên (24/11/2011)
Giáo họ Ban Long điểm sáng vùng giáo (22/11/2011)
Nam Định: Hội viên Hội Nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan tới tôn giáo (27/10/2011)
Têrêxa Đỗ Thị Hồng góp phần làm rạng danh một vùng quê Công giáo cần cù, hiếu học (19/10/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log