Suy tư - Chia sẻ

Ai là anh em của Tôi

Cập nhật lúc 11:03 01/07/2022
Chúa nhật XV Thường niên, năm C; Bài đọc 1: Đnl 30,10-14; Bài đọc 2: Cl 1,15-20; Tin Mừng: Lc 10,25-37
“Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót !”. (Ma-thi-ơ 5:7)
“Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót !”. (Ma-thi-ơ 5:7)
Cuộc sống hôm nay, bao nhiêu gian nan khốn khó đang xảy ra, đặc biệt với một nền kinh tế đang lên cao, thì con người dễ trở nên vô cảm với nhau, nhiều khi dẫn đến xô xát, chém giết lẫn nhau như: tranh giành từng đất đai, nuôi cha mẹ lúc về già cả một cực hình, phân chia tài sản không đều dẫn tới người này mất lòng người kia không còn xem nhau là anh em, họ hàng. Lời Chúa hôm nay, nhắc nhở cho chúng ta rằng, khi nói tới luật bác ái là kính mến Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân, đặc biệt biết giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, như thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Lòng bác ái thì không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm gét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9-10). 

Bài đọc thứ nhất trích sách Đệ nhị luật cho chúng ta thấy được, lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào trong lòng của mỗi người, để hướng dẫn chúng ta sống làm sao cho xứng đáng với phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa ban tặng, theo hình ảnh mà Thiên Chúa đã dựng nên. Vì thế, chúng ta cần phải đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống thường ngày vì: “Lời đó rất gần với anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30, 14).

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, câu hỏi đặt ra tại sao chúng ta phải sống và thực hành đức bác ái? Thưa, nếu ta không sống với đức bác ái thì chúng ta không có sự sống đời đời. Để sống và thực hành việc bác ái có khó gì đâu ngoài hai điều mến Chúa và yêu người, chính Thiên Chúa là người Samaritano tốt lành, chính Ngài đã đi bước trước, cho con cái noi theo bằng cách thương cảm, hy sinh giúp đỡ mọi người đặc biệt là những người gặp hoạn nạn, dù người đó là ai, ở tầng lớp nào, đối với Chúa không có sự ngăn cách, cũng như không có sự thiên vị một người nào.

Điều đó nhắc nhớ chúng ta rằng, mỗi khi chúng ta đọc kinh Mười Điều Răn, ta để ý tới lời cuối cùng, trước kính mến Chúa trên hết mọi sự, sau là yêu thương tha nhân như chính mình ta vậy. Nếu cuộc đời ta sống trọn được hai mối dây liên kết này, thì ta đã chu toàn được lề luật của Chúa và giới răn của Giáo hội. Tiếp đến, chúng ta sẽ tránh xa được các dịp tội, để khỏi phải mất lòng Chúa và xúc phạm tới anh em như tham lam tiền bạc, làm chứng gian hại người khác, nói xấu… Hơn nữa, nếu ta giữ được luật Chúa dạy thì mọi việc điều trở nên một cách tốt đẹp, gia đình ấm êm, con cái luôn đạo đức, thánh thiện, bạn bè tin tưởng vào nhau.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con có tâm hồn nhạy cảm, biết cảm thông và ra tay giúp đỡ tha nhân..
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con có tâm hồn nhạy cảm, biết cảm thông và ra tay giúp đỡ tha nhân..
Vì vậy, khi nhìn vào ba nhân vật trong bài Tin Mừng cho ta thấy rõ được, người thông luật tuy ông không có ý ngay lành vì chỉ có ý hỏi thử Chúa, nhưng mặt khác ông đã biết đặt vấn đề về sự hoàn thiện của đời sống. Chúng ta hãy noi theo cách thức ấy, bằng cách đặt vấn đề cho sự hoàn thiện của mình trước mặt Chúa qua việc cầu nguyện, kiểm điểm lại đời sống, để biết cách sống hoàn thiện hơn (Xc. Lc 10,29-30). Nhân vật thứ hai, khi nhìn vào các thầy tư tế ta liền nghĩ ngay tới họ không ra tay giúp đỡ, sống thiếu tình người, nhưng không phải như vậy, chỉ vì sống theo lệ luật một cách nghiêm khắc, nên họ sợ chạm vào những người này lúc lễ tế thì không được sạch để dâng lễ tế cho Thiên Chúa (x. Lc 10,30-32). Mến Chúa yêu người bao quát mọi lề luật, chúng ta đừng để những hình thức lề luật bên ngoài ngăn cản ta thực thi lòng mến Chúa và yêu người. Nhân vật thứ ba, người Samari thật là tuyệt vời, nhìn vào kiểu mẫu thương người như thế, ta nhận ra rằng tình thương yêu bác ái sẽ biến đổi chúng ta là con một cha, anh em một nhà, không còn ngăn cách, không còn hận thù, không còn gian dối, ngược lại mọi người sẽ biết và nhận ra anh em là môn đệ Thầy, khi anh em biết yêu thương nhau (x. Lc 10,33-35).

Đây là điều Chúa đặc biệt muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn hôm nay, chính Chúa đã sống, đã làm và đã thực hành những điều đó. Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta là kẻ tội nhân, Ngài đã hy sinh xuống thế làm người, chịu chết để cho tất cả mọi người được sống, chính Chúa đã băng bó mọi vết thương do tội lỗi gây ra và đưa chúng ta vào “quán trọ” là gia đình Giáo hội để chữa lành và đưa chúng ta về quê hương thật là Nước Trời.

Ý nghĩa của bài đọc thứ hai cho chúng ta hiểu rõ điều đó hơn, khi chính Chúa là Thiên Chúa thật, Ngài mặc lấy thân xác con Người, đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên “Trưởng tử hết mọi loài thụ tạo, trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). 

Ước gì, qua bài Tin Mừng hôm nay, lòng bác ái của mọi người luôn luôn rộng mở tới tất cả những con người nghèo, để cuộc sống của họ vơi đi những nhọc nhằn, vơi đi những lo âu, vơi đi những sự thương đau, từ đó đức tin của họ luôn được triển nở, vì họ luôn nhớ có Chúa cùng đồng hành với họ, qua lòng bác ái yêu người của những người Chúa gửi tới.

Tu sĩ Gioan Baotixita Ngô Văn Đức
Thông tin khác:
Nhìn Thánh Tâm (27/06/2022)
Sống trong vực sâu (27/06/2022)
Sứ mạng người Kitô hữu hôm nay (25/06/2022)
Hành hương Đức Mẹ La Vang (19/06/2022)
"Chiếc đèn cổ" vẫn sáng (17/06/2022)
Tin Mừng hôm nay là "sống cuộc đời xót thương" (17/06/2022)
Tin Mừng hôm nay là "sống cuộc đời xót thương" (08/10/2022)
Từ bỏ để đi theo Chúa (17/06/2022)
Thánh Thể lương thực thần linh (11/06/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log