Lời Chúa: Lc 21,5-18
"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ ra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Những khổ sở mà chúng ta phải chịu trong cuộc sống cũng như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm nay một khúc, và hôm sau tiếp tục…cuối cùng ta cũng vác xong bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của ngày hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi ! (John Newton)
*
Đứng trước đền thờ Giê-ru-sa-lem tráng lệ, nguy nga, rực rỡ mà một số người không ngớt lời khen ngợi, nhân cơ hội này Đức Giê-su báo trước về ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và ngày tận thế đến. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn nhắc nhở mọi người về ngày cánh chung sẽ đến cho mỗi cá nhân và toàn thể vũ trụ. Qua đó, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy cố gắng bền đỗ trong đức tin trước mọi thử thách.
Đức Giê-su báo cho các môn đệ biết rằng sẽ có một thời kỳ các ông sẽ bị bách hại, chụi đau khổ vì danh Ngài. Nhưng đó chính là cơ hội các môn đệ làm chứng cho Chúa Ki-tô. Các ông sẽ làm chứng bằng con đường khổ giá như Đức Ki-tô Phải chịu rồi mới vào trong vinh quang của Ngài.
Chúa Giê-su khích lệ các môn đệ khi chịu gian lao thử thách rằng: chính Ngài sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan là Chúa Thánh Thần để các ông có thể đối đáp với những người bách hại mình. Chúa Giê-su còn nói mạnh hơn khi Ngài đề cập đến sợi tóc trên đầu các ông cũng không bị mất. Điều này cho thấy sự che trở quan phòng của Thiên Chúa Đối với những ai bị bách hại vì danh Ngài.
Chúa Giê-su khuyên các môn đệ hãy kiên trì, bền đỗ trong bất cứ thử thách nào vì đây là điều kiện không chỉ giúp các ông vượt qua thử thách, bách hại mà còn chắc chắn đem lại cho các ông sự sống đời đời.
Đức Ki-tô đã đến thế gian chịu đau khổ, chết và phục sinh. Vì thế, những môn đệ chân chính là những ngừơi dám hy sinh mạng sống mình vì danh Đức Ki-tô. Qua bí tích thanh tẩy, chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm đau khổ và phục sinh của Đức Ki-tô. Vậy chúng ta đã thể hiện sự tham dự đó như thế nào trong cuộc sống hôm nay ?
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Đức Ki-tô không bao giờ bỏ rơi những ai tin tưởng vào Ngài và nhất là những ai vì Ngài mà chịu đau khổ. Sống giữa thời đại, nhiều khi chúng ta cũng gặp không ít những hoàn cảnh gian lao khốn khó, liệu chúng ta có đủ lòng kiên trì, tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa không?
Theo lẽ thường, nghĩ đến ngày tận thế, nhiều người cảm thấy rùng mình khiếp kinh. Điều này cũng rất thực tế vì chúng ta cũng sẽ không bao giờ biết rõ ngày giờ Chúa đến, như Lời Chúa đã phán: “Về ngày giờ ấy không ai biết, kể cả thiên thần trên trời, và cả Con Người nữa, chỉ Thiên Chúa Cha biết” (Mt 24:36). Do vậy, nỗi lo lắng băn khoăn về tương lai là một chuyệt rất tự nhiên, vì chúng ta không thể nắm chắc trong tầm tay ngày mai sẽ ra sao. Nhưng lo lắng không thể để xảy ra thái đội tiêu cực yếm thế bi quan không làm gì như một số tín hữu ở Thessalonica hoặc là cứ sống tha hóa không cần đến ngày mai. Lo lắng đúng là phải đưa đến thái độ sẵn sàng hoặc còn được gọi là tỉnh thức.
Thực vậy, dù con người ngày nay có bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết tương đối: không có gì là chắc chắn; không có chân lý tuyệt đối. Nhưng dù họ có lý luận thế nào đi nữa thì cũng không phủ nhận được một điều chắc chắn đã là con người thì phải chết. Do đó, lo lắng để dọn mình sẵn sàng cho ngày Chúa đến là điều cần thiết và rất quan trọng như Chúa đã nói: “Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày giờ chủ các ngươi đến. Hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ vào, hẳn ông đã tỉnh thức và không để chúng đào ngạch khoét vách nhà ông. Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24:42-44). Vậy, ngày tận thế không phải là ngày đáng sợ, đúng hơn phải ngược lại là chúng ta nên rộng mở cánh cửa tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa. Nếu chúng ta sống trong tâm tình phó thác cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa thì không có điều gì đáng cho chúng ta phải lo ngại.
Quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta đều nằm trong vòng tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi người hãy gắn liền cuộc đời của mình với sức sống thần linh của Thiên Chúa và ý thức sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố thường ngày của chúng ta; để qua những biến cố hân hoan vui mừng cũng như buồn phiền đau khổ chúng ta đều nhìn ra bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Những ai vẫn kết hiệp với Chúa trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ được kết hiệp với Chúa trong ngày Chúa đến. Và Chúa sẽ đến trong vinh quang để đem sức sống của Ngài cho chúng ta: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)
Tới đây, vấn đề đặt ra là chúng ta sống như thế nào là kết hiệp với Chúa? Chúng ta sống như thế nào là có Chúa đang hiện diện cùng chúng ta?
Bài tin mừng cho chúng ta chỉ dẫn thật quan trọng đó là trong bất kỳ hoàn cảnh nào: đói kém, bệnh tật, bách hại … không chỉ đơn giản là những “tai ương” trong cuộc đời theo cách nói bình dân của con người hôm nay, nhưng đó còn là cơ hội để “anh em làm chứng” cho Chúa. Chúa không hề để chúng ta một mình chiến đấu mà như chính Chúa hứa ở cùng chúng ta và dù một sợi tóc trên đầu chúng ta không biến mất đâu, nó đã được đếm cả rồi. Nói cách khác hãy để Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường thánh ý của Ngài. Nếu Chúa cùng đồng hành với chúng ta trên bước đường đời thì dù hôm nay, ngày mai, hoặc năm tới tận thế cũng chẳng sao.
Ngoài ra Giáo hội cho chúng ta chỉ dẫn vô cùng quan trọng đó là xét mình, ăn năn tội và xưng tội một năm ít là một lần. Nói thế, không có nghĩa là mỗi năm chúng ta chỉ xét mình ăn năn và xưng tội một lần, nhưng đúng hơn là mỗi ngày và mỗi khi chúng ta có cơ hội chúng ta đều xét mình, ăn năn tội và xưng tội. Điều này chúng ta thấy trong việc đọc kinh mỗi tối đều đọc kinh ăn năn tội, và thông thường mỗi thánh lễ đều có nghi thức sám hối đầu lễ. Đặc biệt mùa Chay và Mùa Vọng Giáo hội đều kêu gọi chúng ta sám hối ăn năn trở về cùng Chúa. Đặc biệt hơn nữa là trong những ngày này, những ngày cuối năm Phụng Vụ Giáo hội đang mời gọi chúng ta nhìn lại một năm đã qua với tâm tình cảm tạ tất cả những hồng ân Chúa ban, đồng thời thống hối về những lỗi lầm để không chỉ đón một năm mới mà là đón Chúa đến từng phút giây trong đời.
Xét mình, sám hối, ăn năn có mục đích trước hết là để chúng ta nhận ra thân phận mỏng dòn của chúng ta. Và trên hết giúp chúng ta ý thức rằng cuộc đời này chóng qua và chúng ta luôn phải trung kiên trong niềm tin, vững vàng trong niềm hy vọng vào Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì chính từ Ngài mà chúng ta có được sự hiện diện trên trần gian này, và chính Ngài là căn nguyên của mọi nguồn ơn cứu độ và, cũng chỉ có Ngài mới có khả năng mang lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực.
Vậy, chúng ta hãy can đảm để sống từng giây phút trong niềm vui và an bình. Hãy phó thác và giữ vững niềm tin nơi Chúa trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Để qua những việc hết sức tầm thường của cuộc sống trần thế này chúng ta sẽ nhìn ra sự cao cả phi thường của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời con Chúa đã an bài. Con xin phó thác quá khứ, hiện tại, và tương lại đời con trong ân tình Chúa. Lạy Chúa là cùng đích và là tất cả của đời con, xin ban cho con một tấm lòng luôn khát khao yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy giữ gìn và ban cho con một tâm hồn trong sạch để bất cứ lúc nào Chúa đến con cũng đã sẵn sàng chờ đón Chúa.