Suy tư - Chia sẻ

Đấng Phục Sinh trao ban thần khí

Cập nhật lúc 11:30 12/06/2019
Từ nguồn tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng Tự Hữu sinh ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa con.
Phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (Ga 4,24). Ảnh: CTV
Phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (Ga 4,24). Ảnh: CTV
Từ nguồn tình yêu đó, trải qua suốt dòng lịch sử cứu độ, Chúa Thánh Thần luôn có một vai trò rất quan trọng trong công trình sáng tạo của Chúa Cha. Ngài đã hoạt động một cách đặc biệt nơi lịch sử Ixraen, các ngôn sứ… Đến thời viên mãn, Tân Ước đã cho ta thấy tác động của Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, từ nhập thể đến Phục sinh; và từ Phục sinh, Chúa Thánh Thần là hồng ân mà Đức Kitô ban cho nhân loại. Thánh Thần từ khởi thuỷ, Ngài vẫn hoạt động một cách dồi dào từ cái chết của Đức Kitô như mạch suối tuôn trào nước hằng sống (x. Ga 19,20; 17,37-39). Trên bình diện lịch sử cứu độ này, Chúa Thánh Thần luôn tuỳ thuộc vào Chúa Giêsu như chính Chúa Giêsu tuỳ thuộc vào Chúa Cha (x. Ga 16,13-15). Công việc của Chúa Thánh Thần là gắn bó chúng ta với Đức Giêsu, như Người đã gắn kết với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.

Qua đó, bài trích sách Công vụ Tông Đồ nói đến sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Trình thuật lại lịch sử về cuộc Hiện Xuống. Trình thuật này nhắc đến hình ảnh của gió, tiếng động, lửa. Qua các Tông đồ, Thánh Thần bắt đầu hoạt động sự hiệp nhất: Ngài ban cho con ngươi thuộc mọi văn hóa, chủng tộc đều nghe và hiểu được những lời rao giảng của các ngài trong Chúa Kitô Phục sinh.

Tin Mừng của thánh Gioan ghi lại cho chúng ta cách mà Chúa Giêsu Phục sinh lần đầu tiên hiện ra cho các Tông đồ. Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các Tông đồ quen một hình thức hiện diện mới: đó là từ đây, Người sẽ không hiện diện một cách hữu hình về thể lý nữa, nhưng đó là “một khi ra đi” Người sẽ luôn luôn hoạt động trong họ: chính đó là công việc của Thánh Thần. Và chúng ta đã biết sức mạnh nào, động lực nào đã thúc đẩy các Tông đồ Phúc âm hóa thế giới; từ đây chính Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục sinh sẽ sống trong Giáo hội và thực hiện sự hiệp nhất Giáo hội chung quanh Chúa Kitô. 

Chúng ta cũng hãy cảm nhận trong cuộc đời mình về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Từ sự hiệp nhất trong Thần Khí, chúng ta hãy khám phá ra công việc mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện, và hãy nói lên những phần chưa hiệp nhất mà Thánh Thần còn phải thực hiện. Trong đời chúng ta, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần ở đâu? Ngài là lửa, là nước hằng sống, là sự hiệp thông, là ơn Chúa... chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự hiện diện của Thánh Thần qua các hoa quả của Ngài đó là các: ơn huệ của Thánh Thần là niềm vui, bình an, tình yêu... 

Sự hiện diện của Thánh Thần trong phép Thánh Thể. Ngay trước lúc truyền phép, linh mục xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các của lễ được dâng tiến: “Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa lễ vật này...” (Kinh nguyện Thánh Thể II). Khi đọc các lời đó, linh mục đồng thời đặt tay trên lễ vật. Cử chỉ này tượng trưng việc Thánh Thần chiếm hữu các hiện vật đó. Qua cử chỉ và lời nói trên, linh mục cũng mời gọi chúng ta nhận ra sự hoạt động nhiệm mầu của Thánh Thần trong phép Thánh Thể và trong đời sống chúng ta. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà ta nhận biết Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ, chính nhờ Chúa Thánh Thần mà ta có thể tuyên xưng Chúa Giêsu trong cuộc đời của ta. Mọi việc hiệp lễ đều là công việc của Thánh Thần; Chúa Kitô đến trong ta để ban cho ta Thánh Thần của Người, Đấng đã làm cho Người sống và cũng làm cho chúng ta được sống. 

Bởi thế, bài trích thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô, là một suy tư của ngài về hoạt động của Thánh Thần trong các Kitô hữu: “Không ai có thể nói: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3b). Hình ảnh thân thể được diễn tả đúng sự hiệp nhất trong sự đa phương thức của các chức vụ: Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất đó. Bởi vì, “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí Duy nhất” (1Cr 7,13).

Vì vậy, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài luôn luôn hoạt động trong công trình cứu độ của Chúa Cha qua dòng lịch sử. Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống Phục sinh mà Đức Giêsu Kitô đã ban cho nhân loại. Chúng ta luôn được gắn bó mật thiết với Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Ngài vẫn luôn hoạt động trong mỗi người chúng ta cho dù chúng ta có khác biệt về màu da, chủng tộc hay văn hóa… như Ngài vẫn hằng hoạt động nơi các Tông đồ xưa đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần từ Đấng Phục sinh. Từ sự hiệp nhất của Thánh Thần chúng ta luôn biết khám phá ra Ngài đang hoạt động trong đời ta một cách sống động qua Bí tích Thánh Thể mỗi ngày một cách dồi dào ơn thánh.

Thập Tự Ân
Thông tin khác:
Học nơi trái tim Chúa Giêsu sự hiền lành khiêm nhường (11/06/2019)
Yêu mến Thầy là giữ lời Thầy! (07/06/2019)
Những thứ cạn kiệt cần tránh (06/06/2019)
Yêu như Chúa (21/05/2019)
Tâm sự của một người thầy (17/05/2019)
Mục tử và đàn chiên (16/05/2019)
Dâng mẹ hoa yêu thương khiêm nhường (15/05/2019)
Lời đáp trả chân thành (08/05/2019)
Đi tìm những đốm sáng hy vọng (07/05/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log