Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta khám phá ra một vài khía cạnh chính yếu của Bí tích Thánh Thể. Như vậy, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận tình yêu của chính Thiên Chúa đã dành cho mỗi chúng ta đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể. Có yêu thật thì mới dám chết cho người mình yêu, có yêu say đắm thì mới dám lấy thịt mình cho người yêu. Thiên Chúa đã yêu chúng ta đồng thời Ngài cũng yêu mọi người như chúng ta, nếu ta để Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta thì lẽ gì mà chúng ta không yêu thương anh chị em đồng loại. Lời Chúa mời gọi chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa Kitô đã và đang trao ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực không hư nát để ban sự sống cho chúng ta, tiếp nhận chúng ta vào hiệp thông sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Qua bài đọc thứ I, chúng ta thấy Melkisêđê là một nhân vật lạ lùng. Ông là vua Salem, đã dùng bánh và rượu để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa trong thời đại mà truyền thống chỉ dùng chiên bò làm lễ vật. Ông vừa là vua lại vừa là thượng tế, và dường như ông đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đó, truyền thống Thánh Kinh đã coi ông như là kiểu mẫu cho chức tư tế và các cộng đoàn tín hữu đã noi gương ông, dâng bánh và rượu như lễ vật tạ ơn Thiên Chúa để lãnh nhận những ơn phúc lành Thiên Chúa ban cho.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không phải từ không ra có, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Chính từ bánh, từ cá, từ đời sống của chúng ta mà Thiên Chúa đã tháp nhập vào ơn huệ Bí tích Thánh Thể, làm nên Thánh Thể Đức Kitô. Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực góp phần cộng tác với Thiên Chúa. Chúng ta đóng góp không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng cần thiết hơn còn bằng chính đời sống lao động khó nhọc để phục vụ người khác; bằng chính việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mỗi người và bằng chính đời sống yêu thương, chia sẻ bác ái.
Quả thật, Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để thêm sức cho những người đã theo và nghe Ngài giảng dạy. Phép lạ hoá bánh ra nhiều, là dấu chỉ của Bí tích Thánh Thể sau này. Các tông đồ nhắc nhở Đức Giêsu: “xin Thầy cho dân chúng về để họ tìm chỗ trọ quanh đây và kiếm thức ăn vì ngày đã tàn”. Dường như dân chúng ham mê nghe Đức Giêsu giảng, và chính Đức Giêsu cũng rất thích giảng dạy dân chúng đến quên cả thời gian. Điều các tông đồ có thể làm được, là nhắc nhở Đức Giêsu về nhu cầu thể lý của con người. Và Đức Giêsu nói: “Anh em hãy cho họ ăn”. Cho dân chúng ăn, đâu phải là nhiệm vụ của các tông đồ, và cũng vượt khả năng của chính các ông: “chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Hãy bảo họ ngồi thành nhóm khoảng năm mươi người. Và Đức Giêsu đã cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho dân chúng. Đức Giêsu không chỉ quan tâm đến khát vọng thiêng liêng của dân chúng, nhưng Ngài còn thông cảm và để ý đến cả nhu cầu thể xác của con người nữa. Đức Giêsu: “cầm lấy, ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn...”. Những việc bình thường hằng ngày, ngay cả như “ăn uống”, Đức Giêsu cũng vẫn làm với ý thức sâu xa về Thiên Chúa. Và cũng chính thói quen này giúp hai môn đệ Emmau nhận ra Đức Giêsu. Đây là điều mỗi người cần học nơi Đức Giêsu: đối diện với thực tại, hướng lên Thiên Chúa, chúc tụng và xin Ngài giúp để biết phải làm gì và làm như thế nào trong mọi hoàn cảnh. Chính Đức Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Máu Ngài.
Vì thế, mỗi người Kitô hữu, trong cuộc hành trình đi tìm kiếm Nước Trời, Thánh Thể Chúa chính là của ăn cần thiết cho linh hồn của chúng ta. Chúa Giêsu dạy: “Thịt ta thật là của ăn. Máu ta thật là của uống”. Chính vì thế, mà từ ngàn xưa đã có biết bao nhiêu vị thánh tử đạo, biết bao nhiêu thánh đồng trinh, và biết bao nhiêu vị thừa sai, đã được nên dũng cảm phi thường nhờ đã nuôi sống đời sống mình bằng chính Mình Máu Thánh Chúa mỗi ngày.
Quả thật, Thánh Thể là sự sống của Giáo hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu. Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất vì không chỉ trao ban ân sủng mà trao chính tác giả của ân sủng, Đấng là Thiên Chúa muôn loài lại trao hiến bản thân phục vụ loài người.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng của thánh Luca mời gọi mỗi người Kitô hữu hăng say đến tham dự thánh lễ và đặc biệt là tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Chính Bí tích Thánh Thể là của ăn, của uống để nuôi sống mỗi người Kitô hữu, vừa là lương thực thiêng liêng để đảm bảo hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Bởi nơi Bí Tích Thánh Thể Thiên Chúa ban chính mình cho chúng ta, Ngài muốn hiện diện trong chúng ta, hành động trong chúng ta, chiến đấu cho chúng ta. Cũng chính như vậy mà thánh Phaolô trong thư gửi Côrintô ngài nói: “mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26). Vì thế, khi rước lễ thì chính Chúa hiện diện trong chúng ta, kết hiệp chúng ta lại với nhau và cùng nhau kết hiệp với Thiên Chúa, đưa chúng ta từ cõi chết đến nguồn sự sống vĩnh cửu.
Tu sĩ Giuse Têrêsa Hồ Xuân Tâm