Suy tư - Chia sẻ

Đấng vâng phục tuyệt đối

Cập nhật lúc 14:36 08/10/2020
Thiên Chúa muốn sự vâng phục, chứ không phải hy tế (x. 1 Sm 15,22 ; Dt 10,5-7). Ảnh: CTV
Thiên Chúa muốn sự vâng phục, chứ không phải hy tế (x. 1 Sm 15,22 ; Dt 10,5-7). Ảnh: CTV
Một con người công chính thì luôn có những lời nói và việc làm tốt đi đôi với nhau. Thật vậy, nói và làm là hai sự việc cần phải đi đôi với nhau. Nếu một người chỉ biết nói mà không biết làm thì chỉ là nói dối trước mặt Thiên Chúa và con người; ngược lại thực hành thì cũng phải thực hành những lời nói chân thật và tốt lành chứ không phải là lời nói và việc làm xấu. Lời nói và việc làm tốt, thì đẹp lòng Thiên Chúa. Thế nên, người công chính mà từ bỏ con đường tốt lành của mình để sống bất lương với Thiên Chúa và con người thì sẽ đón nhận sự chết; người sống bất lương mà biết từ bỏ con đường tội lỗi của mình mà sống công chính thì sẽ đón nhận sự sống vĩnh cửu và đó là phần thưởng xứng đáng cho những ai muốn thật sự quay đầu trở lại với con đường của Thiên Chúa. Lời Chúa trong sách Êdêkien đã cho chúng ta một sự cảm nhận về điều đó (x. Ed 18,26-27). Sự công chính luôn luôn phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài vẫn liên lỉ mới gọi con người sống đường công chính theo Người Con Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô.

Đứng trước chân lý đó, các thượng tế và kỳ mục của người Do Thái đã không tin và không đón nhận mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu kể về dụ ngôn người cha có hai người con trai. Sự liên hệ giữa người cha với hai người con chỉ là một tình yêu. Cả hai được mời gọi đi làm vườn nho đều là những người con yêu quý nhất của người cha. Nếu người cha có sự biệt đãi, thì đó chỉ là hậu quả việc làm và cách cư xử của người con đã không tốt, chứ không phải theo óc phân biệt bất công hay thiên vị của người cha. 
Tin Mừng Mátthêu đã không nhấn mạnh đến tính cách của hai người con và càng không nhấn mạnh đến điều chúng đã nói. Sự phân biệt của chúng đó chính là việc vâng lời hay không vâng lời theo ý muốn của người cha. Đứa con thứ nhất bên ngoài có vẻ cứng đầu không vâng lời nhưng tấm lòng thì tốt lành và thực hiện tốt theo ý muốn của người cha. Còn đứa con thứ hai có vẻ bên ngoài thì đức hạnh: lịch sự đến độ khúm núm, cung kính ra vẻ đạo đức thánh thiện, mau mắn vâng lời và thực hiện nhưng tấm lòng thì dối trá (x. Mt 21,28-30). Chúng ta có thể giải thích được việc thay đổi thái độ nơi người con thứ nhất bằng sự thống hối thật sự, một lòng hoán cải mở cửa ra cho ta một sự ăn năn để tạo nên niềm tin yêu thật sự.

Khi Chúa Giêsu đã nói đến sự hoán cải thật sự bằng việc làm để được ơn cứu độ thì đáng lẽ người Do Thái phải nhận ra chân lý đó nơi Con Thiên Chúa để ăn năn trở lại. Thế nhưng, họ đã không nhận ra điều đó. Chúa Giêsu đã khẳng địch “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31b). Họ là những người sống vô lề luật mà còn có thể được cứu, nhưng quan trọng họ không phải là những người không có đức tin. Để được cứu độ, họ đã chấp nhận phó thác và tin vào một con người mà ông Gioan Tẩy Giả đã rao giảng đó là Đức Giêsu.

Như vậy, họ rất gần với ơn cứu độ hơn những người biệt phái giả hình miệng nói vâng mà chẳng thực hành. Tiếng vâng của những kẻ này chỉ được cái bên ngoài cho nên họ đã từ chối công việc làm vườn nho. Một công việc lớn lao và quan trọng là tin vào Đức Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa. Việc những luật sĩ tỉ mỉ giữ luật có lẽ làm cho họ vinh dự nếu họ ý thức mình làm là làm cho Thiên Chúa, và nếu họ không đặt tất cả tin tưởng vào chính bản thân và nhân đức giả tạo của mình, họ có thể sống với Lề Luật nhưng họ không có đức tin. 

Để vào Nước Trời, thực ra chỉ cần một điều kiện đó là lòng thống hối. Khi phạm tội, ta đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Bây giờ, ta thống hối quay trở về với Ngài, với ý thức đầy đủ là ta không thể tự mình dứt bỏ được tội đã phạm, và vì thế phải luôn trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã xem đó như là một phương thế duy nhất để ta tránh khỏi sự án phạt của Thiên Chúa. Tính tự kiêu của nhóm Biệt phái đã ngăn cản họ ăn năn thống hối trở về với Chúa. Vì thế, họ đã tự đặt mình vào trong sự chết, xa cách với Thiên Chúa.

Sự vâng phục của Đức Kitô được thực hiện bằng chính cuộc đời và mạng sống của Ngài “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,6-8). 

Vì thế, chúng ta luôn lấy cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương cho cuộc đời mình. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên người công chính. Sự công chính đó được thể hiện bằng một niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng công chính vẹn toàn của Thiên Chúa. Niềm tin phải đi đôi với việc làm là sự ăn năn thống hối thực sự, là lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã sống một cuộc đời toàn vâng phục một cách tuyệt đối theo ý muốn của Chúa Cha. Chúng ta cũng được mời gọi sống đời sống toàn vâng phục như chính Đức Giêsu Kitô.
 
Phêrô Thập Tự Ân
Thông tin khác:
Đức Mẹ giúp tôi đón nhận ơn tha tội (08/10/2020)
Thương như Chúa xót thương (02/10/2020)
Đức Mẹ giúp tôi đón nhận lương thức hằng ngày (01/10/2020)
Từ bỏ chính mình (24/09/2020)
Điều mà Chúa dậy tha thiết lúc này (24/09/2020)
Tha thứ vì được thứ tha (15/09/2020)
Đức Mẹ giúp tôi sống trong thử thách (10/09/2020)
Tin và được chữa lành (18/08/2020)
Chúa ở cùng con (17/08/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log