Suy tư - Chia sẻ

Sám hối

Cập nhật lúc 14:40 21/09/2018
1.
Cách đây 13 năm, Hội Thánh sống trong bầu khí u sầu. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lâm bệnh nặng. Ngày 25/3/2005, là ngày thứ sáu Tuần Thánh, theo thông lệ, có một lễ nghi viếng đàng Thánh giá ngoài trời. Đức Hồng y Ratzinger, Bộ trưởng Đức Tin, được Đức Giáo hoàng ủy quyền, đã đọc một bài suy gẫm về 14 chặng đàng Thánh giá.

2.
Bài suy gẫm đó càng làm cho bầu khí thêm u sầu tăm tối. Thí dụ, đến chặng thứ 9, Đức Hồng y nói: 
“Thánh giá quá nặng đã khiến Chúa Giêsu ngã xuống, đó chính là tội lỗi thời nay: Xã hội thì sống tục hóa xa Chúa. Chính Hội Thánh cũng sa sút đạo đức. Nhiều tín hữu rước Mình Thánh với trái tim tội lỗi. Lời Chúa bị lạm dụng. Lời giảng chỉ còn là những lời trống rỗng.
Bao nhiêu là kiêu ngạo và tự mãn trong Hội Thánh. Sự phản bội của các môn đệ Chúa và sự rước Mình máu Chúa một cách bất xứng, đó là những đau khổ đè nặng trên Đấng Cứu Thế”.

3.
Với những lời lẽ xót xa, Đức Hồng y Ratzinger mô tả Hội Thánh như một chiếc tàu đáng phải chìm xuống.
Đức Hồng y Ratzinger sau này là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

4.
Hình như trong suốt cuộc đời Giáo hoàng của Ngài và cho đến bây giờ, bài suy niệm trên đây vẫn là những tâm tình sám hối mở đường cho mọi cải cách trong Hội Thánh.

5.
Khi đọc bài suy niệm trên đây, tôi nhận thấy rõ điều này:
Tình hình xã hội hiện nay đang là một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Xã hội là thế. Mà Hội Thánh cũng thế. Vì thế, Hội Thánh nói chung và từng môn đệ Chúa nói riêng cần phải khiêm nhường sám hối.

6.
Hãy khởi đi từ chính bản thân mình.
Những gì Đức Ratzinger đã nói về các giáo sĩ cách đây 13 năm, ngày 25/3/2005, vẫn là thời sự của hôm nay.

7.
Riêng tôi, tôi sám hối bằng cách riêng của tôi, đó là của một người già yếu bệnh tật.
Tôi dâng những lời cầu nguyện và những hy sinh của tôi lên Chúa Giêsu, để xin được cùng với Người và kết hợp mật thiết với Người, nhờ đó sẽ góp phần cứu mọi người trên quê hương thân yêu của tôi.

8.
Trong sám hối, sẽ không được phép kết án ai, sẽ không được phép đổ lỗi cho ai.

9.
Trong sám hối, hãy cầu nguyện cho mọi người, mà chẳng trừ ai.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một hình ảnh bình dân, để khuyên chúng ta cầu nguyện trong sám hối. Ngài bảo chúng ta hãy nhìn vào bàn tay.
Ngón cái là hình ảnh những ai gần gũi với mình.
Ngón trỏ là hình ảnh những kẻ có nhiệm vụ chỉ dạy mình.
Ngón giữa là hình ảnh những ai có quyền cai trị mình.
Ngón đeo nhẫn là hình ảnh các gia đình.
Ngón út là hình ảnh những kẻ yếu đuối, bé nhỏ. Bản thân mình chính là ngón út. 

10.
Khi tôi cầu nguyện theo gợi ý trên đây của Đức Phanxicô, tôi thấy lòng tôi nhẹ nhàng. Chẳng dám kết án ai, chẳng dám đổ lỗi cho ai. Chỉ là yêu thương, chỉ là nâng đỡ lẫn nhau. 

11.
Gương sáng về sám hối đang được Chúa nêu lên đó đây xung quanh đời tôi, nơi nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

12.
Ngay lúc này, khi tôi đang viết những dòng chia sẻ, thì dân chúng địa phương tôi đang sống lễ Vu Lan một cách sốt sắng. Họ giữ chay. Họ nhớ về mẹ, đốt nóng lên tình hiếu thảo, họ tích cực lo cho người nghèo, họ âm thầm cầu nguyện.

13.
Tôi nhận thấy: Tuy có nơi tình hình đạo đức đang xuống dốc trầm trọng, nhưng có nơi đạo đức đang vươn lên mạnh mẽ.
Chúng ta vì thế mà phải tỉnh táo.

14.
Đức Phanxicô đã nói: “Tôi khuyên mọi người hãy phục vụ Chúa Giêsu trong mọi người bị loại trừ bất cứ vì lý do nào. Đó là những người đói, những người khát, những người trần truồng. Chúa hiện diện cả nơi những người đã mất đức tin… Chúng ta sẽ không thể khám phá thấy Chúa Giêsu, nếu chúng ta không đón nhận những kẻ bị loại trừ” (Bài giảng ngày 15/01/2015). 

15.
Chúng ta có loại trừ ai không?
Sám hối chân thành mà Chúa muốn, đòi chúng ta phải rất khiêm nhường.
“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Phải khiêm nhường trước mặt Chúa và cũng phải khiêm nhường đối với mọi người.
Muốn được như vậy, chúng ta đừng quên xin Chúa Thánh Thần soi dẫn. Chúng ta cần ngoan ngoãn vâng theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần.

16.
Tình hình hiện nay là rất phức tạp có phần nguy hiểm. Đức Mẹ khi hiện ra ở Fatima, đã kêu gọi sám hối, để cứu tình hình.

17.
Lúc này, hơn bao giờ hết chúng ta hãy thực hiện sám hối, như một việc đạo đức quan trọng, để cứu Hội Thánh, cứu Quê hương, và để cứu chính bản thân mình.

18.
Lời sau cùng Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ trước khi về trời là: “Anh em hãy rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47). Lời đó phải là lời sau cùng, mà mỗi người chúng ta cần nhớ trước khi từ giã cõi đời này. Như vây, sám hối chính là con đường dẫn tới hạnh phúc muôn đời. Xin hết lòng cảm tạ Chúa đang ban cho chúng ta ơn sám hối. Nếu từ chối ơn sám hối, hậu quả sẽ rất bi đát, khôn lường.

ĐGM GB Bùi Tuần
Thông tin khác:
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Đấng ban sự sống vĩnh cửu (06/09/2018)
Lửa mến thương (05/09/2018)
Cảm thương với những người đau khổ (27/08/2018)
Bánh hằng sống từ nước trời (22/08/2018)
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc đời (14/08/2018)
Chút tâm sự về nỗi lòng của một người môn đệ Chúa (13/08/2018)
Chúng ta được nhận lãnh sự sống vĩnh cửu (07/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log