Suy tư - Chia sẻ

Tựa vào lòng Thương Xót Chúa

Cập nhật lúc 11:13 04/05/2019
Chúa nhật II Phục sinh, Hội Thánh kính trọng thể Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót đó là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thường được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay an ủi.
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”. Ảnh: TL
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”. Ảnh: TL
Trong Cựu ước, dân Itraen cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài luôn chung thủy, thương yêu, tha thứ sau mỗi lần họ phạm tội và từ bỏ Ngài (x.Is 54,8-10). 

Trong Tân ước, Chúa Giêsu hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Người giảng dạy về một Thiên Chúa là Cha hay yêu thương và tha thứ (x.Lc 15,11-32); Người đã biểu lộ lòng thương xót đối với người nghèo, người tội lỗi (x.Mc 10,47-48) và kêu gọi mọi người có lòng thương xót với nhau (x.Mt5,7). Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô để cứu độ nhân loại, cho con người trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.

Khi mừng lễ Lòng Thương xót của Thiên Chúa, Hội Thánh nhắc nhở con cái mình sứ mạng làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc: Cầu nguyện, để ý thức rằng con người được cứu rỗi là do lòng thương xót của Thiên Chúa, sẵn sàng làm mọi việc tốt cho tha nhân và góp phần xây dựng xã hội công bằng, liên đới, tự do và tôn trọng nhân phẩm.

Tình yêu con người khởi đi từ việc đón nhận cái hay cái tốt nơi người khác. Rồi khi đã gắn bó với nhau qua một quá trình, người ta thấy rõ được “ai khác” ấy, không phải chỉ thấy những điều hay điều tốt mà còn đầy những điều xấu, người ta được mời gọi để trung tín với tình yêu vì đã “đồng hội đồng thuyền” với nhau. Sau cùng, đến lúc nào đó, ngay cả khi “ai khác” ấy đã mất tất cả những phẩm tính tốt đẹp, mà người ta vẫn đón nhận như là “của mình”, thuộc về mình, thì đó mới là mức độ của tình yêu quảng đại và tốt đẹp nhất.Ngược lại, tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lại khởi đi từ việc chấp nhận “ai khác”một cách vô điều kiện, hoặc hơn nữa là một tình yêu tha thứ. Chúa thương ta ngay khi ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8). Rồi Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành, liên lụy với con người trong hành trình cuộc đời một cách “trung tín”.

Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho ta thấy tất cả mọi người Do thái đều tin vào Thiên Chúa, Đấng đã phán dạy các ngôn sứ. Nhưng tin vào Chúa Giêsu với tư cách là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến mà họ chối từ lại là chuyện hoàn toàn khác. Tin vào Chúa và gia nhập cộng đoàn là hai bước đường không thể tách rời nhau. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà không đồng hành với dân mới, được Chúa cho sinh ra bởi nước và Thần Khí.

Sách Khải Huyền nói tới địa danh Pátmô là một hải đảo, nơi thánh Gioan bị lưu đày. Đó là khoảng năm 95. Ngày của Đức Chúa (c.10), ngày thánh của người Kitô hữu, ngày Chúa Phục sinh, sau ngày Sabát của người Do thái. Có ai giống như Con Người (c.13), Chúa Kitô xuất hiện, trang phục như một vị tư tế, thắt đai bằng vàng như một quân vương.Chúa Kitô hiển hiện giống như Đanien đã mô tả Thiên Chúa, Đấng phán xét muôn loài muôn vật (Đn 7,9-13). Chính Chúa là Đầu và là Cuối (Kh 1,17) và như Isaia đã viết xưa: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận” (44,6).

Chúa Kitô sống lại đem lại bình an, niềm vui cho các môn đệ. Chúa Giêsu sống lại cũng sai các môn đệ đi; như thế, sứ mạng của các ông phát xuất từ biến cố Phục sinh.

Cũng như trong cuộc sáng tạo đầu tiên, hơi thở của Thiên Chúa đã thổi sinh khí và linh hồn vào con người, thì cũng vậy, hơi thở của Chúa Giêsu thông ban sự sống cho cuộc tạo thành thiêng liêng mới. Chúa đã chịu chết để xóa bỏ tội trần gian, giờ đây để lại cho những kẻ thuộc về Người quyền tha tội. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).

Như thế niềm hi vọng của dân Chúa trong Kinh Thánh đã thành hiện thực. Thiên Chúa đã giáo dục, giúp họ khám phá rằng tội lỗi hiện diện khắp nơi. Trong đền thờ, lễ vật không ngừng được dâng tiến để làm nguôi lòng Thiên Chúa. Nhưng cả biển máu ấy không hề tiêu diệt được tội lỗi, và chính các tư tế cũng hiến dâng lễ vật cho tội lỗi mình trước khi cầu khẩn Thiên Chúa cho người khác. Nghi lễ và nghi thức đâu có thanh tẩy con tim và đâu ban được Thần Khí (x. Dt 7 -10).

Nỗi đau khổ lớn nhất của những ai đã tiến xa trong đời sống thiêng liêng là thấy mình chưa được hoàn toàn giải thoát khỏi tội lỗi. Do đó, họ cảm nhận ơn tha tội là quà tặng lớn lao nhất được ban cho Hội Thánh. Tội không chỉ là những lỗi phạm thường ngày của chúng ta, trong đó phần sai lầm và yếu đuối nữa. Tội là từ chối hay e sợ “nộp mình” cho Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có khả năng đưa chúng ta đến một cuộc sống hoàn toàn trần trụi lại hoàn toàn viên mãn.

Mùa Phục sinh mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chiến thắng tử thần để bước vào vinh quang. Trong mùa này, toàn bộ con cái Chúa biểu lộ niềm hân hoan, tín hữu không ăn chay, và luôn hát: HALLELUIA! Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh nội lực, để chúng con can đảm mau mắn và điều chỉnh lại tương quan của chúng con với Chúa với tha nhân nên tốt hơn; luôn biết tựa vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để chúng con cảm nghiệm được rằng Chúa thương chúng con vô ngần. Như một tác giả vô danh nào đó từng nói: “Chỉ khi nào bạn yêu một ai đó thật lòng, bất kể họ tốt hay xấu, bạn mới cảm nhận được vì sao Thiên Chúa lại yêu bạn đến thế”. Càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không, chúng con càng cảm nhận được ơn nhưng không của Thiên Chúa.
 
Phêrô Lôrensô Võ Quí An
Thông tin khác:
"Linh mục phải nên một với Chúa Giêsu..." (04/05/2019)
Nguồn hy vọng (23/04/2019)
Hãy đi và đừng phạm tội nữa (22/04/2019)
Chúa Phục sinh (19/04/2019)
Tôi được trở nên người đón nhận (19/04/2019)
Hãy loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (18/04/2019)
Tôi được Chúa an ủi (10/04/2019)
Lời kêu gọi hoán cải (04/04/2019)
Tôi được Chúa thương ban cho những tấm lòng (03/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log