Hầu hết những cuộc gặp gỡ này đều ít có ý nghĩa, và chẳng bao lâu sẽ bị chúng ta quên lãng. Mỗi ngày, chúng ta có thể gặp gỡ một số người, nhưng không bao giờ gần gũi với họ, mà chỉ ở bề ngoài mà thôi. Chúng ta có thể hàn huyên nói chuyện với người khác hàng giờ, thậm chí hàng năm, mà vẫn không hề cảm thấy chúng ta đã bộc lộ con người đích thực của chúng ta cho họ. Chúng ta có thể sống nhiều năm trong cùng một cộng đoàn với những người khác nhau, mà vẫn không bao giờ biết hết về họ, hoặc nói chuyện về những điều sâu xa hơn với họ. Có nhiều cuộc gặp gỡ thật vô tình nhưng cũng có nhiều cuộc gặp gỡ nhờ có sự giới thiệu của người khác. Khởi đầu mùa Thường niên năm nay, Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật II cho chúng ta thấy có những cuộc gặp gỡ và những người gặp gỡ nhờ sự giới thiệu của người trung gian, lời mời gọi ngọt ngào trở nên môn đệ của Đức Giêsu: “Đến mà xem” hành trình nhận biết và tôn kính mầu nhiệm Chúa Kitô chính là hành trình trở nên người môn đệ theo khuôn mẫu của những người môn đệ đầu tiên mà thánh sử Gioan đã đề ra.
Trong bài đọc 1: sách Samuel thuật lại cuộc gặp gỡ của ông trong hành trình đức tin của mình qua người trung gian giới thiệu là thầy Êli đã giúp cho ông nhận ra được tiếng gọi của Chúa. Bài đọc 2 thánh Phaolô cho chúng ta thấy được một điều cao quý, thân xác chúng ta là một phần thân thể của Đức Kitô (x. 1Cr 6,15). Còn Tin Mừng thánh Gioan thuật lại một hành trình khao khát tìm kiếm để gặp gỡ Đấng Chân lý. Đầu tiên là hai môn đệ của ông Gioan là những người mang thao thức tìm kiếm Chân lý. Các ông đã đến với Gioan, và hôm nay Gioan chính thức chỉ cho họ thấy “đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Hình ảnh “con chiên” gợi cho các ông nhớ tới “con chiên Vượt Qua” đã đem lại sự sống và giải thoát dân tộc Do Thái. “Chiên Thiên Chúa” trong cái nhìn của Thần học Gioan, chính là Đấng đã thực sự vượt qua cái chết và đang chiến thắng khải hoàn. Chính Ngài là Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chính vì vậy mà các ông đã lập tức bỏ thầy Gioan và đi theo Đức Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã đi bước trước trong cuộc gặp gỡ: Người hỏi: “Các anh tìm gì thế?” và một lời đáp trả dường như không phù hợp cho lắm “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Thế nhưng bằng câu trả lời khác thường này, các ông đã không tìm một câu trả lời có sẵn, nhưng nói lên ước vọng được tiếp xúc với Thầy, được quan sát lối sống của Thầy và được cùng Thầy đàm đạo để rồi chính các ông tìm ra câu trả lời Thầy là ai? Đức Giêsu hiểu thấu lòng các ông, Người đã không đưa ra câu trả lời nhưng là một lời mời gọi: “Đến mà xem”. Gioan mô tả các ông đã “đến xem và ở lại với Đức Giêsu ngày hôm ấy” (Ga 1,39). Tiếp đến, chính Anrê một trong hai môn đệ đã đi tìm em mình là Phêrô và công bố với em: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”; rồi ông dắt Simon đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,41-42a).Hành trình của mỗi người môn đệ được khởi đầu từ sự khát vọng tìm kiếm Chân lý. Để trở nên người môn đệ chính là tự mình phải dấn thân vào con đường tìm kiếm, gặp gỡ và ở lại với Đấng là Chân Lý. Chính kinh nghiệm cá vị có được trong tương quan với Đức Giêsu mà người môn đệ biết được Ngài là ai. Nhờ đó, việc ra đi loan Tin Mừng không phải là một nhiệm vụ nặng nề phải chu toàn nhưng là hệ quả của một cuộc hành trình gặp gỡ với Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Lời rao giảng không phải là những lý thuyết về sự hiện hữu và quyền năng Thiên Chúa nhưng chính là lời chứng: các ông đã gặp Ngài. Ngài cũng chính là Đấng mà mọi người chúng ta đang tìm kiếm. Đấng duy nhất giải đáp và thỏa mãn mọi khát vọng Chân lý của mỗi một con người.
Qua cuộc hành trình Chúa gọi Samuel, Gioan, Anrê và Simon, chúng ta nhận thấy, mỗi người trong chúng ta có một trường hợp riêng, nhưng tất cả lại qui về một mối duy nhất.Thực vậy, trong cả bốn trường hợp trên thì sáng kiến kêu gọi luôn luôn là sáng kiến của Chúa, chứ không bao giờ là sáng kiến của chính cá nhân, của chính bản thân các ông. Tất cả chúng ta, một khi đã nghe biết tiếng gọi của Chúa, thử hỏi chúng ta đã mau mắn đến để xem cho biết Ngài là ai hay chưa, có còn do dự gì nữa không?
Tóm lại, hành trình để đi đến một cuộc gặp gỡ và giới thiệu Chúa Kitô đó là bằng chính kinh nghiệm bản thân mỗi người chúng ta, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả như mong muốn.Vì thế, chúng ta là những Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.Chúng ta cần biết sống đối xử tốt với nhau, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của chúng ta, dần dần chúng ta sẽ giới thiệu được nhiều người đến gặp gỡ Chúa.