Thánh Phêrô là người được Chúa Giêsu chọn làm người đứng đầu trong nhóm 12 Tông đồ và quyền được chăm sóc anh em.
Có lẽ ai cũng ngạc nhiên, bởi vì trước đó ông là người đã được Chúa Giêsu cho đi trên mặt nước, bị Chúa quở trách là người “yếu tin” (Mt 14,31). Nhưng trong cuộc sống, Chúa Giêsu đã can thiệp và thử thách đối với Phêrô rất nhiều để ông được lớn lên và vững vàng trong đức tin. Trong nhóm 12 không chỉ một mình ông Phêrô yếu tin mà hầu hết các ông đều là những người yếu tin như vậy, nhưng ông vẫn tự tin lời tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), nhờ đó ông có thể làm gương cho anh em khác vững tin hơn.
Hành trình đức tin của Phêrô
Đối với Phêrô, đức tin là một hành động lớn dần. Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê anh mình. Kế đến là tại tiệc cưới Cana, chính Phêrô đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu (Ga 2,11). Rồi sau một đêm vất vả và khó nhọc mà không bắt được cá, Phêrô và anh ông là Anrê được gọi: “Hãy theo Thầy và Thầy sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người” (Mt 4,19) và từ đó họ đã bỏ tất cả để đi theo Chúa. Kể đến là Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang của Thiên Chúa (Mt 17,1-9). Qua những sự kiện trên cho ta thấy được rằng hành trình đức tin của Phêrô không chỉ một ngày hai ngày mà là một quá trình tiệm tiến để rồi ông mới cảm nhận và xác tín vào Thầy của mình là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống.
Phêrô tuyên xưng đức tin
Trên đường từ địa hạt thành Xêdarê philipphê, Chúa Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,15). Có thể nói đây không phải là một cuộc thăm dò ý kiến để biết lòng dân suy nghĩ và hiểu về mình như thế nào, nhưng là một câu hỏi về vị trí của Thầy trong lòng, trong cuộc đời các môn đệ. Chúa Giêsu không yêu cầu các môn đệ phản ánh ý kiến của người khác nhưng Ngài đợi câu trả lời của các ông. Phêrô đã trả lời Chúa Giêsu mà không liệt kê lại những lời của dân chúng nói như: Êlia, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri nào khác…nhưng ông đã đi thẳng vào vấn đề. Ông trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lời tuyên xưng đó còn đi xa hơn trước bởi được long trọng truyên xưng.
Chúng ta biết được rằng, với Thiên Chúa, hành động đức tin không đến từ những suy tư theo kiểu lý trí hay theo triết học nhưng cần phải có ơn đặc biệt đó chính là Thiên Chúa mặc khải cho con người. Vì vậy mà Đức Giêsu đã nói: “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Phêrô đã trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt đó là ông trở thành “Kêpha” nghĩa là tảng đá. Phêrô, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao người khác, giờ đây ông đã được đầy ân sủng của Thiên Chúa nên đã vượt qua được sự giới hạn của chính bản thân. Giờ đây chúng ta cũng đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Đối với tôi, Đức Kitô là ai?” Và “đối với mọi người, tôi là ai?”
Đối với tôi Đức Kitô là ai?
Đây là câu hỏi rất quan trọng, câu hỏi này dẫn chúng ta vào việc kiểm điểm con người của mình về niềm tin và qua cách sống của mình: có thật là chúng ta tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống và là Đấng cứu chuộc chúng ta không? Nếu chúng ta tin như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ thăng tiến về mọi mặt đức tin cũng như nhân cách phẩm giá làm người. Hay chúng ta vẫn tin một đàng mà sống một nẻo, xem ra niềm tin và cuộc sống đã tách biệt và không ăn khớp với nhau?
Có thể nói đối với một số người Công giáo, thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung, mờ mờ… Vì thế, để trả lời được câu hỏi: đối với tôi, Đức Kitô là ai? Thì chúng ta phải xin ơn của Thiên Chúa ngự vào trong mỗi người để xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành ở bên mỗi người để lấy chính cuộc sống tốt đẹp của mình mà dấn thân phục vụ tha nhân và đồng loại.
“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Phêrô đã đưa ra câu trả lời của riêng mình, ông đã nhìn sâu lòng và vào tâm hồn của mình mà nói ra cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong cuộc sống riêng tư của ông. Quả thực, không có một bài giảng thuyết hùng biện nào thay thế được chính cuộc sống tốt đẹp của mình. Khi chúng ta khám phá ra được Chúa Giêsu Kitô, thì là lúc chúng ta khám phá ra được bản thân và căn tính của chính mình. Chúng ta càng bước vào một mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết, mật thiết với Chúa Kitô thì chắc chắn Ngài sẽ mạc khải cho mỗi người chúng ta hiểu được Ngài hơn và nhất là biết và nhìn ra con người yếu đuối của chính mình, và sự gắn kết đó được miêu tả như cành nho gắn liền với thân nho.
Nếu một khi cành tách khỏi thân thì nó sẽ khô héo và chết. Mỗi người Kitô hữu cũng vậy, một khi chúng ta gắn kết mật thiết với Đức Kitô thì chúng ta sẽ hiểu và yêu mến Ngài. Hơn nữa, chính lúc chúng ta kết hợp với Đức Kitô Ngài sẽ ban sức mạnh và sức sống dồi dào cho mỗi người chúng ta. Để làm được điều này chúng ta phải biết lắng nghe Lời Chúa, thực hành và bước đi với Chúa để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa đên với muôn người.
Lời Chúa trong Chúa nhật tuần này cho chúng ta bài học, đó là chúng ta không chỉ tuyên xưng bằng đầu môi chót lưỡi mà chúng ta tuyên xưng đích thực bằng chính cuộc sống tốt của mình qua đời sống thường ngày. Vì vậy, muốn có được đời sống đức tin vững mạnh và kiên trì để có thể tuyên xưng đức tin của mình trước mặt thiên hạ, mà không lùi bước trước những thử thách và ba thù.Mỗi người Kitô hữu hãy cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài bổ sức và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống. Tu sĩ Phêrô Đậu Văn Phương
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com