Suy tư - Chia sẻ

Được tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu

Cập nhật lúc 15:50 16/09/2019
Phụng vụ đề cao sự kiện thánh Gioan Baotixita bị chém đầu. Nhiều người coi đó là một vinh dự của thánh nhân, vì được thông công vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
 
"Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Ảnh: TL
"Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Ảnh: TL
1.
Phụng vụ đề cao sự kiện thánh Gioan Baotixita bị chém đầu. Nhiều người coi đó là một vinh dự của thánh nhân, vì được thông công vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

2.
Đúng là như thế. Nhưng, nếu không bị chém đầu, thánh Gioan Baotixita cũng vẫn tham dự vào cuộc thương khó Chúa.
Đó là điều Đức Mẹ dạy tôi, để tôi và biết bao con cái Mẹ hãy vững tin tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mà không cần phải đợi được đổ máu ra, như cảnh đầu thánh Gioan Baotixita bị đặt trên mâm.

3.
Thực vậy, thánh Gioan Baotixita là con thiêng liêng của Đức Mẹ. Nhờ sự Đức Mẹ đến thăm bà Isave, khi bà mang thai Gioan Baotixita, mà Gioan Baotixita được thánh hóa ngay từ đó.

4.
Khi khôn lớn và suốt đời, Gioan Baotixita vẫn được ơn theo gương Đức Mẹ. Đức Mẹ tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mà không đổ máu. Gioan Baotixita cũng chỉ mong điều đó. Chứ thực sự Gioan Baotixita chẳng bao giờ muốn khác Đức Mẹ. Khi sự việc xảy ra khác, thì Gioan Baotixita xin vâng ý Chúa mà thôi.

5.
Do vậy, khi được gọi tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tôi rất kính các vị thánh đã đổ máu mình ra để làm chứng cho Chúa, nhưng tôi vẫn nhìn Đức Mẹ như một gương mẫu tham dự vào cuộc thương khó của Chúa, mà không đổ máu. Rất nhiều người trong Hội Thánh xưa và nay vẫn nêu gương đó.

6.
Khi đọc các tác phẩm của Thánh giám mục Augustinh, tôi thấy thánh nhân tham dự vào cuộc thương khó của Chúa bằng nhiều cách, nhưng đặc biệt ở cái nhìn của ngài vào nội tâm ngài. Ngài nhìn thấy trong nội tâm ngài những bóng tối sợ hãi, những ước muốn trái ngược nhau, những cảm xúc buồn phiền. Nhưng ngài một mực cậy tin vào Chúa. Qua đó, thánh Augustinh tham dự vào những gì Chúa Giêsu đã trải qua xưa ở vườn Cây Dầu.

7.
Khi đọc cuốn tự thuật của thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, tôi thấy vị nữ tu dòng kín trẻ trung này đã tham dự vào cuộc thương khó của Chúa ngay trong chính cuộc đời kín đáo tu trì của mình. Những bệnh hoạn phần xác, những khổ đau phần hồn, những nếp sống khổ hạnh và những hướng mở ra phục vụ các người xung quanh, tất cả đều không đổ máu, mà lại mang vào mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

8.
Khi được tiếp xúc thân mật với Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy ngài có vẻ đau khổ rất nhiều. Một lần nọ, tôi mạnh dạn hỏi ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có đau khổ không?” Ngài thưa: “Tôi đau khổ nhiều lắm nhưng tôi quen rồi”. Tôi không thấy ngài mơ ước được đổ máu, nhưng chính cuộc đời mà ngài đang sống đã mang nặng cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài vẫn theo gương Đức Mẹ tham gia cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mà không đổ máu.

9.
Khi nhìn vào Hội Thánh tại Việt Nam này, ngay tại giáo phận Long Xuyên thân yêu, tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động, thấy nhiều gương sáng về sự tham dự vào cuộc thương khó của Chúa trong cuộc đời không đổ máu.

10.
Một trong những cuộc đời đó là âm thầm sống khổ đau mà lại rất cởi mở. Con đường họ đi là con đường hẹp, nhưng lại rất mở. Mở mà lại hẹp. Sự thương khó của Chúa, mà họ được tham dự là khổ đau, nhưng lại rất lo cho những người khác với yêu thương và khiêm nhường.

11.
Riêng tôi, nhận thức mình là người yếu đuối về mọi phương diện, tôi chỉ xin được tham dự vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu cách nhẹ nhất, đó là tôi hay nép mình dưới bóng của Mẹ, mà đứng dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu, để được Chúa Giêsu chia sẻ cho những tâm tình của Chúa, lúc Chúa chịu thương khó. Tâm tình đó là khiêm tốn vâng phục ý Chúa Cha, khiêm tốn phục vụ con người, để cứu con người.

12.
Ở dưới chân Thánh giá, tôi được Chúa Giêsu chia sẻ cho sự thương khó của Chúa theo lòng thương xót Chúa. Nghĩa là với mức độ hợp với sự yếu đuối của tôi, mà Chúa quá biết.

13.
Tôi đón nhận sự thương khó của Chúa một cách phó thác đơn sơ tuyệt đối, nhất là với Đức Mẹ, Mẹ yêu dấu của tôi.

14.
Giữa một thế giới coi thất hứa, thất tín là chuyện bình thường, tôi luôn thấy Mẹ và Chúa của tôi luôn trung thành với lời đã hứa.
Phúc âm chứa đầy những lời Chúa hứa dành cho những kẻ yếu đuối khổ đau có lòng khiêm nhường tin cậy vào Chúa.

15.
Từ đó, tôi được hiểu thêm là Chúa muốn chúng ta tham gia vào cuộc thương khó của Chúa và nhất là muốn chúng ta tham gia vào hậu quả của cuộc thương khó Chúa.
Hậu quả của cuộc thương khó Chúa là kho đầy tình thương xót cứu độ của Chúa. Chúa kêu gọi mọi người và mỗi người hãy đến kho tàng đó, mà hưởng ơn cứu độ.

16.
Hiện giờ, tôi đang tham dự vào cuộc thương khó của Chúa bằng sự chu toàn bổn phận, trong tinh thần khiêm tốn cầu nguyện, khiêm tốn phục vụ, nhất là khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa.
Xin anh chị em thương cầu nguyện cho tôi.

ĐGM GB BÙI TUẦN
Thông tin khác:
Vác đỡ thánh giá cho nhau (11/09/2019)
Từ bỏ để được tự do (11/09/2019)
Phiên dịch thánh ý Chúa VỀ MẸ VÀ TÔI (10/09/2019)
Tự do chọn chỗ theo ý Chúa (03/09/2019)
Dấu chỉ đạo đức: Biết lo cho những người khác (30/08/2019)
Ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người (23/08/2019)
Niềm vui được có Mẹ dẫn dắt chở che (22/08/2019)
Đức Giêsu đem đến hòa bình (15/08/2019)
Ơn gọi của những kêu than (14/08/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log