“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). |
Các bài đọc hôm nay đụng chạm đến đời sống hiện tại của con người ngày hôm nay. Bài đọc I; sách Giảng viên đã để lộ ra một quan điểm bi quan trước những sự tình của cuộc sống. Bài đọc II; thư Phaolô lại cho chúng ta những lời khuyên và chỉ cho ta con đường để đến với Đức Kitô. Và bài Tin Mừng giúp chúng ta nhận rõ về giá trị của việc tìm kiếm và sử dụng của cải trần gian.
Chính vì Lời Chúa hôm nay đã đề cập đến những vấn đề thực tế của đời sống chúng ta. Lời Chúa khuyến khích chúng ta nhìn xa hơn các công việc của ngày hôm nay, làm sao để lao công vất vả của chúng ta ở đời này gặt hái được hững thành tựu lâu dài; và như vậy Lời Chúa chính là gia tài của đời sống chúng ta.
Tác giả sách Giảng viên đã suy gẫm sự đời một cách sâu sắc, những lời nói phản ánh một triết lý sống ở đời. Vì cuộc đời của mỗi người xuất hiện đó, rồi lại biết mất. Không có gì tồn tại mãi ở trần gian này: sách Giảng viên viết rằng:
“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Phù vân diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc sống. Tất cả đều có đó rồi lại mất. Sách Giảng viên chia sẻ cho ta kinh nghiệm sinh hoạt cuộc sống thường ngày:
“Có người đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại trao sự nghiệp của mình cho môt người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa” (Gv 2,21).
Chúng ta không nhìn cuộc sống một cách bi quan hay tiêu cực vì sự sống là những hồng ân. Chuỗi ngày sống là một chuỗi ân sủng kéo dài mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Khi chúng ta sống là chúng ta hiện hữu, mọi sự hiện hữu đều hữu ích và cần được sinh hoa kết trái. Như đời sống thân xác cần được lớn lên và phát triển thì đời sống tâm linh cũng vậy cần được bồi dưỡng để tiến tới sự hoàn thiện hơn và tới gần Thiên Chúa hơn.
Chúng ta được trao quyền làm chủ trái đất và cai quản mọi loài. Làm chủ chứ không phải làm nô lệ cho của cải vật chất. Của cải là phượng tiện giúp cho chúng ta đạt tới cứu cánh của đời mình, và phải dùng những của cải, sản phẩm mình tạo ra đó để phục vụ cho chính đời sống chúng ta cứ không phải là lệ thuộc vào chúng, để chúng níu kéo chúng ta, chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Chúa Giêsu đã nhắc nhở rằng:
“hãy coi chừng, giữ mình khỏi mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).
“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai ?” (Lc 12, 13-21). |
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giúp cho chúng ta nhận rõ về giá trị của việc tìm kiếm và sử dụng của cải trần gian. Chúng ta cần có thái độ lựa chọn kỹ lưỡng đối với của cải vật chất. Hãy nhớ rằng chúng ta còn có gia sản tinh thần quý giá hơn. Hãy dùng của cải chóng qua mà mua lấy Nước Trời. Đổi lấy bạn hữu. Đó là dùng của cải mà bố thí cho người nghèo, làm việc bác ái, chúng ta sẽ tích trữ được một kho tàng quý báu trên trời. Chúa Giêsu đã dạy rằng:
“hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16,9).
Điều quan trọng là chúng ta phải đặt đúng giá trị của sự việc, vì tiền bạc không thể trở thành ông chủ của chính người đã tạo ra nó và đang sở hữu nó. Đừng quá tham lam mà thu tích những sự phù vân, nhưng phải luôn ý thức và hướng tới mục đích sau cùng của việc tìm kiếm. Chúa Giêsu đã cảnh báo cho chúng ta rằng:
“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Người đời nghĩ rằng; phải cố gắng làm việc để trở nên giàu có và có của ăn của để điều này thật đúng lẽ. Đối với người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi không chỉ làm giàu về của cải vật chất mà quan trọng hơn là làm giàu trước mặt Thiên Chúa vì:
“kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21). Khi làm việc và gặt hát về thành quả bằng chính mồ hôi nước mắt của chính mình thì thành quả đó có giá trị rất lớn trong đời sống chúng ta. Chúng ta không chỉ tích trữ, gom góp tiền của để hưởng thụ riêng, nhưng sử dụng tiền của để sinh hoa trái cho chính mình, cho tha nhân và Giáo hội cũng như xã hội. Biến đổi những giá trị của của cải chóng qua thành giá trị tinh thần giàu có trước mặt Thiên Chúa quả là điều tốt đẹp.
Hãy sinh hoa trái đời này và đời sau. Hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng việc sử dụng tiền của đúng cách và đúng mục đích. Hãy ngước nhìn lên và hướng về cùng đích. Cuộc đời chúng ta có những thứ giá trị hơn gấp trăm lần của cải vật chất. Vì sự sống của chúng ta được chuộc lại bởi Máu châu báu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê đã diễn tả rằng:
“Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Quả thật, quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời. Vậy tại sao chúng ta lại chỉ lo miệt mài tìm kiếm những thứ chóng hư nát? Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn
“Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm và những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2).
Thánh Phaolô đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Ngài đã trở nên một con người hoàn toàn mới, sống phó thác và tin tưởng vào Đấng tạo thành vũ trụ. Ngài đã lên tiếng nhắc nhở chúng ta rằng:
“Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,9-10). Chúng ta đang trên con đường trọn lành, con đường tìm kiếm sự toàn hảo, chúng ta hãy theo gương thánh Phaolô mà tín thác đời mình cho Đấng mà chúng ta tin tưởng. Để ngay từ hôm nay chúng ta bắt đầu một đời sống mới với sự chọn lựa lối sống và thực hành sống Lời Chúa cách nhiệt thành và tích cực hơn.