Suy tư - Chia sẻ

Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ

Cập nhật lúc 11:40 30/01/2020
Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội Việt Nam chọn ngày mồng Hai Tết để kính nhớ ông bà tổ tiên, nhưng là một sự suy tư chín mùi từ hai chữ Đạo Hiếu, là ơn Khôn Ngoan của Thánh Thần đã ban cho để chúng ta, những con cháu của các bậc anh hùng tiền nhân nhớ đến những công lao khó nhọc và ngay cả đến xương máu của các ngài đổ ra để chúng ta có được ngày hôm nay.
“Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại. Ảnh: CTV
“Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại. Ảnh: CTV

“Uống nước nhớ nguồn”, Cội nguồn của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa và được trải dài nối tiếp nơi ông bà tổ tiên và các tiền nhân, hôm nay chúng ta hân hoan đón mừng xuân mới trong hạnh phúc cũng là nhờ công lao của ông bà tổ tiên của chúng ta để lại, chúng ta cùng nhau xin dâng một nén nhang, một lời cầu nguyện và một tấm lòng hoài niệm lên hương hồn của: các thánh tử đạo Việt Nam, ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân, các bậc cha mẹ, những vị ân nhân... Đã suốt đời vì đạo Chúa, đạo làm người mà trở nên gương mẫu cho con cháu noi theo trong việc gìn giữ đức tin của mình.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải “kể lại sự khôn ngoan của các ngài” để noi theo, các ngài đã giữ các Điều răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15). Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ. Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha”; “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). 

Cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa: ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa. Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ: luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào: “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Hôm nay, cũng là một dịp để chúng ta tri ân, nhớ ơn các anh hùng dân tộc, những người có công bảo vệ và xây dựng non sông đất nước Việt Nam, Trong những ngày tết này, đặt biệt là ngày truyền thống kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, chúng ta cùng  ôn lại truyền thống hào hùng của Giáo hội Việt Nam, và cũng là một cơ hội để chúng ta làm mới lại đức tin của mình ngang qua các nhà Thừa sai truyền giáo trên mảnh đất thân yêu của chúng ta, để chúng ta được biết Chúa như hôm nay, và đặt biệt là mẫu gương của các thánh tử đạo Việt Nam. Các vị anh hùng tử đạo đã chấp nhận chết đi, máu các ngài đã thấm vào lòng Đất Việt, chắc chắn sẽ trổ sinh hoa trái. Hoa trái phát sinh từ máu các anh hùng tử đạo chắn chắn không chỉ dừng lại ở chính các vị mà còn được lan toả tới chúng ta là con cháu các ngài. Là những hậu duệ, chúng ta chắn chắn sẽ được hưởng ơn phúc của các ngài để lại. Nhờ máu các anh hùng tử đạo, Giáo hội Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển dẫu phải chịu biết bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu bách hại. Dù nhiều nước Kitô giáo toàn tòng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tục hoá và thái độ phủ nhận Thiên Chúa, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn giữ được truyền thống đạo đức của mình. Các nhà thờ vẫn còn đầy ắp người, vẫn còn nhiều người muốn trở thành người Công giáo. Hơn hết, Giáo hội Việt Nam đang được một mùa bội thu về ơn gọi, nhiều thanh niên nam nữ muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa. Những ân huệ này có được là nhờ vào máu của các anh hùng tử đạo đổ ra cho chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài, chính nhờ sự quảng đại của các ngài, chúng ta đã được lãnh nhận những ân huệ lớn lao như ngày hôm nay.
 
Lm Gioan NGuyễn Hưng
Thông tin khác:
Cầu nguyện cho năm mới (30/01/2020)
Lễ giao thừa (30/01/2020)
Đức thánh Giáo hoàng đến thăm tôi (07/01/2020)
Sự công chính hướng về Thiên Chúa (27/12/2019)
Thiện tâm mà Chúa muốn (26/12/2019)
Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại (18/12/2019)
Để Chúa hiện diện trong cuộc đời ta (13/12/2019)
Cầu xin Chúa cứu (12/12/2019)
Tin vào Lời Chúa (11/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log