Suy tư - Chia sẻ

Yêu như Chúa

Cập nhật lúc 15:07 21/05/2019
Vì muốn các môn đệ biết đón nhận thánh ý Chúa Cha và không bị vấp ngã trong những ngày chịu khổ nạn, Đức Giêsu đã lần này lượt khác nói về cái chết đầy ô nhục của Người.

Lần thứ nhất là sau khi hóa bánh ra nhiều lần thứ hai;ở vùng kế cận thành Xêdarê Philipphê, Người đã loan báo về cái chết của Người tại Giêrusalem do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư gây ra (x. Mt 16, 13-23). Lần thứ hai là sau khi đàm đạo với ông Môsê và ông Êlia; tại Galilê, khi có mặt đầy đủ các môn đệ, Đức Giêsu một lần nữa loan báo về cái chết và sự phục sinh của Người (x. Mc 9, 2-32). Lần thứ ba là trên đường lên Giêrusalem lần cuối cùng. Đây là lần Người nói rõ ràng, chi tiết nhất trong ba lần Người tiên báo cuộc thương khó của Người cho các môn đệ. Người nói: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” (Mt 20,18-19). Đức Giêsu không chỉ loan báo cho các môn đệ mà Người cũng nhiều lần tiên báo công khai với đám đông khi nói với họ: “tôi còn ở với các ông ít lâu nữa thôi, rồi tôi sẽ về với Đấng đã sai tôi” (Ga 7,33). Hay gần tới ngày bị nộp, tại Giêrusalem, Đức Giêsu lại nói: “đã đến giờ Con Người được tôn vinh... vì hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh nhiều hạt khác...” (x. Ga 12,20-36).

Thập giá là điều ô nhục đối với người Dothái và là sự điên rồ đối với dân ngoại, vậy đâu là vinh quang của Chúa Giêsu trên Thập giá? Vinh quang của Đức Giêsu không phải là cây Thập giá nhưng là vâng lời Chúa Cha cho đến cùng và làm mọi sự để Chúa Cha được tôn vinh. Vì thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện hiến mạng sống mình, dâng sự sống mình lên Chúa Cha qua thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Đây chính là sự khác biệt giữa cái chết của Đức Giêsu và những người chịu đóng đinh khác. Những người kia chết vì tội lỗi của họ còn Đức Giêsu chết vì yêu con người,giải thoát con người và muốn con người được chung phần vinh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng. 

Trên thế gian này, thiết nghĩ thứ quý giá nhất hẳn là sự sống. Cũng chính vì vậy mà đất nước đã ghi ơn các anh hùng đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc; thế giới luôn ghi ơn những người đã hiến xác để cứu người... và Thiên Chúa cũng sẽ ghi vào sổ trường sinh những ai hy sinh mạng sống mình vì người khác và vì Nước Trời. Chính Thiên Chúa ban sự sống cho con người nhưng con người có tự do quyết định vận mệnh và tương lai của mình bằng giây phút hiện tại. 
Trong vòng vây của ma quỷ, của thế gian và của sự yếu đuối nơi bản thân chúng ta có một bảo bối mà Đức Giêsu để lại đó là lời mời gọi “hãy yêu”. Đây là một đáp án đúng cho mọi bài toán: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Với những người thân quen, hãy yêu thương họ; với những người xúc phạm đến mình, hãy yêu; với những người bắt bớ, ngược đãi mình, hãy yêu và cầu nguyện cho họ. Đó là những điều mà Đức Giêsu đã lặp đi lặp lại suốt thời gian rao giảng và ngay trên thập giá. Chắc chắn các môn đệ đều cảm nhận được tình yêu bao la mà Đức Giêsu dành cho họ. Dầu các ông có lỗi phạm, có mê muội hay thậm chí là chối bỏ thì Đức Giêsu vẫn ban bình an của Thiên Chúa xuống cho các ông. Còn mỗi người chúng ta có cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình không? Nếu không nhận thấy tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình thì làm sao chúng ta có thể yêu mến và biết ơn Người được? Còn nếu chúng ta cảm nhận được thì chúng ta có yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta hay không? Vì tình yêu chính là sẻ chia, tha thứ và hy sinh cho nhau. Và chúng ta có tìm được hạnh phúc khi sống vì người khác hay không?

Tin chắc rằng, mỗi người chúng ta đã một lần tìm được niềm vui khi rộng tay nâng đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn; hay lấy lại được bình an khi xóa đi sự thù hận với người lỗi phạm tới mình. Những cử chỉ đó không chỉ đem lại niềm vui cho mình mà còn giúp tha nhân có được hạnh phúc thậm chí là xóa đi tội lỗi của họ để họ được hưởng ơn cứu độ. Dầu ta có làm gì cho tha nhân thì cũng chỉ dừng lại ở mức: “Yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27), nghĩa là lấy mình làm tiêu chuẩn của tình yêu; nhưng hôm nay Đức Giêsu lấy Thiên Chúa làm thước đo cho tình yêu. Điều này dường như rất khó để thực hiện, vì tình yêu Thiên Chúa dành cho con người quá lớn lao. Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người phản bội mình; trong khi Thiên Chúa lại tỏ ra là một Đấng trung tín và đầy nhân hậu dù họ phản bội. Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho những đứa con luôn tỏ ra ngỗ nghịch; trong khi Thiên Chúa như một người Cha lần này lượt khác tìm cách khuyên bảo và răn dạy...

Nhưng trong thực tế cho thấy, các môn đệ và các thánh đã làm được. Cụ thể là trong sách Công vụ tông đồ hôm nay tường thuật lại việc các ông vượt qua những bắt bớ, xóa đi óc kỳ thị để đem Tin Mừng đến với dân ngoại. Qua việc bắt chước tình yêu của Thầy Giêsu, các tông đồ đã tận hưởng hương vị Thiên Đàng ngay tại thế. Bởi vì họ sống trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Họ đáp trả tình yêu cách mãnh liệt, và được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn trên con đường tiến về Thiên Quốc.

Chúng ta cũng được mời gọi sống chiều kích “yêu như Thầy yêu” không phải để phô trương, đánhh bóng tên tuổi nhưng để loan báo Tin Mừng cho những người mình gặp gỡ. Yêu thương người ghét mình và cầu nguyện cho họ là điều không dễ dàng nhưng yêu như thế mới là yêu theo cách của Giêsu. Yêu vì hạnh phúc của chính họ. Để yêu được như Thầy Giêsu đòi buộc mỗi người tín hữu cần có mối tương quan sâu đậm với Thiên Chúa, sức mạnh và tình yêu của Người là trợ lực giúp chúng ta thực thi mệnh lệnh yêu thương.
Giuse Trần Ân 
Thông tin khác:
Tâm sự của một người thầy (17/05/2019)
Mục tử và đàn chiên (16/05/2019)
Dâng mẹ hoa yêu thương khiêm nhường (15/05/2019)
Lời đáp trả chân thành (08/05/2019)
Đi tìm những đốm sáng hy vọng (07/05/2019)
Tựa vào lòng Thương Xót Chúa (04/05/2019)
"Linh mục phải nên một với Chúa Giêsu..." (04/05/2019)
Nguồn hy vọng (23/04/2019)
Hãy đi và đừng phạm tội nữa (22/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log