Suy tư - Chia sẻ

Bình an trong Thiên Chúa

Cập nhật lúc 13:36 08/08/2022
Chúa nhật XX thường niên, năm C; Bài đọc 1: Gr 38, 4-6. 8-10; Bài đọc 2: Hr 12, 1-4; Tin Mừng: Lc 12, 49-53
Lạy Chúa, để được sự bình an của Chúa trong cuộc sống, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận thù, ghen ghét, ích kỷ.
Khi nói tới bình an, dường như con người hôm nay đã và đang cảm thấy mất bình an, khi phải sống trong lo âu, sợ hãi, tranh giành chức vụ, ăn chặn những đồng tiền của người khác, dẫn tới hậu quả mất đi những điều cao quý mà Thiên Chúa ban tặng. Trong khi đó Ngài luôn nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa” (Pl 4,6). Vậy câu hỏi chúng ta tự đặt ra bình an là gì? Phải chăng chúng ta có thật sự đi tìm bình an hay không?

Diễn tiến bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Giêrêmia cho ta thấy được, chỉ vì sự ghen ghét, muốn loại trừ mà các thủ lãnh đã tâu với vua giết Ngôn sứ Giêrêmia vì họ cho rằng ông không đem lại bình an cho dân, nhưng chỉ toàn là tai họa. Nhưng trong cơn nguy khốn như vậy, thì Thiên Chúa luôn ở cạnh ông, nâng đỡ, chở che, cứu thoát ông khỏi những người vu cáo làm cho ông bị oan, bằng lời nói của Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết” (Gr 38,10). Qua đó, cho ta cảm nhận được, chỉ trong Thiên Chúa mà thôi hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn (x. Tv 60,2).
Trở về với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại lời Chúa Giêsu chỉ dạy cho các môn đệ hiểu biết về sứ mệnh đặc biệt của Người khi phải đến thế gian, là để cứu chuộc nhân loại bằng cuộc đời khổ đau, đồng thời Chúa cũng đòi hỏi những ai theo Chúa phải có nhiệm vụ chia sẻ số phận ấy rằng: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng thầy khắc khoải biết bao, cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo thật các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Trước câu nói của Chúa Giêsu cho chúng ta thắc mắc rằng, phép rửa cuối cùng của Chúa là gì? Tại sao Chúa phải chịu phép rửa đó? Lòng Chúa còn muốn điều gì nữa? Ở đây phép rửa cuối của Chúa chính là việc Ngài bị chìm ngập trong đau khổ và nỗi khốn khó cuối cùng mà chính Chúa tình nguyện gánh chịu, đây là cuộc thương khó và tự nạn của Chúa. Chính phép rửa bằng sự thương khó này là căn nguyên hiệu lực của phép rửa bằng nước, sự chết của Chúa trên thập giá là nguồn ơn tha tội của phép rửa sau này (x. Cv 2,38. 22,16).

Chính vì lý do đó lòng Chúa khắc khoải, muốn nói lên tâm trạng thao thức của Chúa muốn chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó là cứu chuộc nhân loại, sự thao thức này được biểu lộ trong bữa tiệc ly: “Thầy ao ước ăn lễ Vượt Qua này cùng với anh em trước khi chịu chết” (Lc 22,14). Tiếp theo, thánh Luca cho chúng ta thấy được sự bình an là ân huệ của Thiên Chúa ban, ân huệ này chỉ những người sống với điều Chúa dạy, ân huệ này chỉ ai thực thi bác ái, ân huệ này cũng được gọi là Thiên Sai. Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta không chấp nhận Lời Chúa, muốn ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa, để làm những việc riêng, sống theo lối sống hưởng thụ. Nên ta xem sự bình an của Chúa là một thứ gì đó khó đón nhận, khó nghe, khó thực hành, vì chỉ có trong Thiên Chúa ta mới thật sự có được bình an mà thôi, bình an của Chúa không phải thứ gì đó giả tạo, không phải bình an của xác thịt, không phải sự dễ dãi mà các ngôn sứ giả đã từng mong muốn (Gr 6,16; 8,11; Ed 13,10-16).

Vì thế, trong cuộc sống là người Kitô hữu Chúa muốn nói với chúng ta đừng cậy dựa vào Chúa, để được sự bình an theo kiểu thế gian, nghĩa là được an toàn theo kiểu trần thế, thỏa mãn những ước vọng xấu xa. Nhưng trong mọi hoàn cảnh chúng ta luôn đặt niềm tin nơi Chúa, thì chắc chắn sự bình an luôn ở với Chúng ta, và không bao giờ bị đánh mất. Cho nên, mọi người hãy thực sự tín thác, cậy trông nơi Chúa, chính Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta, để ta sống xứng đáng là con cái Chúa. Theo như lời Thánh Vịnh dạy: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 5,37).

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo hội muốn dạy chúng ta muốn lên trời phải qua thánh giá, muốn được cứu rỗi phải qua đau khổ. Bởi vì, chính Thiên Chúa đã noi gương cho chúng ta để rồi: “Chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Hr 12,1-2). Ước gì, trong cuộc sống mọi người luôn tìm được sự bình an, chỉ khi có bình an chúng ta mới giám ra khỏi bản thân để đến với những người khác, chỉ khi có được bình an con người chúng ta mới được đổi mới thật sự, chỉ khi có được bình an chúng ta mới xứng đáng là con của Thiên Chúa.
Tu sĩ Phêrô Maria Phan Văn Thuyết
Thông tin khác:
Thời điểm khao khát ủi an (08/08/2022)
Đức tin mang lại niềm hi vọng (28/07/2022)
Hạnh phúc của tôi (28/07/2022)
Món nợ tình thương (26/07/2022)
Đổi mới cuộc đời (21/07/2022)
Đón nhận những cảnh báo (21/07/2022)
Lịch Phụng vụ (14/07/2022)
Kiên trì trong việc cầu nguyện (13/07/2022)
Phần tuyệt hảo (07/07/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log