Lời Chúa : Lc 18,9-14
"
Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Cựu Tổng thống Nam Hàn, Roh Tae Woo đã khóc sướt mướt trên màn ảnh truyền hình quốc gia. Ông đã công khai thú nhận trong suốt nhiệm kì tổng thống của ông, ông đã tham lam công quĩ đến 645 triệu USD. Ông nói : Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi ra trước mặt quí vị. Tôi nhận tất cả mọi trách nhiệm của tôi. Tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt.
Nhìn nhận và xưng thú tội lỗi mình không phải là điều dễ. Phải khiêm tốn mới có thể làm được việc đó.
*
Trong đề tài cầu nguyện, Đức Giê-su tiếp tục đưa ra những dụ ngôn nhằm hướng dẫn thái độ và tâm tình của con người trong cầu nguyện. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện nằm trong mục đích đó. Ý thức sự giới hạn và nhận ra thân phận tội lỗi của mình là điều cần thiết khi đến với Chúa. Ta không thể đến với Chúa bằng thái độ kênh kiệu, đòi Chúa phải làm theo ý ta.
Luca giới thiệu với độc giả hai con người đến đền thờ để cầu nguyện. Hai người hoàn toàn trái ngược : đạo đức và tội lỗi. Công chính và tha hóa. Pha-ri-sêu và thu thuế.
Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình. Bản thân từ “Pha-ri-sêu” có nghĩa là
tách biệt. Họ luôn cho mình có quyền làm điều này. Họ cho rằng sự thánh thiện không thể chung đụng với tội lỗi. Khi đứng riêng ra một bên, họ ngẫng mặt lên và hãnh diện : mình là con người tốt, thánh thiện và công chính. Ông đã không ngần ngại liệt kê những điều ông đã làm được như một hình thức kể công với Chúa.
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, Ông ý thức thân phận tội lỗi của mình. Ông chỉ biết thưa với Chúa :
Xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Chính tình yêu và lòng thống hối đã thúc đẩy ông nói lên điều ấy. Người thu thuế cũng đứng đằng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn. Vì ông thấy mình bất xứng, là kẻ tội lỗi, chẳng dám ngước mắt lên trời. Nhờ sự khiêm tốn mà ông đến được với Thiên Chúa và được ân sủng của Người.
Như thế, Chúa muốn ta đến với Ngài không phải bằng những gì ta đã làm được mà đến với Ngài bằng trái tim, bằng tình yêu, bằng sự cậy trông và bằng tâm tình hoán cải. Sự ý thức sâu xa về thân phận bất toàn của mình đó là điều cần thiết : Tôi có là gì đều là nhờ bởi ơn Chúa ban.
Người Pha-ri-sêu cầu nguyện với Chúa khi đưa ra những công trạng mình đã làm và so sánh mình với người khác như một sự đòi buộc Chúa phải trả công. Trái lại, người thu thuế với thái độ khiêm tốn được Chúa đề cao : người này ra về thì đã được nên công chính. Đó cũng là lời mời gọi cho tôi hôm nay. Tôi sẽ cầu nguyện thế nào và với thái độ nào ?
Thời Đức Giêsu, những Pharisêu rất được dân chúng kính trọng, vì họ là tầng lớp trí thức, am tường luật lệ và cũng là những người giữ luật nghiêm ngặt, nên họ được coi là đạo đức. Chính vì thế, họ luôn tỏ ra là những người cao trọng hơn người khác. Trong dụ ngôn hôm nay họa lại cho ta thấy hình ảnh một Pharisêu chính hiệu, ông đứng thẳng, kể với Chúa về công trạng ông đã làm là xa tránh tội lỗi như : tham lam, bất chính, ngoại tình. Ngoài ra ông còn; ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cúng mật phần mười hoa lợi (x. Lc 18, 12). Quả thật, thì với những công trạng này thì ông là người được khâm phục, và đáng được kính trọng.
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, xấu hổ, e dè, đấm ngực ăn năn: “Lạy Chúa, xin rủ lòng thương tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi”. Những người thu thuế bị xem là phường tội lỗi, tay sai đế quốc, tham lam, bất công, tội lỗi.
Vậy mà Tin Mừng hôm nay lại kết án người đã ăn chay tuần hai lần, dâng cúng một phần mười hoa lợi. Còn người tội lỗi, chơi bời, tham lam, bất công … lại được tha tội. Phải chăng Chúa lầm? Hay Ngài không công bằng?
Thật ra, điều làm nên sự khác biệt chính là thái độ của cầu nguyện. Người thu thuế đã nhìn thấy tội lỗi trước nhan Chúa nên ông được tha thứ. Còn người Pharisiêu đã phạm tội kiêu ngạo ngay trong chính lúc cầu nguyện. Ông đã tự công chính hóa bản thân mình. Những lời cầu nguyện của người Pharisiêu không phải là người cầu nguyện, mà là lời khoe khoang công trạng của mình và miệt thị người khác.
Qua dụ ngôn này, ta thấy hình ảnh rất khác nhau của hai con người khi đến với Chúa. Người thu thuế thì đến với Chúa trong tâm trạng của một con người yếu hèn, tội lỗi. Ông đến với Chúa để xin ơn tha thứ vì ông cần Chúa. Còn người Pharisiêu thì đến với Chúa hình như không phải để cầu nguyện mà là để khoe khoang về những công trạng của mình; nào là ăn chay, dâng cúng, không tham lam, không phạm tội … nhưng hình như ông không ý thức được chính lời mà ông tưởng là cầu nguyện ấy lại là những lời kiêu ngạo miệt thị đồng loại là phạm đến Thiên Chúa.
Qua đó cho thấy, việc cầu nguyện không phải là những lời khoe khoang về những công trạng của mình đã làm. Nhưng trái lại, cầu nguyện chính là trò chuyện tâm tình với Chúa, dâng lên Ngài những thiếu sót và xin Ngài tha thứ bổ khuyết.
Cầu nguyện giúp ta gần Chúa hơn, gắn bó hơn với Chúa, nhờ đó ta được nên giống Chúa và được vui hưởng hạnh phúc với Ngài. Mức độ của cầu nguyện là thước đo lòng yêu mến và kết hợp với Chúa của mỗi tâm hồn.
Cầu nguyện chính là những lời tạ ơn về những ơn lành mà Chúa đã ban, cùng với những lời khẩn xin lòng thương xót của Chúa thứ tha cho những thiếu xót của mình. Lời cầu nguyện tốt nhất chính là sự kết hiệp và sống thân mật với Chúa trong sự khiêm tốn vâng theo thánh ý Chúa.
Bài học áp dụng
Đừng chối những khả năng của con, những thành công của con. Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài sử dụng con như người Hoạ sĩ dùng ngòi bút ba xu (ĐHV 515)
Cương quyết vâng lời Hội thánh là trung thành. Quyết liệt hi sinh vì nhiệm vụ là can đảm, không phải kiêu ngạo (ĐHV 518)
*
Qua dụ ngôn, Chúa dạy chúng con sống khiêm tốn và xa tránh tính tự cao tự đại để nhận ra con người yếu hèn của mình mà cậy trông Thiên Chúa. Chính lời cầu nguyện chân thành đã thánh hóa và làm biến đổi người thu thuế. Xin Chúa cũng giúp chúng con luôn ý thức được giá trị của đời sống cầu nguyện và thánh hóa chúng con để chúng con luôn biết đến với Chúa bằng những lời cầu nguyện đơn thành. Nhờ đó, chúng con luôn được ở gần bên Chúa và sống trong tình thương bao la của Chúa với đời sống cầu nguyện trong khiêm hạ với trọn lòng tin yêu và phó thác.