Chúa đã Phục Sinh. Đó là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại. Qua mọi thời đại, niềm hân hoan đó vẫn luôn tràn ngập trên toàn thể nhân loại. Chúa đến với con người, chia sẻ kiếp phàm nhân đầy vất vả khổ cực. Khi sống lại khải hoàn, Chúa hiện ra với các tông đồ, trong chính cảnh lao động thường nhật của các ông. Người ân cần thăm hỏi, và làm nên dấu lạ, để qua đó, các tông đồ nhận ra chính Chúa Phục Sinh đang đến và ở bên họ. Niềm vui đích thực đã đem đến cho họ biết bao cảm thức. Cảm thức về cái nhìn của sự tin yêu, của sự tín thác và niềm vui trọn hảo.
Các Tông đồ rất mệt nhọc, thất vọng vì thức suốt đêm, vất vả mà chẳng được gì đành chuẩn bị cho thuyền vào bờ để nghỉ ngơi. Khi Chúa Giêsu hiện ra, đi lại trên bãi biển, Ngài hỏi họ “Này anh em, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5), các ông chỉ trả lời một cách mệt mỏi, qua loa “thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông đã không phân bua, không trình bày lại, mà vâng lời ngay, “thả lưới xuống”, dù thất bại trong nỗ lực tìm bắt cá suốt đêm. Chính vì sự tin tưởng, phó thác ấy mà Chúa đã cho các ông mẻ lưới đầy cá, không sao kéo lên nổi (Ga 21,6).
Chính nhờ mẻ cá lạ ấy, Gioan, người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, và cũng chính lòng mến ấy giúp ông nhận ra ngay “Chúa đó” (Ga 21,7). Vừa nghe nói “Chúa đó”, đã làm cho các môn đệ quên đi bao vất vả mệt nhọc. Phêrô “vội vàng” khoác áo vào vì đang ở trần và nhảy xuống biển. Kéo thuyền vào bờ đến với Chúa. Khi ấy thuyền các ông chỉ cách bờ khoảng gần một trăm thước (Ga 21,12).
Khi bước lên bờ, các ông đã thấy Chúa dọn sẵn cho mình bữa ăn sáng và không ai trong các ông dám hỏi: “ông là ai?”. Vì các ông biết rằng “đó là Chúa” (Ga 21,8)
Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta cũng mệt mỏi, chán nản, thất vọng bởi mình đã dồn hết thời giờ, trí khôn, sức lực và tiền của vào những công việc, những dự phóng, kế hoạch nhưng rồi chẳng thu được kết quả gì. Hãy bắt chước các Tông đồ luôn hành động theo ý Chúa. Vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” và không có Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì.
Chúa Giêsu phục sinh, vẫn mãi mãi hiện diện, đồng hành bên cuộc sống chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám từ bỏ cái tôi của riêng mình để lắng nghe tiếng Chúa qua Giáo hội, giáo xứ, gia đình và những người ta gặp gỡ, tiếp xúc không?
Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Các môn đệ đã thả lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Tình cờ một người lạ mặt xuất hiện bảo họ hãy thả lưới bên phải, và mẻ cá nhiều đến nỗi thuyền muốn chìm. Chúa Giêsu đến với họ một cách kín đáo nhẹ nhàng, Ngài chọn cảnh sống thường ngày của con người để hiện ra với các môn đệ. Ngài đến lúc các ông đang thả lưới, Ngài tham dự vào bữa ăn của các ông. Ánh lửa mà Ngài đốt lên bên bờ hồ Tibêria đã soi sáng tâm hồn các môn đệ để các ông hiểu rằng Chúa Kitô Phục Sinh vẫn đang có mặt và chỉ sự hiện diện ấy cũng đủ đem lại niềm vui đích thực
Chúa Kitô Phục Sinh đã đến với các môn đệ giữa những sinh hoạt thường ngày của họ, và Ngài đã tỏ mình ra bằng cử chỉ quen thuộc nhất của Ngài là bẻ bánh và trao ban. Ngày nay, Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục đến với chúng ta trong cùng một thể thức ấy: Ngài đến trong những sinh hoạt âm thầm lặng lẽ nhất trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta. Ngài đến trong niềm vui nỗi khổ của chúng ta, Ngài đến như một người xa lạ.vô đanh, Ngài đến trong từng người chúng ta gặp gỡ. Ngài đến trong những kẻ bé mọn nghèo hèn, và ngay cả trong kẻ thù của chúng ta. Ngài tỏ mình bằng cử chỉ bẻ bánh và trao ban.
Đấng Phục Sinh vừa được nhận biết, vừa tỏ mình qua những cử chỉ trao ban của con người. Càng mở rộng tâm hồn và đôi tay để san sẻ, con người càng cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài. Ngài vẫn luôn có đó trong cuộc sống từng ngày và không ngừng mời gọi chúng ta đón nhận Ngài. Ngài vẫn luôn có đó và chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài mỗi khi chúng ta làm một cử chỉ quảng đại, yêu thương và tha thứ. Ước gì chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh, và sống như thế nào để trở thành dấu chứng sự hiện diện của Ngài cho mọi người.
Việc Chúa Giêsu hiện ra giữa lúc các Tông Đồ đang chài lưới, nói lên sự hiện diện của Chúa phục sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa. Vì thế, Người có thể đến với hết mọi người trong mọi hoàn cảnh. Qua sự kiện này, chúng ta hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa: khi làm bất cứ việc gì thì tiên vàn hãy tìm ý Chúa để thực thi.
Việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh và cá trao cho các môn đệ, hướng đến phép Thánh Thể và nhắc chúng ta rằng : Chúa hiện diện trong Thánh Thể để ở giữa chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta.
Việc Chúa dọn bữa ăn cho các Tông Đồ dạy người tông đồ cần chăm sóc và giúp đỡ tha nhân về tinh phần cũng như vật chất trong cuộc sống hằng ngày. Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa cuộc sống của chúng con. Xin thánh hóa từng công việc của chúng con. Mỗi khi chúng con bắt tay làm việc xin Chúa giúp sức, để từ khởi sự cho đến hoàn thành, chúng con tôn vinh chúa phục sinh và chia sẻ ơn phục sinh cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.