Hôm nay thật là hay khi Lời Chúa cũng mời gọi người Kitô hữu chúng ta từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài, nhưng thử hỏi đi theo Chúa để làm gì, thiết nghĩ không dễ trả lời, vì mọi người đều được mời gọi cách khác nhau, nên tự nơi mỗi người phải có câu trả lời của riêng mình trước Thiên Chúa. Thiết nghĩ rằng rời bỏ gia đình đi làm việc là vì cuộc sống, còn từ bỏ để đi theo Chúa lại mang một giá trị khác, đó là mang lại giá trị Tin Mừng, giá trị đem đến ơn cứu độ cho con người.
ĐI THEO CHÚA LOAN BÁO TIN MỪNG Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô hôm nay, thánh Phaolô đã minh định cho chúng ta rất rõ về Tin Mừng của Đức Kitô chính là Tin Mừng cứu độ: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta”. Người là đấng Thánh nhưng đã hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang của mình để xuống thế gian, nhập thể làm người, Ngài trở nên như một tội nhân và gánh lấy tội lỗi nhân loại nhằm giải thoát nhân loại đang sống trong bóng tối của tử thần, và phục hồi phẩm giá của con người, giúp con người nhận ra Thiên Chúa là Đấng Thánh và tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, đều được Thiên Chúa kêu gọi tin vào Tin Mừng để được cứu độ như thánh Phaolô đã tuyên tín: “Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo”.
Thánh Phaolô đã nhận ra được giá trị của Tin Mừng của Đức Kitô chính là Tin Mừng cứu độ, nên thánh nhân đã sống và chết cho Tin Mừng ấy, Trong bài đọc một, chúng ta thấy Thiên Chúa đã kêu gọi ngôn sứ Isaiai, ông đã nhận ra và nghe được tiếng mời gọi của Thiên Chúa và ông đã sẵn sàng đi theo và thực thi ý muốn của Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con” (Is6,8). Còn Trong Tin Mừng thánh Luca chúng ta lại thấy ơn gọi của thánh Phêrô, sau một mẻ cá lạ lùng, ông đã nhận ra Đức Giêsu là đấng Thánh nên đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. Việc loan báo Tin Mừng không dừng lại nơi các ngôn sứ hay các môn đệ mà vẫn được tiếp tục loan báo mọi nơi và mọi thời. Trong đó chúng ta là những người Kitô hữu đều có sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhưng có lẽ chúng ta chưa phát huy được khả năng và ơn Chúa ban cho chúng ta. Bởi chúng ta chưa dám ra khỏi mình, chưa dám lấy trách nhiệm vì thế gian đang đè nặng chúng ta, chúng ta hãy trao phó tất cả cho Thiên Chúa và thực thi việc loan báo Tin Mừng bắt đấu từ việc nhỏ ngay trong từng gia đình, rồi đến các việc bác ai xã hội.Cũng vậy chúng ta là con cái của Thiên Chúa được mời gọi trở nên cánh tay nối dài của Ngài để đem Tin Mừng đến với những ai đang gặp khó khắn, những mảnh đời đang còn bất hạnh, những trẻ em miền quê chưa đủ cơm ăn áo mặc, đó là ơn gọi và sứ mạng Thiên Chúa gởi gắm nơi mỗi người chúng ta. Thiên Chúa rất cần sự cộng tác của chúng ta để mọi người đều có thể được cứu độ. Hy vọng rằng chúng ta sẽ đáp trả được lời mời gọi của Chúa: “Này con đây, xin sai con”.
“NÀY CON ĐÂY XIN SAI CON ĐI!” “Này con đây xin sai con đi !”, đây là lời đáp trả của những người được Chúa tuyển chọn, đặc biệt là ngôn sứ Isaia khi chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa trong đền thờ, ông đã phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn!”. Nhưng sau khi được một thiên thần lấy than hồng từ bàn thờ đến thanh tẩy môi miệng, ông đã tình nguyện xin lãnh nhiệm vụ: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (Is6,8). Tiếp đến thánh Phêrô cũng vậy sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng ấy thánh nhân cũng phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Kể từ đó thánh Phêrô đi theo Đức Giêsu và được Đức Giêsu trao nhiệm vụ cao cả, là chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Không chỉ riêng gì các ngôn sứ hay các môn đệ mà ngày nay mỗi người trong chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và sai đi.Tuy nhiên chúng ta cần nhận ra được dung mạo của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, chỉ khi nhận ra được ơn Chúa thì chúng ta mới can đảm nói lời xin vâng, như Đức Maria cũng đã nói lời Xin Vâng, vì Mẹ đã thấm hiểu được ơn Chúa trong cuộc đời của Mẹ.Chúng ta học hỏi nơi Mẹ Maria để mau mắn đáp lời xin vâng khi nghe được tiếng Chúa kêu mời, với một tâm tình trông chờ và sẵn sàng thì chúng ta sớm muộn gì cũng nhận ra được tiếng kêu gọi của Thiên Chúa. Bởi vì Chúa đã nói lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít, thế nên Tin Mừng của Thiên Chúa nhiều người vẫn chưa nhận biết, bởi thế mà người Kitô hữu chúng ta được mời gọi thực thi việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa.
THEO CHÚA LÀM CHỨNG CHO NIỀM TIN Là người Kitô hữu chúng ta được đảm bảo ơn cứu độ, bởi chúng ta đã được tháp nhập vào trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta để cho chúng ta trở nên con cái của ánh sáng, con cái của sự thật và được mời gọi sống và làm chứng cho niềm tin của mình. Nếu chúng ta không làm chứng cho niềm tin thì đời sống ơn gọi làm người Kitô hữu dường như không có giá trị. Nếu chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa chắc hẳn Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta như Ngài đã biến đổi thánh Phêrô và Phaolô, hai người được mệnh danh là phản bội và tàn sát Hội Thánh, lại trở nên hai trụ cột của Hội Thánh, lẽ nào Thiên Chúa không biến đổi chúng ta khi chúng ta tin tưởng phó thác và làm chứng cho niềm tin của mình. Mặt khác chúng ta cũng cần ý thức được thân phận yếu đuối của mình, nhiều tội lỗi và khuyết phạm để trông cậy vào lòng xót thương của Thiên Chúa, như thánh Phêrô đã nói: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Để rồi từ đó can đảm, dấn thân và sẵn sàng bước theo Chúa làm chứng cho Tin Mừng, hầu mang được niềm vui cứu độ đến được với mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Thiên Chúa là Tình yêu.