Suy niệm
Một vị linh mục ngồi trong phi trường đợi chuyến bay của mình khởi hành, có một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và đề cập với ngài về tôn giáo. Ông khoe rằng: “Tôi không chấp nhận điều gì tôi không hiểu, vấn đề “ba Chúa trong một Chúa” hay bất cứ điều gì tương tự, không ai có thể giảng nghĩa cho tôi, nên tôi không tin”.
Chỉ vào luồng sáng qua cửa sổ, linh mục hỏi: “Bạn có tin mặt trời không?”. Kẻ hoài nghi trả lời: “Dĩ nhiên có chứ”. Linh mục nói tiếp: “Được, ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ mặt trời cách đây 150 triệu km chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng. Chúa Ba Ngôi có phần tương tự như vậy: mặt trời Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu sáng: ánh sáng là Thiên Chúa Con. Từ mặt trời và ánh sáng tỏa ra sức nóng: từ Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần. Bạn có thể giải thích được mặt trời, ánh sáng và sức nóng được không?” người hoài nghi im lặng.
*
Trong khi các môn đệ bối rối về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu mặc khải cho các ông về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Có thể coi đoạn Tin Mừng này như là chúc thư quan trọng của Chúa Giêsu để lại cho các tông đồ – Chúng ta thấy những lời nói rất thắm thiết, rất an ủi trong đoạn Tin Mừng.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em…..”. Chúa Giêsu còn điều gì nữa mà chưa nói cho các tông đồ biết bây giờ, lại để dành để Chúa Thánh Thần nói sau này? Thật ra không phải là Chúa Giêsu chưa nói hết, bởi Ngài là mạc khải hoàn hảo của Chúa Cha, Ngài là “Lời” và là “sự cắt nghĩa Chúa Cha”, là sự mạc khải trọn vẹn rồi, không còn có thể sửa chữa được gì nữa. Nhưng… có lần Ngài đã tự ví mình như hạt giống và như người gieo giống. Ngài đã gieo hết lời Chúa đấy, nhưng các lời này còn phải mọc lên và sinh hoa trái; và đây chính là công việc của Chúa Thánh Thần.
“Khi Thần Chân Lý đến”: Thánh Thần không phải là thầy dạy nhưng là một người lọc lại và giải thích lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Người không tự quyền nói cũng như Chúa Giêsu cũng đã không nói tự quyền mình, nhưng chỉ mạc khải Chúa Cha để tôn vinh danh Người. Vì thế Thánh Thần không có giáo thuyết riêng. Người chỉ đến khơi lại và giúp cho hiểu mạc khải của Chúa cha trong Chúa Con.
“Người sẽ bảo cho các con biết sự thật toàn vẹn”: thấu hiểu mạc khải của Chúa Giêsu sẽ không ích gì nếu không biết áp dụng vào các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ có khả năng nhận thức họ phải cư xử như thế nào cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau sẽ xẩy đến, để điều chỉnh lối sống của họ theo tinh thần của Chúa Giêsu.
“Giêsu, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariốt trong tác phẩm “Giêsu, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel . Khi Chúa Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người ; lúc đó, Chúa Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Chúa Giêsu lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariốt làm thủ lãnh.
Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.
“Giêsu, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời.“ Giêsu, Ngài là ai ?” cũng là câu hỏi cho chúng ta khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi chúng ta phải lội ngược dòng.
Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ.
Như thế, sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu : một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.
“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Một sự duy nhất và hiệp nhất! Mọi điều Chúa Giêsu biết và có đều bắt nguồn từ Chúa Cha. Hơn nữa, tất cả những gì Chúa Cha biết và có thì Người đều ban cho Chúa Kitô, đến nỗi ngôi này đều có cái mà ngôi kia có, khiến cho mỗi ngôi không chiếm hữu được gì riêng cho mình. Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha. Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần. Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người. Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ. Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ. Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao xa, tuyệt vời, vì đó là chính mầu nhiệm đời sống tình yêu bên trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lại là một mầu nhiệm thiết thân nhất với chúng ta; vì đó là chính sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại đi vào thế giới thần linh của mình, để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con. Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi. Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ. Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra để Chúa đi vào thế giới của mình và để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, với những lời lẽ thật đơn sơ, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về sự duy nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đến với Hội Thánh sau Chúa Con, nhưng cũng chỉ để làm việc Chúa Con và đưa công việc này đến chỗ hoàn tất. Đó là việc mạc khải Lời Chúa, mặc khải chính Thiên Chúa, mạc khải mọi sự Chúa Cha có mà Chúa Con đã nhận được tất cả, để rồi Chúa Thánh Thần sẽ thông ban tất cả cho chúng ta. Ba Ngôi làm việc cho chúng ta trong lịch sử theo thời gian trước sau và theo cách thức khác nhau, nhưng cũng chỉ là một công việc, một ý chí, một chân lý, một cơ sở chung là chính bản tính Thiên Chúa.
Với Chúa Thánh Thần, chúng ta được đưa vào tất cả sự thật, không phải sự thật ở trần gian thay đổi này, nhưng là sự thật của Thiên Chúa, của chương trình cứu độ để chúng ta được giải thoát tội lỗi mà đi vào sự sống và hạnh phúc chân thật. Sự thật cứu rỗi là nhận biết Chúa Cha toàn năng yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người cho chúng ta; và nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Người sai đến là Chúa; và nhận biết Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi đang đưa chúng ta vào tất cả sự thật.
Chúa Giêsu dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn.
Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình : mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần : thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần phải sửa đổi.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mới thực sự là lẽ sống cho đời chúng ta và mỗi lần đọc lên “Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” chúng ta sẽ không còn đọc một cách vô ý thức nữa, nhưng với lòng cung kính mến yêu.
Xin cho chúng ta luôn biết một niềm tôn thờ, tín thác vào Thiên Chúa Ba Ngôi trong mọi nẻo đường của hành trình cuộc đời. Amen.