Lời Chúa: Lc 23, 35-43
"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta". Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Khi một người cha nhận được giấy báo tin là đứa con trai của ông, một cậu bé thông minh xuất sắc, đã bị chết trong một tai nạn đường sắt, ông liền quay sang vị linh mục và kêu lên tuyệt vọng: “xin cha nói cho tôi biết thế thì Thiên Chúa ở đâu?”
Khi người cha này nói đến đây, một luồng ánh sáng soi dẫn vị linh mục và ngài nói: “này ông bạn, Thiên Chúa ở ngay tại chỗ. Người đang ở, khi Con Một của Người chịu chết!”
*
Chúa Giê-su đã bị treo trên thập giá, với những hơi thở và những lời trăn trối cuối cùng để Ngài hoàn tất hy tế thập giá. Trong bối cảnh đó, đám đông có kẻ đứng nhìn, kẻ khóc thương; các nhà lãnh đạo thì buông những lời chế giễu…
Tin Mừng ghi lại biến cố Chúa Giê-su bị đóng đinh và chịu chết trên thập giá. Trong biến cố này, một cách vô tình hay hữu ý, Phi-la-tô đã đặt tấm bảng viết: “người này là vua dân Do Thái” để nói lên tính cách vương quyền của Chúa Giê-su.
“Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là Vua người Do Thái”. Đây cũng là lời châm biếm sâu sắc của Phi-la-tô. Theo tục lễ người Do Thái, họ quen làm bản án ghi rõ tội nhân đã can phạm tội gì. Chính người Do Thái truy tố Chúa Giê-su về tội tự xưng vương, nhưng ngờ đâu tấm bản án này lại là tấm bia rao báo trước sự vinh hiển của Chúa Giê-su.
Có ba mức độ của những kẻ đứng chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.
Mức độ thứ nhất là suy nghĩ. Tin Mừng ghi lại: “dân chúng đứng nhìn”. Họ đứng nhìn và suy nghĩ. Có những suy nghĩ thương xót, tiếc nuối cho cuộc đời của Chúa Giê-su. Nhưng cũng có những suy nghĩ trách móc, khinh chê…
Mức độ thứ hai là những lời nói. Kinh Thánh ghi lại; “các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo…”. Lời nói như con dao hai lưỡi, nó sẽ làm cho một con người được sống, nhưng nó cũng sẽ giết chết một con người. Những lời nói của các thủ lãnh thì giết chết Chúa Giê-su.
Mức độ thứ ba là hành động. Kinh thánh ghi lại: “lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa dấm cho Người uống”. Giờ cuối cùng của cuộc đời của một con người thường được một đặc ân cuối cùng, một bữa ăn. Ơ đây, con Thiên Chúa lại đựoc đãi một bữa dấm chua, thật cay đắng và chua xót dường nào.
Với ba mức độ trên, góp phấn làm nên những gì đúng nghĩa với Giê-su Kitô là Vua. Ngài là Vua của Tình Yêu thưong, Ngài là Vua gánh mọi đau khổ của con ngừơi. Ngài là Vua của chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Giêsu Kitô – DANH HIỆU trổi vượt được suy tôn và mang lại ơn cứu độ.
Có nhiều người thắc mắc, tại sao Lễ Chúa Kitô Vua là dịp để tôn vinh Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội lại cho nghe đọc bài Tin mừng về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Quả thật, nghe bài Tin mừng có vẻ rất không phù hợp vì cho thấy cái chết nhục nhằn của Chúa Giêsu, chẳng có gì là hấp dẫn, chẳng cò gì là vẻ vang chiến thắng của vì Vua cả, thậm chí trước mắt người đời, trước mắt dân ngoại đây là một sự thảm bại đối với Chúa Giêsu. Trên thập giá, Chúa Giêsu chịu sỉ nhục, chịu cực hình thống khổ, bị các thượng tế loại bỏ, và đối với họ, chính Thiên Chúa cũng nguyền rủa: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !".
Tuy nhiên, thần học của Tin mừng Gioan về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu thì lại rất khác: Đức Kitô được tôn vinh làm Vua ngang qua cuộc tử nạn và cái chết trên thập giá: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8, 28); "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31)…
Trong bài Tin mừng hôm nay, ta nhận thấy tác giả Tin mừng cho thấy hai thái độ tin và không tin, nhận biết và không nhận biết Chúa Kitô của hai hạng người: một bên là các thủ lãnh, tên trộm dữ, dân chúng, đám lính và một bên là anh trộm lành. Bên kia sỉ nhục Chúa Giêsu, còn bên này nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Đấng cứu độ.
Người trộm lành: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !" (Lc 23, 42). Chúng ta không biết là người trộm lành có biết ý nghĩa của danh hiệu “Giêsu – Thiên Chúa Cứu”, nhưng trong cơn hấp hối, trong sự cùng cực của đau khổ và hết hy vọng, anh đã nhận ra danh GIÊSU, một danh hiệu vượt lên trên mọi danh hiệu, và hy vọng danh hiệu ấy mang đến cho anh sự cứu rỗi, sự giải thoát : Giêsu – cứu độ.
Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa của lòng thương xót
Trong lời khẩn cầu của người trộm lành, tác giả Tin mừng cho thấy Đức Giêsu không chỉ là Đấng cứu độ, mà còn là Đức Chúa, là Thiên Chúa. Người trộm lành thưa: “Xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42).
“Nhớ đến tôi”: Theo truyền thống Cựu ước, chủ thể của động từ NHỚ thường là Thiên Chúa chứ không phải là con người. Thiên Chúa luôn là Đấng đầu tiên được dành cho động từ NHỚ. Thiên Chúa nhớ đến Noê (St 8,1), nhớ đến Abraham (St 19, 29), nhớ đến Hanah (1Sam 1, 19), Ngài nhớ đến Giao ước của Ngài (Xh 2, 24 ; 5, 6), nhớ đến sự tốt lành của Ngài (Tv 98, 3), lòng thương xót của ngài (Lc 1, 54); “Phàm nhân là gì mà Chúa cần nhớ đến” (Tv 8, 5 ; Dt 2, 6) và nhớ đến tội của dân Ngài (Hs 8, 13) cũng như nhớ đến lòng mến của dân (x. Gr 2,2); nhớ đến lời cầu khẩn của chúng ta (x. Cv 10, 4) cũng như tấm lòng rộng rãi của chúng ta (x. Cv 10, 31). Thánh vịnh gia luôn dùng thành ngữ này khi kêu lên Thiên Chúa “Xin hãy nhớ…”. Điều này ám chỉ đến một Thiên Chúa hằng sống và hiện diện với một sự vững tin rằng Ngài muốn và ngài có quyền năng để cứu chúng ta.
Trên môi miệng của kẻ bị kết án tử cách chính đáng, thì lời cầu nguyện khẩn thiết của lòng tin, đặc biệt của kẻ biết sám hối, Thiên Chúa sẽ cứu.
Chúa Giêsu đáp lại lời khẩn nguyện để cho thấy quyền năng cứu độ của Ngài: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
Một câu trả lời đấy lòng thương xót làm ấm lòng người nghe và mang lại nguồn an ủi cũng như sáng lên niềm hy vọng lớn lao cho kẻ đang trong cơn tuyệt vọng và đau khổ tràn trề.
Chúa Giêsu thật là vị Vua của lòng nhân từ thương xót và cứu độ, vị Vua của niềm hy vọng và tha thứ, vị Vua của sự bình an và trắc ẩn.
Bài học áp dụng
Trên thập giá, trước sự nhạo cười của dân chúng, lời chế giễu của quân lính, sự sỉ nhục của kẻ trộm cùng bị đóng đinh... Ðức Giêsu vẫn thinh lặng. Xem ra Ngài hoàn toàn thất thế, là kẻ chiến bại. Trước con mắt người đời, Ðức Giêsu chẳng còn một chút giá trị. Thế nhưng, tại sao anh trộm lành lại van xin: "Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi"? Điều này thật đáng để chúng ta suy gẫm.
Chúa Giê-su là Vua của mọi sự đau khổ để đi đến vinh quang. Noi gương Chúa Giê-su ta hãy suy ngẫm và phó thác mọi sự đau khổ, cay đắng trong cuộc đời mình cho Chúa. Hy sinh là góp phần vào sự đau khổ và thương khó của Chúa Giê-su.