16 giờ 50 ngày 14/6/22 trái tim cha đã ngừng đập để lại bao tiếc thương cho giáo dân và mọi người. Trong những người đến viếng, có những người bạn nghèo của cha đi nạng, đi xe lăn, tay còn cầm xấp vé số. Những nhà sưu tập văn hóa cổ mất đi một người bạn, nhưng họ tin rằng “chiếc đèn cổ” sẽ không tắt ánh sáng của lòng nhân ái.
Nhà sưu tập văn hóa và bộ đèn “ánh sáng muôn dân” Hơn một tháng trước, nghe tin cha Giuse Nguyễn Hữu Triết bệnh, Tổng biên tập báo Người Công giáo Việt Nam có ủy nhiệm tôi ghé thăm ngài. Hôm ấy, bỗng dưng cha như khỏe lại? Cha tiếp tôi tại chiếc bàn gỗ đã cũ quen thuộc ngay trước cửa phòng. Sắc vóc có ốm đi nhiều nhưng xem ra thanh thản nhẹ nhàng hơn.
Cha kể về cụ thân sinh mua được chiếc bát điếu thuốc lào đời Quang Đạo (Trung Quốc) cổ xưa có hình vẽ điển tích “Hứa Do-Sào Phủ”, sau cụ mua thêm được bộ ấm chén men Lam từ hồi cha mới 6, 7 tuổi ở nhà quê miền Bắc. Ấn tượng những ngày thơ ấu sống bên ông cụ với thú thanh tao, nghe cụ kể chuyện cổ, chiêm ngắm đồ cổ trỗi dậy trong thời gian cha mới về giáo xứ Tân Sa Châu. Sau khi cha già cố Đa Minh Đinh Cảnh Thụy dưỡng bệnh tại nhà xứ qua đời, thu xếp căn phòng của cha cố, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết phát hiện cha già có mấy chiếc đèn cổ bỏ trong góc nhà, thế là từ mấy chiếc đèn cha cố Đa Minh để lại, cha đã cất công sưu tầm đến nay lên đến cả ngàn chiếc, đủ mọi loại từ mọi nơi.
Ngoài bộ sưu tập đèn cổ, cha còn có các bộ sưu tập về: cân và các quả cân, lục lạc, lư hương và bát nhang, dụng cụ ăn trầu. Năm bộ sưu tập này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Hôm khai mạc sự kiện này, rất tiếc cha yếu đi nhiều nên không đến dự được. Mấy hôm nay nghe tin cha mất, số người đến xem tăng lên đáng kể, phần để chiêm ngưỡng, đàng khác cũng là để tưởng niệm một “Nhà Sưu tập” nổi tiếng. Triển lãm mở cửa đến tháng 7/2022.
Không chỉ sưu tập cổ vật, cha còn là một người đam mê sách, đọc sách và viết sách. Những cuốn sách cổ hay “Sách vàng” từng đạt giải Sách cổ nhất của cha xuất bản năm 1872, có cuốn năm 1719. Cha còn giữ được cuốn Truyện Kiều, Lục Vân Tiên (bản in 1883), Đào Nương ca (bản in 1931), kinh Phật (Ngự chế lục tổ pháp bảo đàn kinh tựa, bản tiếng Hán in năm 1805).
Cha chia sẻ về tâm nguyện của mình: “Tôi sẽ hiến cho Giáo hội quản lý để cho mọi người thưởng thức. Nhiều hiện vật của tôi đã biếu ở Huế, La Vang, ai cũng có thể vào xem... Ở thành phố Hồ Chí Minh, cách đây mấy năm tôi có hiến vào Nhà truyền thống Tổng Giáo phận Thành phố ở đường Tôn Đức Thắng, đã trưng bày nhiều tượng, ảnh, đồ cổ về văn hóa dân tộc, tôn giáo. Có cả bộ đèn mang tên "Ánh sáng muôn dân" 960 cái, khách du lịch Đông - Tây đều thích. Đèn từ thời Đông Sơn đến thế kỷ XX, cái “trẻ” nhất cũng có trước 1975”.
Ông cha nhân ái Là cha sở của giáo xứ Tân Sa Châu- xứ đạo có gần 5.000 giáo dân, với 29 năm coi xứ (1993-2022), cha chăm lo về mặt đức tin và loan báo Tin Mừng. Giáo xứ Tân Sa Châu, sau ngày đất nước thống nhất, tầng trệt nhà thờ vẫn được được sử dụng làm trường tiểu học cho cư dân trong phường. Khi nhà trường chuyển ra địa điểm mới, giáo xứ tu bổ lại thành hội quán, dành cho các sinh hoạt như dạy giáo lý, tổ chức các lớp hôn nhân gia đình, hội họp... Năm 2008 nhận thấy khuôn viên nhà thờ trưa đến, nhiều người lang thang cơ nhỡ, bán vé số, thu mua ve chai, người khuyết tật đi nạng, đi xe lăn... ghé nghỉ, ăn bữa trưa với thức ăn là những ổ bánh mì đi xin được, bịch bún, hộp cơm thừa gom lại của khách ăn hàng quán, cha bàn với Ban Truyển giáo của giáo xứ tổ chức bữa cơm nhân ái, ngày 19/10 /2008 khai trương. Lúc đầu chỉ vài ba chục người rụt rè đến ăn, về sau, thông tin được mở rộng trong giáo dân, nhiều vị hảo tâm xa gần cùng chung tay góp sức. Người cho mỗi tháng tạ gạo, người giúp thịt cá, rau củ quả, nước mắm, dầu ăn... Các đoàn thể Công giáo trong xứ cử người thay nhau phụ trách nấu ăn, phân công dọn bàn ghế, rửa chén bát. Ông Trần Viết Hợp, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ, cũng là trưởng Ban Truyền giáo, người trực tiếp điều hành cho biết, đến nay mỗi ngày “Bữa cơm nhân ái” phục vụ cho trên dưới 100 người đến ăn tại chỗ, hơn 200 suất cơm được giao cho Caritas Tổng giáo phận và hạt Chí Hòa chuyển đến các người nghèo khó, bệnh tật tại nhà; các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện hoàn toàn miễn phí. Tháng 5/2019, cha giao phụ trách công tác bác ái cho cha phó Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên, giáo xứ mở thêm quầy tiếp nhận quần áo còn tốt đã qua sử dụng, với phương châm: “Ai cho thì nhận, ai thiếu đến lấy”. Rất nhiều người đến cho và cũng không ít người nghèo, người lao động đến nhận.
Cha sở Giuse Nguyễn Hữu Triết (đứng) cùng với giáo dân đóng gói nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con trong mùa dịch
Khi thành phố lao đao vì bão COVID-19, để vừa bào đảm phòng chống dịch lây lan, giáo xứ không còn tổ chức bữa cơm trưa tập trung, một cây ATM gạo lướt sóng ra đời, cung cấp mỗi ngày hàng trăm cân gạo cho người lang thang cơ nhỡ. Tiếp theo là cửa hàng điểm tâm 0 đồng mỗi sáng, hàng trăm ổ bánh mì nhân trứng, thịt, giò chả. Có ngày đổi món thì gói xôi, hộp mì xào, bánh giò, bánh chưng... Người giáo dân được giáo dục Đức Tin trưởng thành qua việc chia sẻ cơm áo trong mùa dịch, tính ra trong mùa dịch số tiền giáo xứ chăm lo công tác từ thiện bác ái lên đến nhiều tỷ đồng.
"ATM lướt ống" được đặt tại cổng nhà thờ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình)
Cách đây 3 tháng, khi thấy sức khỏe giảm sút, phần vì tuổi cao (80 tuổi), cha trình xin Đức Tổng Giám mục giao quyền điều hành cho cha Phó xứ, dù trước đó 5 năm cha đã đệ đơn xin lui về nghỉ hưu. Tưởng rằng chỉ bệnh qua loa như mọi lần, nhưng đã đến lúc Chúa muốn cha tạm dừng công việc nơi trần thế để chuẩn bị về với Người. Sau 3 tháng điều trị, 16 giờ 50 ngày 14/6/22 trái tim cha đã ngừng đập để lại bao tiếc thương cho giáo dân và mọi người. Trong những người đến viếng cha, có những người bạn nghèo của cha đi nạng, đi xe lăn, tay còn cầm xấp vé số. Họ vẫn gọi cha là “Ông cha nhân ái”. Họ thương tiếc cha nhưng rồi họ cũng an lòng vì di chúc cha để lại là giáo xứ vẫn đùm bọc họ mỗi ngày. Những nhà sưu tập văn hóa cổ mất đi một người bạn, nhưng họ tin rằng “chiếc đèn cổ” sẽ không tắt ánh sáng của lòng nhân ái. Giáo hội mất đi một vị mục tử nhân lành. Xin phó thác cha vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa.