Suy tư - Chia sẻ

Tình yêu cứu độ

Cập nhật lúc 14:55 26/09/2018
1.
Tôi đã được Chúa cứu.
Chúa cứu tôi khỏi những khốn khó cả phần xác lẫn phần hồn.
Chúa cứu tôi từng phút từng giây.
Chúa cứu tôi một cách nhưng không, chỉ vì Chúa thương tôi, cho dù tôi tội lỗi, yếu hèn.
Chúa cứu tôi một cách đặc biệt.
Tôi hết lòng cảm tạ Chúa.
Tôi hết lòng cảm ơn những ai đã cộng tác với Chúa trong công việc cứu tôi.

2.
Tất cả những gì tôi cảm nghiệm thấy nơi tôi về tình yêu Chúa đều tỏa sáng sự xót thương vô cùng của Chúa.

3.
Và tôi cũng thấy như thế nơi những người được Chúa cứu độ.
Nhất là những người đau khổ, những người bệnh tật, những người nghèo túng, những người bị loại trừ, những người tội lỗi. Họ được Chúa xót thương. 

4.
Để đáp lại ơn Chúa thương tôi, tôi muốn cộng tác với Chúa trong việc cứu những người khác.

5.
Muốn như thế là điều tốt. Chúa quả quyết: “Khi tôi cứu người khác sẽ được Chúa kể như là cứu chính Chúa” (x. Mt 25, 40).

6.
Thánh Gioan tông đồ viết: “Thiên Chúa là tình yêu.
Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 9-20).

7.
Với những lời trên đây, thánh Gioan dạy chúng ta là: Thiên Chúa là tình yêu, ở chỗ Chúa cứu chúng ta bằng việc sai Con Một của Người chịu chết để đền tội thay cho chúng ta.

8.
Yêu là cứu. Cứu độ, cứu giúp. Tôi được Chúa yêu thương cứu độ. Tôi cũng xin được cộng tác với Chúa, mà yêu thương cứu kẻ khác.

9.
Không phải chỉ cái chết của tôi mới là của lễ cứu độ. Mà cuộc sống của tôi cũng hãy là một của lễ. Thánh Phaolô tả cuộc sống là của lễ cứu độ như thế này:
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thật xứng hợp để anh em thờ phượng Chúa. Anh em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 1-2). 

10.
Thánh Phaolô muốn chúng ta sống như một của lễ. Để được như vậy, chúng ta phải bỏ thói đời, mà đổi mới tâm hồn, nhất là biết phân định tốt xấu, những gì là thánh ý Chúa.
Có như vậy, cuộc sống mới được là của lễ đẹp lòng Chúa. Vậy cuộc sống hiện giờ của tôi và của mỗi người chúng ta có xứng đáng là của lễ không?

11.
Tôi sợ phải thưa không. Nếu thưa không, để mà sám hối và bắt đầu lại cuộc đời, thì sẽ đi vào con đường cứu độ.

12.
Tới đây, tôi nhìn xung quanh tôi. Tôi thấy nhiều cái chết đã như của lễ. Tôi thấy nhiều cuộc sống cũng đang là của lễ.


13.
Của lễ ở cuộc sống, của lễ ở cái chết, đó là một dấu chỉ tốt cho Hội Thánh tại Việt Nam này.

14.
Tôi khao khát cho tôi được như thế. Sống như của lễ. Chết như của lễ.
Khao khát đó đang là lời ca tụng Chúa. Khao khát đó cũng đang là lời chào chúc thân tình gửi tới mọi người thân yêu của tôi. Khao khát đó đang là động lực thiêng liêng của tình yêu cứu độ nơi tôi. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

ĐGM GB BÙI TUẦN
Thông tin khác:
"Épphatha" HÃY MỞ RA (25/09/2018)
Sám hối (21/09/2018)
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Đấng ban sự sống vĩnh cửu (06/09/2018)
Lửa mến thương (05/09/2018)
Cảm thương với những người đau khổ (27/08/2018)
Bánh hằng sống từ nước trời (22/08/2018)
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc đời (14/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log