Suy tư - Chia sẻ

Dâng mẹ hoa yêu thương khiêm nhường

Cập nhật lúc 12:41 15/05/2019
Dâng hoa kính Đức Mẹ. Ảnh: Mạnh Quyết
Dâng hoa kính Đức Mẹ. Ảnh: Mạnh Quyết
1.
Hằng năm vào dịp tháng Năm, tôi lại nhớ tới phong trào dâng hoa cho Đức Mẹ, được phổ biến tại một số giáo phận ở Việt Nam.

2.
Năm nay, vừa tới tháng Năm, tự nhiên tôi thao thức về việc tôi sẽ dâng hoa cho Đức Mẹ. Hình như chính Đức Mẹ đánh thức lương tâm tôi.
Tôi hỏi Đức Mẹ: “Mẹ muốn con dâng cho Mẹ thứ hoa gì?” Mẹ trả lời: “Hãy dâng cho Mẹ hoa yêu thương khiêm nhường”.

3.
Tôi không hiểu thứ hoa mà Mẹ muốn đó là thế nào, thì Mẹ cho tôi thoáng nhìn thấy nó qua mấy tài liệu đạo đức sau đây.

4.
Tài liệu thứ nhất là những lời cảnh cáo của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến điều tiêu cực cần tránh hiện nay trong lĩnh vực yêu thương.

5.
Đức Phanxicô rất dứt khoát về một thói xấu khá phổ biến hiện nay ngay trong Hội Thánh, đó là thói hay nói hành nói xấu kẻ khác.
Ngài gọi thói xấu đó là nguồn gây chia rẽ, là dụng cụ của quỷ Satan, là một thứ khủng bố, là một loại bom độc hại ném vào Hội Thánh.
Nói hành nói xấu là nói bậy không suy nghĩ, là viết bậy mà không rõ từ nguồn nào, là làm một việc chỉ để tìm khoái chí xấu xa.

6.
Trong cuốn “Lexique, Pape Francois, đoạn về Médisances, suốt năm trang, Đức Phanxicô khuyên mọi người trong Hội Thánh hãy triệt để tránh xa thói quen nói hành nói xấu kẻ khác.

7.
Tôi thấy Đức Phanxicô dạy tôi một điều rất cần cho yêu thương khiêm nhường. Yêu thương thì phải khiêm nhường. Mà nói xấu kẻ khác thì đâu còn là yêu thương, và đâu còn là khiêm nhường.

8.
Tài liệu thứ hai gồm một số sách về những nhân vật thánh thời nay nổi tiếng về yêu thương, như:
+ Mẹ thánh Têrêxa calculta.
+ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thành Lisieux.
+ Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
+ Cha Charles de Foucauld.
+ Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.
Đọc những tài liệu trên đây, tôi học được không phải chỉ những điều tiêu cực nên tránh, mà còn là những điều tích cực phải thực hiện trong yêu thương.

9.
Một điều tích cực quan trọng nhất, mà các vi thánh căn dặn là khiêm nhường
Khiêm nhường là phải cầu nguyện rất nhiều.
Khiêm nhường là hãy nhìn người khác bằng cái nhìn của trái tim Chúa.
Khiêm nhường là hãy lo cho những người nghèo túng, khổ đau.
Khiêm nhường là hãy chia sẻ thân phận những người cô đơn bị bỏ rơi.
Khiêm nhường là sẵn sàng hy sinh mạng sống, chết thay, để cứu kẻ khác.
Qua các tài liệu trên, tôi thấy yêu thương khiêm nhường đang trở thành một đòi hỏi cấp bách cho tu đức hiện nay.

10.
Tài liệu thứ ba là Phúc âm.
Phúc âm là tài liệu cao quí nhất và đầy đủ nhất về yêu thương khiêm nhường.
Riêng với tôi, khiêm nhường mà tôi cảm nghiệm một cách thấm thía nhất là lời thánh Phaolô đã nói về sự yếu đuối của mình.
“Tôi rất vui mừng và tự hào, vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi.
Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô.
Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. (2Cr 12, 10).
“Ơn của Chúa đã đủ cho tôi, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối”. (2Cr 12, 9).

11.
Vì thế, nếu bị quên đi, nếu bị chôn vùi, nếu bị chê trách, mà vẫn một mực mến Chúa yêu người, thì đó mới là yêu thương trong khiêm nhường thực sự.
Và đó chính là thứ hoa, mà tôi dâng lên Đức Mẹ, ngay từ đầu tháng Năm này.

12.
Theo lý thuyết, tôi xác tín điều này: Chính nhờ ơn Chúa, tôi mới có thể được là bông hoa yêu thương khiêm nhường. Chính Chúa làm nảy nở bông hoa đó trong tôi một cách thân mật, còn tôi thì phó thác mình trọn vẹn cho tình yêu Chúa.

13.
Còn trên thực tế, lúc này tôi lại thấy rất rõ: Tôi vẫn chưa yêu thương đúng và đủ. Tôi vẫn chưa khiêm nhường đủ và đúng. Tôi hết lòng xin Chúa tha thứ cho tôi.

14.
Hoa tôi dâng lên Mẹ lúc này là như thế. Xin Mẹ thương đoái nhận. Tôi tin tưởng Mẹ không chê chối, vì Mẹ là Mẹ yêu dấu của những đứa con yếu đuối hèn mọn, trong đó có kẻ hèn này.
 
ĐGM GB BÙI TUẦN
Thông tin khác:
Lời đáp trả chân thành (08/05/2019)
Đi tìm những đốm sáng hy vọng (07/05/2019)
Tựa vào lòng Thương Xót Chúa (04/05/2019)
"Linh mục phải nên một với Chúa Giêsu..." (04/05/2019)
Nguồn hy vọng (23/04/2019)
Hãy đi và đừng phạm tội nữa (22/04/2019)
Chúa Phục sinh (19/04/2019)
Tôi được trở nên người đón nhận (19/04/2019)
Hãy loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (18/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log