Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. |
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, nhiều người thường có lối sống buông thả, coi thường luân thường đạo lý và những giá trị tâm linh. Họ chỉ nhìn những lợi lộc nhất thời trước mắt mà không chú ý đến tiếng nói của lương tâm chân thật. Như thế, xã hội cần một lối sống ngay thẳng, chân thật, tốt lành của người Kitô hữu, sẽ là tấm gương sáng, như lời nhắc nhở và cảnh báo đối với tha nhân. Hầu đem lại niềm hy vọng hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là nội dung phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn gửi đến mọi người. Hãy biết sống yêu thương, quan tâm đến người anh em mình qua đời sống việc làm bác ái cũng như đời sống cầu nguyện.
Bài đọc một ngôn sứ Êdêkien (Ed 33,7-9), đã chỉ ra khi mà dân bị bách hại lưu đày khổ cực, có thể là tuyệt vọng vì sự vắng bóng của Thiên Chúa, họ nghi ngờ không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Thế nhưng, Ngôn sứ Êdêkien là người đã đem lại niềm hy vọng hạnh phúc cho dân Ítraen, mỗi chúng ta hãy trở nên ngôn sứ của niềm hy vọng, chiếu rọi ánh sáng của Chúa vào những góc khuất của cuộc đời đen tối và đem niềm vui của Chúa đến cho con người hôm nay. Chính vì thế, mọi người phải phải biết sống cho nhau, sống yêu thương quan tâm và chia sẻ cho tha nhân của mình, đặc biệt là những người bất hạnh hơn hết. Và phải có trách nhiệm sửa dạy cảnh báo: ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Bổn phận của người có trách nhiệm là phải nói, bổn phận của người dưới quyền là sửa. Cả hai đều phải chịu phán xét trước tòa Chúa. Nếu người có bổn phận đã nói mà người dưới quyền không chịu sửa, tội về phần người dưới quyền: “Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”
Như thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu trong bài đọc 2 (Rm 13,8-10), Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất của người Kitô hữu, và món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh chị em của mình là đức ái, tình thương yêu với nhau. Yêu thương là chu toàn lề luật. Sống Yêu thương nhau, giúp nhau sống cho đẹp ý Chúa, đó mới thực sự là yêu thương.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Ngài muốn tất cả mọi người nhận biết sự thật và sống hạnh phúc. Hôm nay trong Tin Mừng Đức Giêsu dạy, nếu một người anh em phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó; nếu nó không nghe, thì hãy đi với một vài người nữa, để giúp người anh em sửa đổi. Nếu phải dùng biện pháp mạnh, thì cũng chỉ nhằm giúp người anh em đó nhận ra sự thật để trở về với Thiên Chúa trở về đường ngay nẻo chính, về với sự thật và chân lý, sự thiện hoàn hảo.
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, những người theo Ngài, phải và biết sửa lỗi cho anh em của mình khi biết họ đang đi lạc hướng. Nhưng phải sửa như thế nào? Quả là một vấn đề khó đối với thời đại hôm nay! Trước hết, hãy bày tỏ một tình yêu thương đồng cảm và sẻ chia. Thứ đến, hãy kính trọng họ. Cuối cùng, hãy kiên trì cầu nguyện cho họ, nhất là cầu nguyện cùng với cộng đoàn, Như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19). Vì thế, đừng buông xuôi và chán nản khi gặp khó khăn! Hãy thêm lời cầu nguyện cho họ!
Mặt khác, chúng ta hôm nay là người Kitô hữu, được tham dự vào nhiệm vụ của người ngôn sứ của Chúa? Sửa lỗi anh em, bao dung tha thứ, và cầu nguyện chung trong cộng đoàn hay trong hội đoàn. Với cách sống là sống với tha nhân, và cùng cầu nguyện với tha nhân. Đây chính là nhiệm vụ của người ngôn sứ: nhắc nhở người khác trong tình bác ái khi họ làm điều sai lỗi, với sự khiêm nhường và với trái tim chân thành. Chẳng ai có thể tự nhận mình là đã hoàn hảo. Mỗi chúng ta còn mang nhiều khiếm khuyết, vì vậy chúng ta luôn cầu xin Chúa thương xót từ bi nhân hậu với chúng con! Mục đích chúng ta nhằm tới không phải là để phê bình chỉ trích, mà là để cứu thoát người anh em, trình bày cho họ biết những sai lỗi để uốn nắn sửa đổi mà thăng tiến bản thân.
Hơn nữa, để đem lại niềm hy vọng hạnh phúc lớn lao nhất cho tha nhân, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương. Đó là niềm an ủi cho họ để bước tiếp con đường mà Chúa muốn họ đi làm nhiệm vụ người ngôn sứ của Chúa.
Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi người môn đệ của Chúa, sống yêu thương, là con người sống theo ơn gọi của mình, con người cảm nghiệm hạnh phúc chính khi mình yêu thương. Sống trong một xã hội biết bao nhiêu là cám dỗ luôn mời gọi người Kitô hữu dễ sống ngoài tình thương của Chúa. Chính vì thế, mọi lề luật, là để bảo vệ con người; để người khác không dùng tự do của riêng mình mà xúc phạm đến quyền của người khác. Một khi con người sống yêu thương, con người luôn tôn trọng người khác và quyền lợi của họ, thì lúc đó lề luật không cần nữa. Khi đó con người biết yêu thương nhau thật tình, chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui, khích lệ an ủi nhau trước một cố gắng nhỏ, và nhất là thẳng thắn góp ý cho nhau, để cùng nhau tiến đến chân thiện mỹ. Sửa lỗi nhau là một công việc hết sức tế nhị và khó khăn. May mắn cho chúng ta vì Chúa đã để lại cho chúng ta một cách sửa lỗi sao cho có hiệu quả. Chúng ta cần theo đúng những bước này mỗi khi phải sửa lỗi anh em. Để việc sửa lỗi có hiệu quả đòi tất cả mọi người phải có tâm hồn yêu thương. Mục đích của việc sửa lỗi là để cứu vớt tội nhân, cho họ có cơ hội ăn năn trở lại, chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác.